31/03/2016
Mới đây, nhà máy Sagama Việt Nam đã được khánh thành tại tỉnh Vĩnh Phúc. Đây là nhà máy đầu tiên ở nước ta có mô hình tái chế rác thải từ lốp cao su thành đồ dùng thường ngày như: thảm cao su, đệm cao su, sân đá bóng cỏ nhân tạo…
Mỗi năm nước ta thải ra khoảng 400.000 tấn cao su phế liệu (tương đương với 30.000 tấn/tháng). Hiện có tới 50% số lốp rác thải bị vứt trên mặt đất (số lượng này sẽ mất rất lâu để phân huỷ vào đất), 40% lốp rác thải được tiêu huỷ bằng các đốt (số này khiến mỗi trường bị ảnh hưởng rất nhiều) và chỉ có 10% được tái sử dụng bởi các cách phổ thông, thô sơ. Chính vì vậy, việc xử lý rác thải từ lốp cao su luôn là vấn đề nan giải, bởi đặc thù của cao su là rất khó phân huỷ, phải mất vài chục năm thì cao su mới phân hủy được vào đất. Từ trước đến nay, hầu hết các nơi đều xử lý rác thải từ lốp cao su bằng các đốt hoặc ép ra thành dầu đốt, tuy nhiên cả 2 cách này đều khiến môi trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Nhà máy sản xuất hạt cao su, gạch và thảm cao su từ lốp xe ô tô phế thải được xây dựng nhằm đáp ứng lượng lớn lốp xe ô tô phế liệu bỏ đi. Với công nghệ sản xuất chủ yếu là xén thật nhỏ các loại rác phế thải từ cao su thành những hạt cao su nhỏ sau đó ép thành các đồ dùng thường ngày hoặc làm sân cỏ nhân tạo nên việc ảnh hưởng đến môi trường do đun, đốt là không có.
Nhật Minh