Banner trang chủ

Xử lý chất thải chăn nuôi làm phân bón hữu cơ - Hiện trạng và giải pháp

28/11/2019

     Chất thải chăn nuôi (CTCN) là nguồn tài nguyên tái tạo có giá trị hàng nghìn tỷ đồng nếu có thể tận dụng làm phân bón hữu cơ. Thời gian vừa qua, ngành chăn nuôi đã phải bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng xử lý CTCN thật sạch để xả ra môi trường trong khi ngành trồng trọt lại chưa thể sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên này. Do vậy, thời gian tới, ngành chăn nuôi cần có sự thay đổi quan điểm chiến lược về xử lý CTCN từ “xử lý ô nhiễm môi trường chăn nuôi để được phép chăn nuôi” sang “đầu tư công nghệ để sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên CTCN”, từ đó, ban hành các quy định về quản lý nhà nước nhằm tạo hành lang pháp lý và chính sách hỗ trợ cho phát triển các công nghệ sử dụng CTCN làm phân bón hữu cơ. Kết quả thử nghiệm của Dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp  (LCASP) cho thấy, các công nghệ sử dụng CTCN làm phân bón hữu cơ có thể mang lại tỷ suất lợi nhuận (IRR) cao và khả năng thương mại hóa tốt. 

     Tiềm năng về giá trị của nguồn tài nguyên CTCN

     Năm 2018, ngành chăn nuôi Việt Nam có quy mô hơn 409 triệu gia cầm, 27,5 triệu lợn, 5,9 triệu bò và 2,5 triệu con trâu, hàng năm thải ra khoảng 64 triệu tấn phân và 77 tỷ lít nước tiểu.

     Theo IAEA (2008), thành phần các chất dinh dưỡng trong phân phụ thuộc vào loại gia súc, biến động như sau (so chất khô): hàm lượng các bon: 24,7 - 44,9%, N tổng số: 2,5%, P2O5 tổng số từ 0,32 đến 0,77%, K2O tổng số trong khoảng từ 1,15 đến 5,41% (Negro et al, 1995). Tại Việt Nam, kết quả phân tích hàm lượng dinh dưỡng của một số loại phân chuồng cũng đã được Viện Chăn nuôi công bố cũng có giá trị tương tự.

     CTCN là loại chất hữu cơ quý, có thành phần dinh dưỡng rất cao, nếu được thu gom và xử lý hiệu quả sẽ trở thành nguồn phân hữu cơ rất có giá trị cho sản xuất nông nghiệp. Ước tính sơ bộ giá trị phân bón của CTCN rắn hàng năm của nước ta như sau:

 

STT

Loại chất thải

Số lượng phân (triệu tấn)

Giá trị về phân bón (triệu tấn)

Hữu cơ

N-ts

P2O5-ts

K2O-ts

1

Phân lợn

25,1

8,97

0,17

0,15

0,26

2

Phân gia cầm

3,0

0,45

0,03

0,01

0,01

3

Phân bò

22,3

5,26

0,07

0,02

0,16

4

Phân trâu

13,7

2,43

0,04

0,01

0,15

 

Tổng cộng

64,1

17,11

0,31

0,19

0,58

    

     Như vậy, nếu tận dụng được nguồn CTCN để sản xuất phân bón hữu cơ thì hàng năm có thể sản xuất được khoảng 17 triệu tấn phân bón hữu cơ, thay thế được khoảng 0,3 triệu tấn phân đạm, 0,19 triệu tấn phân lân và 0,58 triệu tấn phân Kali nhập khẩu. Mặt khác, việc tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ sẽ nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón vô cơ, qua đó giảm hơn nữa lượng phân bón hữu cơ nhập khẩu. Như vậy, nếu tính giá trị nguyên liệu phân bón hữu cơ truyền thống ở mức 1 triệu đồng/tấn thì nếu tận dụng được nguồn CTCN làm nguyên liệu phân bón hữu cơ thì sẽ có tiềm năng thu nhập khoảng 17 ngàn tỷ đồng/năm cho GDP ngành chăn nuôi.

     Chiến lược Phát triển chăn nuôi đến năm 2020 (Quyết định số 10/2008/QĐ-TTg ngày 16/1/2008) đặt mục tiêu về môi trường như sau: “Các cơ sở chăn nuôi, nhất là chăn nuôi theo phương thức trang trại, công nghiệp và cơ sở giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm phải có hệ thống xử lý chất thải, bảo vệ và giảm ô nhiễm môi trường”. Mục tiêu này đã xác lập quan điểm “xử lý môi trường chăn nuôi để được phép chăn nuôi”. Quan điểm này đã chi phối hầu hết các quy định, chính sách của nước ta trong giai đoạn 2008 - 2020 theo hướng bỏ chi phí ra để xử lý CTCN thật sạch, đáp ứng yêu cầu xả thải ra môi trường chung.

     Thực tế khảo sát tại nhiều nước trên thế giới cho thấy, CTCN được coi là “nguồn tài nguyên” để phục vụ cho mục đích trồng trọt hoặc tạo ra năng lượng sinh học (phát điện). Do vậy, cần thiết phải có sự thay đổi quan điểm chiến lược trong giai đoạn 2020 - 2030: Coi CTCN là “nguồn tài nguyên quý giá” để khai thác, sử dụng nhằm nâng cao GDP của ngành chăn nuôi thông qua việc: Giảm chi phí xử lý chất thải chăn nuôi; Tăng thu nhập thông qua chế biến CTCN làm phân bón hữu cơ và năng lượng sinh học.

     Hiện trạng sử dụng CTCN làm phân bón hữu cơ tại Việt Nam

     Nông dân Việt Nam có truyền thống sử dụng chất thải rắn (CTR) trong chăn nuôi làm phân chuồng bón cho cây trồng từ hàng trăm năm nay. Do nước ta có ngành trồng trọt rất phát triển nên nhu cầu phân chuồng rất lớn. Tuy nhiên, việc sử dụng và mua bán phân chuồng cho mục đích trồng trọt còn tùy thuộc vào đặc điểm của các phương thức chăn nuôi và tập quán của người dân tại các địa phương khác nhau.

     Đối với chăn nuôi lợn: CTR trong chăn nuôi lợn chiếm gần 40% tổng lượng CTR hàng năm (khoảng 25 triệu tấn). Tuy nhiên, do phương thức chăn nuôi lợn thịt ở nước ta sử dụng quá nhiều nước để vệ sinh và làm mát lợn (theo khảo sát của dự án LCASP là khoảng 30 lít nước/lợn/ngày) nên phân lợn đã bị hòa loãng trong nước xả chuồng nên không thể thu gom dẫn đến chỉ còn cách xả trực tiếp ra môi trường hoặc cho xuống hầm bioga. Theo khảo sát của Dự án LCASP thì trung bình có khoảng 300 triệu m3 nước xả chuồng trong chăn nuôi lợn hàng năm rất khó xử lý để đạt QCVN 62 để thải ra môi trường. Chỉ có chăn nuôi lợn nái không được sử dụng nhiều nước thì phân mới được thu gom và sử dụng làm phân bón hữu cơ. Do vậy, đối với chăn nuôi lợn thịt, cần phải có công nghệ để tách và thu gom CTR từ nước xả chuồng để đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên CTCN này.

     Đối với chăn nuôi gia cầm: Chất thải trong chăn nuôi gà chủ yếu là chất thải rắn (phân gà), lượng chất thải lỏng rất ít. Do phân gà khi bị ướt có mùi rất hôi nên phương thức xử lý hữu hiệu nhất là sử dụng đệm lót sinh học (trấu, mùn cưa) để hút ẩm và các chế phẩm vi sinh để khử mùi. Phân gà thu gom có thể bán để làm nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ nên nhiều trang trại nuôi gà không cần quan tâm đến xả thải phân gà ra môi trường. Một số trang trại gia cầm như trang trại Minh Dư ở Bình Định sử dụng trấu để làm đệm lót sinh học cho gà: cứ 1 kg trấu có giá 1.300 đồng, sau khi sử dụng sẽ thu được 3 kg trấu lẫn phân gà có giá 1.000 đồng/kg. Ông chủ trang trại cho biết, riêng tiền bán phân gà lẫn trấu đã giúp trang trại có đủ kinh phí trả công cho nhân viên trong trang trại.

 

Mô hình chăn nuôi lợn thịt không xả thải ra môi trường do Dự án LCASP tài trợ tại xã Vụ Quang, Đoan Hùng, Phú Thọ

 

     Đối với chăn nuôi trâu bò: Phân bò hiện nay đang được thu gom để bán làm phân bón hữu cơ. Số liệu khảo sát của Dự án LCASP cho thấy, có một mạng lưới thu gom phân bò phơi khô từ Đồng bằng sông Cửu Long đến Nam Trung Bộ để bán lên Tây Nguyên làm phân bón hữu cơ. Giá thành phân bò khô khoảng 1.500 đồng/kg, hiện tại cung không đủ cầu. Đã có một số trường hợp phản ánh mua phải phân bò giả tại Đắk Lắk. Tóm lại, chăn nuôi bò thịt không phát sinh vấn đề lớn về xử lý môi trường do phần lớn phân được thu gom đem bán làm phân bón hữu cơ.

     Đối với chăn nuôi bò sữa, do phải sử dụng nhiều nước nên đa số các hộ lắp đặt hầm bioga dung tích lớn. Đa số các hộ dân và trang trại đều tham gia các chuỗi giá trị chăn nuôi bò sữa của công ty nên có các tiêu chuẩn quản lý môi trường khá tốt, đặc biệt các trang trại lớn thường được đầu tư các hệ thống xử lý CTCN hiện đại. Tuy nhiên, do sử dụng nhiều nước trong chăn nuôi bò sữa nên cần thiết phải áp dụng các công nghệ tách và thu gom CTR từ nước xả chuồng để làm phân hữu cơ.

 

Mô hình bể lọc 4 ngăn trước bioga tại Nam Định

 

     Tập quán sử dụng phân chuồng: Các tỉnh miền Bắc Việt Nam có tập quán lâu đời về ủ phân chuồng bón cho cây trồng. Do vậy, phân chuồng sau khi ủ tại các nông hộ luôn có thị trường tốt tại các tỉnh miền Bắc. Tuy nhiên, nông dân các tỉnh Nam Trung bộ và Nam bộ chưa quen với tập quán ủ phân chuồng và sử dụng phân ủ quy mô nông hộ để bón cho cây trồng. Gần đây, nông dân tại nhiều tỉnh/thành sử dụng những bao phân tươi để dưới gốc cây ăn quả với mục đích cho chất hữu cơ bị phân hủy dần dần thấm vào đất. Đây là một phương thức bón phân chuồng chưa đúng do chất hữu cơ trong phân tươi có thể gây ô nhiễm môi trường và thu hút sinh vật gây hại cho cây trồng.

     Đối với việc sử dụng phân chuồng để sản xuất phân bón hữu cơ ở quy mô công nghiệp: Kết quả khảo sát của Dự án LCASP cho thấy, nhiều doanh nghiệp sản xuất phân bón còn chưa mặn mà với nguồn phân chuồng do chi phí thu gom cao, vận chuyển khó khăn và nguồn than bùn giá rẻ ở nước ta còn khá phong phú. Mặt khác, chuỗi giá trị thu gom, chế biến và sử dụng phân bón hữu cơ quy mô công nghiệp từ phân chuồng vẫn chưa hình thành ở nhiều địa phương. Đối với phân bò đã hình thành một chuỗi giá trị thu gom phân bò khô ở các tỉnh Nam Trung bộ để vận chuyển lên Tây Nguyên bán cho các nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ. Tuy nhiên, chuỗi giá trị này lại chưa hình thành được đối với nguồn phân lợn. Phân lợn ép hầu như không tiêu thụ được ở tỉnh Bình Định, mặc dù theo kết quả nghiên cứu của Dự án LCASP (phối hợp với Công ty Cổ phần phân bón NICOTEX), phân lợn ép có thể thay thế được 60% nguồn nguyên liệu than bùn làm phân bón hữu cơ với giá thành sản xuất cạnh tranh hơn. Do vậy, cần có sự hỗ trợ ban đầu của chính quyền địa phương (ở những nơi có đủ điều kiện) để khuyến khích doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư công nghệ và tổ chức sản xuất nhằm hình thành các chuỗi giá trị thu gom, sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ thương phẩm từ phân lợn ép. Chuỗi giá trị này hình thành sẽ tạo động lực cho người chăn nuôi đầu tư các máy tách ép phân vừa để thu gom CTCN làm phân bón hữu cơ lại vừa để giải quyết ô nhiễm môi trường.

     Chính sách về sử dụng phân chuồng: Các quy định về quản lý CTCN mới chỉ đề ra những yêu cầu không cho phép người dân xả thải ra môi trường gây ô nhiễm mà chưa có định hướng cụ thể cho người dân sử dụng CTCN làm phân bón hữu cơ. Mặc dù người dân đã và đang tự phát mua bán phân chuồng để phục vụ mục đích trồng trọt nhưng các quy định về quản lý nhà nước lại chưa cho phép người dân mua bán phân chuồng (phân hữu cơ) mà chưa có đăng ký theo Nghị định 108/2017/NĐ-CP. Trên thực tế, một lượng khá lớn phân chuồng đã và đang được người dân sử dụng để ủ phân compost và buôn bán ở quy mô nhỏ nhưng không được kiểm soát và hỗ trợ chuyển giao công nghệ ủ phân tiên tiến. Điều này dẫn đến thực trạng không kiểm soát được lượng phân chuồng phát sinh từ chăn nuôi đã được sử dụng cho trồng trọt. Công nghệ chế biến phân chuồng làm phân bón hữu cơ hiện đang rất hạn chế ở nước ta do chưa có các quy định để tạo hành lang pháp lý cho phát triển ứng dụng các công nghệ này.

 

Mô hình máy tách phân tại Bình Định

 

     Đề xuất một số giải pháp về chính sách và công nghệ nhằm tăng cường sử dụng CTCN làm phân bón hữu cơ

     Tiềm năng của nguồn tài nguyên CTCN là rất lớn (khoảng 17 ngàn tỷ đồng/ năm nếu tận dụng 64 triệu tấn CTR làm phân bón hữu cơ và tiết kiệm khoảng 9,6 ngàn tỷ đồng chi phí xử lý hơn 300 triệu m3 nước thải đạt QCVN 62 để xả ra môi trường). Do vậy, việc chuyển đổi quan điểm chiến lược về xử lý CTCN từ “xử lý ô nhiễm môi trường chăn nuôi để được phép chăn nuôi” sang “đầu tư công nghệ để sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên CTCN” là hết sức cần thiết. Việc thay đổi quan điểm chiến lược này sẽ dẫn đến những thay đổi quan trọng trong các quy định và chính sách nhằm tạo hành lang pháp lý và hỗ trợ phát triển các công nghệ vừa giúp sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên CTCN làm phân bón hữu cơ, vừa giúp xử lý ô nhiễm môi trường bền vững và thực chất hơn. Trước mắt, Bộ NN&PTNT cần nhanh chóng ban hành các quy định cụ thể nhằm cho phép người dân: Thu gom, ủ phân compost và buôn bán phân chuồng quy mô nhỏ được thuận lợi và dễ dàng hơn; Sử dụng nước thải chăn nuôi đã qua xử lý để tưới cho cây trồng.

     Thực tế thử nghiệm các công nghệ theo hướng sử dụng hiệu quả CTCN của Dự án LCASP cho thấy, tỷ suất lợi nhuận (IRR) của các công nghệ do Dự án giới thiệu khá cao: (i) mô hình chăn nuôi lợn thịt không xả thải thông qua ủ toàn bộ CTCN làm phân bón hữu cơ tại Bắc Giang có IRR đến 60%; (ii) mô hình sử dụng máy tách ép phân cho trang trại trên 4.000 lợn thịt tại Phú Thọ có IRR đến 70%; (iii) mô hình sử dụng hệ thống bể lọc 4 ngăn trước bioga nhằm thu gom CTR từ nước xả chuồng lợn tại Nam Định có IRR đến 125%. Điều này cho thấy, quan điểm đầu tư công nghệ để sử dụng CTCN làm phân bón hữu cơ là hoàn toàn đúng đắn. Trong giai đoạn phát triển mới của ngành chăn nuôi, Chính phủ cần hỗ trợ nhân rộng các công nghệ này, đồng thời, kết nối các doanh nghiệp sản xuất phân bón hữu cơ và các trang trại chăn nuôi nhằm thu gom và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên CTCN.

 

TS. Nguyễn Thế Hinh

Ban Quản lý các dự án Nông nghiệp, Bộ NN&PTNT

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 10/2019)

 

Ý kiến của bạn