11/08/2015
Theo các chuyên gia, để đạt công suất sản xuất 6 triệu lít xăng/ngày, phải xây dựng nhà máy Reforming với vốn đầu tư gần 1 tỉ USD. Nhưng hiệu suất chuyển hóa lại rất thấp, vì cứ 100% nhiên liệu đầu vào (xăng nhẹ) thì chỉ chuyển hóa được 52% lượng xăng nhiên liệu sản phẩm. Một nhược điểm nữa là sản phẩm thu được chỉ là xăng A85 nên phải chế biến, bổ sung phụ gia có chỉ số octan cao để kéo RON từ 85 lên 92, 95. Tuy nhiên, phụ gia phổ biến là các este có RON nhỏ hơn 130 và tỉ lệ cho vào xăng cao lên đến 15 - 20%.
Loại phụ gia ADK có RON cao đến 400 - 425 đã được Global Bio Technologies, LLC (Mỹ) liên doanh với Công ty CP Global Greentech - Việt Nam (số 46, Bành Văn Trân, Phường 7, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh) phối hợp với một số nhà khoa học trong nước thử nghiệm thành công, mở ra cơ hội nâng các loại xăng lên thành A97, A100 được thực hiện dễ dàng và giá thành hợp lý.
Thử nghiệm cho thấy, hiệu quả sử dụng của xăng A100 mới tăng lên 150% so với A92. Cụ thể, với cùng trọng tải, tốc độ và chất lượng đường thì xe dùng xăng A100 sẽ chạy được quãng đường và chở được lượng hàng cao gấp gần 150% so với xe dùng xăng A92, trong khi giá thành 1 lít xăng A100 chỉ cao hơn xăng A92 khoảng dưới 10%.
Bên cạnh đó, vì A92, A100 đều có thành phần hydrocarbon tương đương nhau nên khi bị đốt cháy, đều cho lượng chất thải tương đương. Kết quả, nếu chạy xe, động cơ bằng xăng A100 thì lượng chất thải thoát ra môi trường giảm đi 1/3 hay chỉ bằng 2/3 lượng chất thải khi dùng xăng A92/A95, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và hạn chế một phần tác động làm Trái đất nóng lên.
Hồng Cẩm