08/10/2019
Quá trình hình thành và phát triển
Tiền thân của Viện Khoa học và Kỹ thuật Môi trường (IESE) là Trung tâm Kỹ thuật Môi trường Đô thị và Khu công nghiệp (CEETIA) được thành lập từ năm 1989, do GS. TSKH.NGND.Phạm Ngọc Đăng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng (ĐHXD) làm Giám đốc. Năm 2007, IESE được thành lập trên cơ sở nâng cấp và hợp nhất CEETIA với Khoa Kỹ thuật Môi trường (KTMT)Trường ĐHXD theo Quyết định số 8168/QĐ-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GĐ&ĐT). Năm 2014, IESE chuyển đổi sang hoạt động theo cơ chế tự hạch toán theo Nghị định 115/NĐ-CP và Quyết định số 1542/QĐ-BGDĐT của Bộ GD&ĐT.Viện được Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động KH&CN số A-724 năm 2008, bổ sung thêm ngành nghề năm 2015. Năm 1994, Trạm Quan trắc và phân tích môi trường phía Bắc thuộc Mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia được thành lập, đặt tại Trung tâm CEETIA.
Hiện IESE có 62 cán bộ và cộng tác viên (trong đó có 2 GS.TSKH, 3 GS.TS, 14 PGS. TS, 15 TS, 20 ThS, 8 ĐH và CĐ). Nguồn nhân lực chủ chốt của Viện gồm các GS, PGS, GV, NCV của Khoa KTMT và các Khoa khác thuộc Trường ĐHXD.
Ký Hợp đồng chuyển giao công nghệ mới xử lý nước cấp cho doanh nghiệp cấp nước
Từ khi hình thành ngành và đào tạo khóa sinh viên đầu tiên tại Khoa Xây dựng (năm1956) đến nay Viện đã có 63 năm kinh nghiệm về đào tạo. Với lĩnh vực nghiên cứu KTMT, tư vấn, quan trắc và phân tích môi trường, triển khai ứng dụng, thiết kế, lắp đặt và cải tạo các hệ thống kiểm soát ô nhiễm môi trường, thực hiện các dịch vụ KH&CN về môi trường đến nay CEETIA đã tròn 30 năm kinh nghiệm.
Một số thành tích tiêu biểu
Về giáo dục, đào tạo và truyền thông môi trường
Tính đến năm 2019, cùng với Khoa KTMT và các đơn vị thuộc Trường ĐHXD, IESE đã tham gia đào tạo được khoảng 5.000 kỹ sư Cấp thoát nước - Môi trường nước, Hệ thống kỹ thuật trong công trình (trước đây là Thông gió - Cấp nhiệt; Vi khí hậu - Môi trường không khí), Công nghệ kỹ thuật môi trường; khoảng 400 Thạc sỹ KTMT, Kỹ thuật cơ sở hạ tầng, trên 30 Tiến sỹ Công nghệ môi trường, Cấp thoát nước, Vi khí hậu và Môi trường không khí; Biên soạn nhiều giáo trình, tài liệu khoa học phục vụ cho đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực BVMT. Các tài liệu, giáo trình này được dùng để giảng dạy cho sinh viên và nghiên cứu sinh ngành kỹ thuật hạ tầng và kỹ thuật, khoa học môi trường tại Trường ĐHXD, cũng như ở các trường đại học khác.
Hệ pilot xử lý nước thải sinh hoạt và công nghiệp theo công nghệ mới DS-BB
Ngoài ra, IESE đã tổ chức khoảng 150 khóa tập huấn ngắn hạn về quan trắc môi trường, quản lý môi trường, công nghệ xử lý nước và nước thải, quản lý vận hành và bảo dưỡng các công trình cấp thoát nước, hệ thống kỹ thuật trong công trình...cho cán bộ các Bộ/ngành, địa phương, doanh nghiệp, dự án phát triển và cho các nước vùng Trung Á, Lào, Ethiopia,... Nhiều khóa tập huấn, hoạt động truyền thông được tổ chức trên cả nước, đóng góp thiết thực trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về sức khỏe, vệ sinh và BVMT.
Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ về BVMT
Từ khi mới thành lập, CEETIA đã chủ trì thực hiện 3 đề tài khoa học cấp Nhà nước thuộc Chương trình sử dụng hợp lý tài nguyên và BVMT (KT 02.03, KT 02.05, 1991-1995) và Chương trình KHCN 07.11 (1996-2000).Tiếp đó, CEETIA và IESE được giao thực hiện và hoàn thành nhiều đề tài KHCN cấp Nhà nước, tiêu biểu như: Đề tài nhánh KH 08-02: Quy hoạch môi trường nước vùng đồng bằng sông Hồng (2001- 2003); Đánh giá diễn biến môi trường hai vùng trọng điểm phát triển kinh tế phía Bắc và phía Nam (2002 - 2003); Đánh giá tác động sản xuất vật liệu amiăng đối với sức khỏe và đề xuất chính sách phù hợp (2002 - 2003). Nhiệm vụ hợp tác quốc tế theo Nghị định thư với CHLB Đức: Nghiên cứu các giải pháp thu gom và xử lý tổng hợp chất thải theo mô hình bán tập trung cho các đô thị Việt Nam; Nghiên cứu điển hình ở TP. Hà Nội (SEMI-SAN) (2009 - 2011); Nghiên cứu ứng dụng màng lọc nano trong công nghệ xử lý nước biển áp lực thấp thành nước sinh hoạt cho các vùng ven biển và hải đảo Việt Nam (ĐTĐL.2010T/31) (2010 - 2012). Dự án sản xuất thử nghiệm: Nghiên cứu phát triển thiết bị xử lý nước thải tại chỗ hợp khối theo kiểu môđun, tiêu thụ ít năng lượng, phù hợp với điều kiện Việt Nam, mã số 01/HĐ-SXTN 0112 /CNMT (2012 - 2014); Nghiên cứu và đề xuất các giải pháp nhằm giảm thiểu phát thải khí CO2 trong lĩnh vực sản xuất gạch ngói, gốm sứ, Chương trình trọng điểm biến đổi khí hậu BĐKH-35/2013(2013 - 2014); Nghiên cứu phát triển công nghệ thân thiện môi trường trong xử lý rác thải sinh hoạt bằng phương pháp chôn lấp quy mô nhỏ, mã số: KC.08.27/11-15 (2013 - 2015).
Bên cạnh đó, CEETIA và IESE đã chủ trì thực hiện khoảng 150 đề tài, nhiệm vụ KHCN cấp Bộ và cấp tỉnh/thành phố, theo các hướng trọng tâm: Xây dựng chiến lược, chính sách và kế hoạch BVMTquốc gia và địa phương; Nghiên cứu giải quyết vấn đề cung cấp nước sạch, vệ sinh môi trường cho đô thị, nông thôn, cơ sở công nghiệp; Kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, nước, chất thải rắn, tiếng ồn… sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên. Một số đề tài NCKH, triển khai ứng dụng tiêu biểu: Lập Báo cáo hiện trạng môi trường Việt Nam hàng năm (Bộ TN&MT, 1996 - 2005); Quan trắc và phân tích môi trường các tỉnh phía Bắc (Bộ TN&MT, Bộ GD&ĐT, 1996 - 2018); Xử lý nước thải theo mô hình phân tán cho các đô thị Việt Nam; Các giải pháp vệ sinh chi phí thấp và bền vững trong điều kiện Việt Nam (Bộ GD&ĐT, 2001 - 2003, 2003 - 2004); Nghiên cứu thiết kế, chế tạo và lắp đặt lò đốt rác thải công nghiệp nguy hại và chất thải y tế cùng với thiết bị xử lý khí thải lò đốt (Bộ KH&CN, 2002 - 2003); Nghiên cứu tuần hoàn và xử lý nước rỉ bãi chôn lấp rác(Bộ GD&ĐT, 2006); Nghiên cứu đề xuất giải pháp giảm thiểu diện tích chôn lấp thông qua phát triển công nghệ xử lý rác thải qui mô nhỏ - Ứng dụng cho khu vực dân cư ven đô (Bộ Xây dựng, 2015).
Lắp đặt Bể xử lý nước thải chế tạo sẵn cho khu Đền Thượng, Tây Thiên, Vĩnh Phúc
Ngoài ra, Viện còn thực hiện nhiều đề tài liên quan đến các giải pháp cải thiện môi trường nước một số hồ đô thị đặc trưng cho các vùng sinh thái khác nhau (Bộ GD&ĐT, 2007; Sở KH&CN Hà Nội, 2007); Nghiên cứu giải pháp kỹ thuật tổng hợp để BVMT nước sông nội đô TP.Hà Nội (Sở KH&CN Hà Nội, 2016 – 2018); Xây dựng mô hình BVMT tiên tiến trong cộng đồng dân cư khu vực đồng bằng và đề xuất giải pháp nhân rộng (Bộ TN&MT, 2006-2007); Nghiên cứu chế tạo vật liệu polyme làm giá thể vi sinh và ứng dụng trong xử lý nước thải sinh hoạt và công nghiệp (Sở KH&CN Hà Nội, 2005 - 2006); Nghiên cứu chế tạo các modun xử lý nước thải sinh hoạt quy mô nhỏ (Bộ GD&ĐT, 2007-2008); Nghiên cứu xử lý amoni trong nước ngầm (Bộ GD&ĐT, 2007-2008); Nghiên cứu áp dụng công nghệ tuyển nổi để xử lý nước cấp và bùn cặn (Bộ Xây dựng và Sở KH&CN Hà Nội, 2007 - 2009)…
Dịch vụ tư vấn KH&CN, triển khai ứng dụng công nghệ môi trường vào thực tế
IESE đã thực hiện nhiều hợp đồng dịch vụ KHCN: Tư vấn thiết kế, khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi và quản lý dự án, đánh giá hồ sơ thầu, lập Báo cáo môi trường chiến lược (ĐMC), Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), tập huấn và chuyển giao công nghệ quản lý vận hành, khai thác các hệ thống, công trình cấp nước, xử lý nước, hệ thống kỹ thuật trong công trình dân dụng và công nghiệp, xử lý nước thải, khí thải, chất thải rắn, tiếng ồn, quan trắc, phân tích chất lượng môi trường.Đồng thời, IESE đã thực hiện khoảng trên 150 báo cáo ĐTM cho các cơ sở sản xuất, các dự án phát triển khu công nghiệp, đô thị...
Mô hình Bãi chôn lấp xanh tại IESE
Là một đơn vị có thế mạnh trong nghiên cứu, triển khai các thành tựu KHCN, ứng dụng vào thực tiễn, CEETIA và IESE đã ứng dụng thành công hàng trăm công trình cấp thoát nước, xử lý nước cấp, nước thải, xử lý chất thải rắn, nước rác, xử lý bùn cặn, khí thải, thông gió, điều hòa không khí, cấp nhiệt,... ở trên khắp cả nước. Một số công trình tiêu biểu như: Nghiên cứu chế tạo thành công lò đốt chất thải công nghiệp nguy hại có bộ xử lý khói thải, công suất 125-150 kg/h, triển khai lắp đặt cho Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn vận hành từ năm 2003. Công trình nhận được Huy chương tại Hội chợ Công nghệ - Thiết bị Techmart 2003, được cấp bằng Sở hữu trí tuệ là 1 trong 2 công trình tiêu biểu của GS. TSKH Phạm Ngọc Đăng và nhóm tác giả, nhân dịp GS được trao Giải Nhân tài Đất Việt năm 2018...
Những công trình xử lý nước cấp, nước thải, khí thải, điều hòa không khí đã được CEETIA và IESE triển khai thành công như: Trạm XLNT công suất 250 m3/ngày, Bệnh viện Đa khoa Hà Giang (2003); Trạm XLNT Bệnh viện Đa khoa Bắc Ninh; Trạm XLNT Bệnh viện Lao phổi TW Phúc Yên (2008); Hệ thống Cấp nước và XLNT Công ty Super phốt phát và hóa chất Lâm Thao (1997); Trạm XLNT Khu du lịch Vườn Đào, Bãi Cháy, 2.500 m3/ngày (1998); Trạm XLNT Cung Quy hoạch, Mỹ Đình, Hà Nội, 100 m3/ngày (2010); Bể XLNT Nhà đón tiếp, Khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Vũng Chùa, Quảng Bình (2017); Thiết kế, thi công lắp đặt hệ thống xử lý khí thải lò hồ quang nấu thép, Công ty Bê tông Thép Ninh Bình (1998); Thiết kế hệ thống điều hòa không khí Nhà luyện tập và thi đấu thể thao tỉnh Phú Thọ (2009); Thiết kế hệ thống cấp khí sạch và điều hòa không khí, hệ thống thụ tinh ống nghiệm, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An (2015); thiết kế, lắp đặt hệ thống lọc nước Dự án Tổ hợp trung tâm, văn phòng và căn hộ ARTEMIS, Hà Nội (2017); Công ty CP Tứ Hiệp - Hồng Hà Dầu khí, Hà Nội (2018)…
IESE đã nghiên cứu thành công, chế tạo và lắp đặt hàng trăm hệ thống XLNT kiểu mô đun chế tạo sẵn bằng composite, như: Các bể XLNT chế tạo sẵn, công suất 20 m3/ngày cho Khu biệt thự sinh thái Đông Anh, Hà Nội (2010); 50 m3/ngày, Khu biệt thự cao cấp trong khuôn viên Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội (2010); 25 m3/ngày, Công ty Đá ốp lát cao cấp Vicostone (2011); 20 m3/ngày, Bến tàu du lịch đảo Cát Bà, Hải Phòng (2011); 50 m3/ngày cho Khu di tích - danh lam thắng cảnh Tây Thiên, Vĩnh Phúc (2012); 25 m3/ngày, Công ty Đá ốp lát Stylestone (2013); 50 m3/ngày, Khu di tích lịch sử Đá Chông (K9) (2014); 150 m3/ngày, Làng hoa Thuỵ Khuê, Hà Nội (2014). Giải pháp bể XLNT chế tạo sẵn kiểu mô đun của IESE đã được nhận Huy chương tại Hội chợ Công nghệ - Thiết bị Việt Nam Techmart 2003 và 2015, được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Bằng sáng chế.
Đặc biệt, IESE đã chủ trì thiết kế, thi công, đưa vào sử dụng thành công Hệ thống hồ sinh học kiểm soát sự cố do nước thải cho Khu Liên hợp Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh, công suất 36.000m3/ngày (2016 - 2017); Công ty Dệt Pacific Crystal, công suất 4.500m3/ngày (2017 - 2018). Giải pháp này đã và đang góp phần quan trọng trong kiểm soát ô nhiễm do nước thải công nghiệp tại các cơ sở sản xuất, và trở thành một mô hình cho kiểm soát sự cố do nước thải công nghiệp ở Việt Nam.
Phục vụ công tác quản lý môi trường của Nhà nước
Nhiều năm qua, các cán bộ, chuyên gia của CEETIA và IESE đã có nhiều đóng góp tích cực, phục vụ hiệu quả cho công tác quản lý nhà nước về BVMT. GS.TSKH. Phạm Ngọc Đăng, GS. TS. Trần Hiếu Nhuệ và các chuyên gia CEETIA đã tham gia biên soạn, đóng góp ý kiến cho bộ Luật BVMT đầu tiên của nước ta (ban hành năm 1993).Từ năm 1995 đến 2005, liên tục hàng năm CEETIAđược giao chủ trì nghiên cứu xây dựng Báo cáo hiện trạng môi trường Việt Nam của Bộ KHCN&MT trước đây, nay là Bộ TN&MT để trình Quốc hội.Thường xuyên tham gia các Hội đồng kỹ thuật, Tổ chuyên gia thẩm định các báo cáo ĐTM, ĐMC, xin cấp phép xả thải, xác nhận hoàn thành công trình BVMT, đoàn thanh tra, kiểm tra về môi trường, tham gia xây dựng, tư vấn phản biện nhiều chính sách, quy chuẩn, tiêu chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật về BVMT, tham gia nhiều hoạt động chuyên môn khác về thanh tra, kiểm soát ô nhiễm, BVMT cùng các cơ quan quản lý Nhà nước.
Từ năm 1995 đến nay, Trạm Quan trắc và phân tích môi trường đã và đang hoàn thành tốt nhiệm vụ thường xuyên do Tổng cục Môi trường giao, định kỳ 6 lần/năm quan trắc môi trường các tỉnh/thành phố: Lạng Sơn, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Vinh và Huế, thực hiện các đợt quan trắc môi trường đột xuất về ô nhiễm công nghiệp. Kết quả quan trắc được sử dụng làm cơ sở dữ liệu phục vụ lập Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia hàng năm và công tác quản lý môi trường nói chung.
IESE thiết kế, thi công Hệ thống hồ sinh học & bãi lọc trồng cây kiểm soát sự cố do nước thải công nghiệp
Một số hoạt động tiêu biểu khác của CEETIA và IESE tham gia xây dựng Chính sách, Chiến lược BVMT quốc gia và Chiến lược BVMT cho một số ngành kinh tế giai đoạn 2000-2010 và định hướng đến 2020; Nghiên cứu xây dựng Chiến lược BVMT phục vụ kế hoạch phát triển KT-XH của một số tỉnh/ thành phố như Hòa Bình, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Nội…Nghiên cứu xây dựng mô hình BVMT với sự tham gia của cộng đồng và đề xuất nhân rộng mô hình trong phạm vi toàn quốc (2006-2008); Nghiên cứu xây dựng hướng dẫn lập Báo cáo ĐTM cho các dự án quy hoạch phát triển KT-XH, xây dựng cảng, phát triển giao thông đường bộ, đầu tư sản xuất giấy và bột giấy…
Hợp tác quốc tế về BVMT
Là một địa chỉ tin cậy của các đối tác quốc tế, CEETIA và IESE đã triển khai nhiều hoạt động hợp tác quốc tế như: Dự án Tăng cường năng lực trong giáo dục, đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực KH-CN môi trường ở phía Bắc - ESTNVdo SDC (Thụy Sĩ) tài trợ (1998 - 2003 và 2003 - 2007); Dự án IDRC (Canađa) về Nghiên cứu đánh giá môi trường Khu công nghiệp Thượng Đình và Hồ Tây, Hà Nội; Dự án JSPS hợp tác với Đại học Kumamoto, Đại học Osaka, Nhật Bản (1998 – 2002); Dự án Đánh giá tác động môi trường không khí Hà Nội với Trung tâm Đông Tây, Honolulu, Chương trình Môi trường Mỹ - Á… , cùng nhiều hoạt động với các tổ chức quốc tế như UNDP, UN-HABITAT, WHO, UNIDO, UNEP, WB, ADB, JICA, DANIDA, SIDA, SDC, SECO, KOICA, GIZ, BC…
Trước bối cảnh hội nhập quốc tế, thu hút đầu tư vào Việt Nam thời gian gần đây, các hoạt động hợp tác quốc tế của IESE ngày càng được đẩy mạnh, tiêu biểu như: Chương trình Liên kết với Châu Á do EU tài trợ Asia-Link: Biên soạn tài liệu giảng dạy đại học về Vệ sinh chi phí thấp và bền vững (LCST) (2004 - 2005) ; Các dự án hợp tác với các trường đại học ở Nhật Bản về đào tạo và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực KTMT: ĐHTH Kitakyushu, Kumamoto, Kyoto, Tokyo,... (2002 đến nay) ; Dự án hợp tác với Quỹ Bill & Melinda Gates (BMGF): Nghiên cứu tài chính của quản lý phân bùn, nhìn từ góc độ doanh nghiệp (2011 – 2012); Dự án hợp tác với Viện Công nghệ Nước LB Thụy Sĩ (SANDEC, EAWAG) : Nghiên cứu mô hình quản lý và công nghệ xử lý phân bùn, thu hồi tài nguyên phù hợp với Việt Nam (PURR) (2013 – 2018) ; Dự án hợp tác với ĐHTH KU Leuven, Bỉ, nghiên cứu công nghệ xử lý nước thải bằng phương pháp sinh học với màng lọc (MBR), do VLIR-OUS tài trợ (2014 – 2015) ; Nghiên cứu thử nghiệm xử lý nước thải bằng phương pháp sinh học với bùn hoạt tính kết hợp giá thể vi sinh DS-BB, Công ty DS, Hàn Quốc (2016 – 2017); Nghiên cứu thử nghiệm tách nước khỏi bùn bằng phương pháp đĩa lọc đa tầng kết hợp quay ly tâm, Công ty ARK, Hàn Quốc (2016 – 2017); Xây dựng Chương trình đào tạo mới, hướng tới xây dựng các thành phố thông minh và bền vững ở Châu Á và Việt Nam (SAUNAC), trong Chương trình Erasmus+, EU tài trợ (2016 – 2019) ; Nghiên cứu ứng dụng các công cụ vệ tinh viễn thám trắc địa và mô hình phục vụ quản lý tài nguyên nước ngầm cho vùng đồng bằng sông Hồng của Việt Nam. Dự án do USAID, Hoa Kỳ tài trợ (2017 – 2018); Dự án hợp tác với Hàn Quốc: So sánh mối quan hệ thực nghiệm của MODIS AOD và bụi giữa Hà Nội, Việt Nam và Seoul, Hàn Quốc (2017 – 2018); Nghiên cứu kiểm soát ô nhiễm do nước thải công nghiệp theo lưu vực sông, Quỹ KWEF, Nhật Bản tài trợ (2017 – 2019) ; Nghiên cứu mô hình hóa tối ưu nhà kính trồng cà chua tích hợp năng lượng mặt trời và các công nghệ hiệu quả năng lượng, Tổ chức khoa học quốc tế IFS (2018); Dự án hợp với ĐHQG Seoul (SNU), Hàn Quốc về Cấp nước và Vệ sinh bền vững, đáp ứng Mục tiêu phát triển bền vững (WASAT), do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ (2017 - 2020).
Khen thưởng vì những thành tích trong BVMT
Tập thể và nhiều cá nhân của CEETIA, IESE đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý của Chính phủ, các Bộ/ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội như: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Bằng khen của Bộ KH&CN, Bộ TN&MT, Bộ GD&ĐT, UBND TP. Hà Nội; Bằng khen của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam; Giải thưởng Môi trường của Bộ TN&MT; Cúp Môi trường Việt Nam; Giải thưởng Thăng Long về KH-CN; vv… Các chuyên gia của CEETIA và IESE đã có 05 Bằng Sáng chế độc quyền, 01 Bằng Giải pháp hữu ích cho các sản phẩm KHCN của mình.
Trong giai đoạn 5 năm trở lại đây (2014 đến nay), đứng trước tình hình mới, IESE đã mạnh dạn cải tổ lại bộ máy theo hướng chuyên nghiệp hóa, chuyên môn hóa hoạt động. IESE đã áp dụng hệ thống quản lý doanh nghiệp ISO, được cấp các chứng chỉ năng lực hoạt động chuyên môn trong lĩnh vực quan trắc, phân tích môi trường, thiết kế, thi công các công trình kỹ thuật hạ tầng và môi trường,... Trước bối cảnh mới, các hướng hoạt động chính mà IESE tập trung vào là: phát huy mạnh hơn nữa tiềm năng của đội ngũ cán bộ khoa học trong Trường ĐHXD và cộng tác viên, hợp tác với các doanh nghiệp đối tác và hợp tác quốc tế, nghiên cứu các công nghệ mới trong lĩnh vực kỹ thuật hạ tầng và kỹ thuật môi trường, các giải pháp công nghệ môi trường thông minh, kiểm soát ô nhiễm công nghiệp, xử lý và thu hồi các chất có ích từ nước thải, bùn, chất thải rắn, thúc đẩy phát triển công trình xanh, thành phố thông minh.
Kết luận
Nhìn lại 30 năm xây dựng và trưởng thành, Viện Khoa học và Kỹ thuật Môi trường (IESE), Trường Đại học Xây dựng đã phát triển đúng hướng, đạt được nhiều thành tựu toàn diện và đáng tự hào. IESE thực sự đã trở thành một chỗ dựa tin cậy, nơi các cán bộ khoa học của Trường ĐHXD có cơ hội phát huy năng lực và trưởng thành, là địa chỉ tin cậy về nghiên cứu, ứng dụng, cung cấp dịch vụ KHCN trong lĩnh vực kỹ thuật hạ tầng và kỹ thuật môi trường, đóng góp hiệu quả cho sự nghiệp BVMT của đất nước. Trong bối cảnh hiện nay, khi nước ta đang trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, các vấn đề thực tiễn như ô nhiễm môi trường, suy thoái và cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng khốc liệt, đòi hỏi phải có giải pháp thích ứng cho phù hợp. Xu hướng hội nhập và toàn cầu hóa, các yêu cầu bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, thực thi kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đang đặt ra những thách thức rất lớn, đồng thời cũng là những cơ hội không nhỏ đối với IESE. Tập thể cán bộ Viện quyết tâm duy trì và nâng cao uy tín, thương hiệu của IESE, góp phần tích cực hơn cho sự phát triển của Trường Đại học Xây dựng, của sự nghiệp BVMT, phát triển bền vững của đất nước.
GS.TS. Nguyễn Việt Anh
Viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật Môi trường (IESE)
Trường Đại học Xây dựng
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 8/2019)