Banner trang chủ

Vấn đề quản lý chất thải nông thôn tại Nam Định: Thực trạng và giải pháp

27/04/2017

     Trong thời gian qua, tại khu vực nông thôn tỉnh Nam Định, sự gia tăng dân số và phát triển các ngành nghề sản xuất đã làm gia tăng lượng chất thải rắn (CTR) sinh hoạt, chất thải chăn nuôi, bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), với thành phần ngày càng phức tạp, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân. Hiện Nam Định có 1.512,5 nghìn người sống ở vùng nông thôn, chiếm hơn 81,73%  dân số trong toàn tỉnh. Mỗi năm khu vực nông thôn phát sinh trên 217 tấn chất thải rắn (CTR) sinh hoạt; 1,5 triệu tấn chất thải chăn nuôi; 60 - 70 tấn vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV).

     Công tác quản lý chất thải nông thôn còn nhiều bất cập

     Công tác quản lý CTR sinh hoạt: Theo Báo cáo hiện trạng môi trường tỉnh Nam Định (năm 2011 - 2016), tại khu vực nông thôn Nam Định có 186/204 xã đã thành lập tổ đội thu gom rác thải vận chuyển CTR sinh hoạt. Mặc dù lượng rác thải hàng ngày được nhiều địa phương quan tâm thu gom với tỉ lệ cao, đầu tư dành cho công tác thu gom rác thải đã có nhiều chuyển biến, tuy nhiên việc xử lý hiệu quả khối lượng rác đã được thu gom còn nhiều bất cập do các nguyên nhân như địa phương chưa có bãi chôn lấp hợp vệ sinh, công tác quy hoạch lựa chọn điểm chôn lấp rác rất khó khăn đối với một số địa phương, kinh phí hoạt động cho công tác bảo vệ môi trường còn hạn chế, một số bộ phận người dân chưa có ý thức bảo vệ môi trường chung, công tác vận hành bãi chôn lấp rác thải tập trung chưa đúng quy trình. Tại nhiều hộ gia đình vẫn giữ cách làm cũ tự thu gom và đem đốt, chôn lấp hay đổ ra vương nhà, đổ xuống sông hoặc các bãi đất trống. Theo kết quả điều tra của Viện Địa lý nhân văn tháng 12/2016 về công tác xử lý CTR sinh hoạt 150 hộ dân trên địa bàn tỉnh Nam Định cho thấy, hình thức đổ ra vườn nhà là 6%, tự đốt 6%, tự chôn lấp là 3,3%.

     Về công nghệ xử lý rác thải, hiện trên địa bàn toàn tỉnh Nam Định đã đầu tư xây dựng 122 công trình bãi chôn lấp hợp vệ sinh cho 116 xã, thị trấn, đến nay có 95 công trình của 91 xã đã xây dựng xong và đưa vào sử dụng; khoảng 30 xã, thị trấn đầu tư xây dựng lò đốt rác theo công nghệ mới từ nguồn vốn sự nghiệp môi trường. Ngoài ra, tại các xã, thôn còn lại hầu hết đều có nơi đổ thải không chính thức, không được xử lý hợp vệ sinh. Tại các bãi chôp lấp được đầu tư xây dựng, việc quản lý vận hành cũng chưa được thực hiện đúng quy trình hợp vệ sinh, hầu hết các bãi chôn lấp chỉ đầm ném sau đó phủ đất. Do việc xử lý không hiệu quả từ các bãi chôn lấp hợp vệ sinh, hiện nay tỉnh Nam Định đang triển khai và đã đầu tư xây dựng 30 lò đốt theo công nghệ Việt Nam, mua tại huyện Xuân Trường với tuổi thọ của các lò đốt từ 10 - 20 năm,công suất khoảng 500 – 700 kg/h). Tuy nhiên qua làm việc trực tiếp với một số xã được đầu tư xây dựng lò đốt đã đi vào hoạt động hiện còn bất cập như không đủ lượng rác để đốt, lượng nhiệt ban đầu thấp nên phát sinh nhiều khói...

     Nguyên nhân do quy trình vận hành chưa được thực hiện đúng, một phần năng lực của đơn vị thu gom xử lý rác còn nhiều hạn chế, một phần do thiếu kinh phí. Ngoài ra, nhiều lò đốt đã được đầu tư xây dựng nhưng công tác bàn giao quản lý thực hiện chậm, gây xuống cấp công trình. Bên cạnh đó, rác thải sinh hoạt ở nông thôn chưa được quan tâm xử lý theo hướng tái chế, tái sử dụng để hạn chế chôn lấp. Trong khi đó, công tác quy hoạch, lựa chọn điểm chôn lấp rác chưa hợp lý gây tốn kém quỹ đất, công nghệ lò đốt chưa phù hợp, kinh phí hoạt động cho công tác bảo vệ môi trường còn hạn chế, một bộ phận người dân chưa có ý thức BVMT nói chung... Công tác xã hội hóa chưa thu hút được sự tham gia đầu tư của các doanh nghiệp tư nhân trong quản lý và xử lý  CTR sinh hoạt.

     Về công tác quản lý chất thải chăn nuôi: Những năm gần đây, ngành chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phát triển với tốc độ khá nhanh, tổng đàn lợn là 783.491 con; gia cầm 7,3 triệu con; trâu, bò 39.634 con. Để phát triển chăn nuôi bền vững, trong những năm qua, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các địa phương triển khai thực hiện nhiều giải pháp như: áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt VietGAP; sử dụng các chế phẩm sinh học trong việc xử lý chất thải khử mùi hôi chuồng trại và xây dựng bể biogas, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường, vừa cung cấp chất đốt phục vụ sinh hoạt. Qua triển khai thực hiện, đến nay đã có nhiều hộ chăn nuôi trang trại, gia trại có biện pháp xử lý chất thải như xây bể biogas (khoảng 10.000 bể), hố ủ phân, áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học… nên đã giảm thiểu đáng kể ô nhiễm môi trường ở khu vực nông thôn.

     Tuy nhiên, do tình trạng phát triển chăn nuôi thiếu quy hoạch dẫn tới ô nhiễm môi trường vẫn xảy ra ở một số nơi. Chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm khoảng 70% (trên 70.000 hộ) số hộ chăn nuôi toàn tỉnh. Phần lớn các cơ sở chăn nuôi nay vẫn nằm trong khu dân cư, xả trực tiếp chất thải ra môi trường, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của vật nuôi và con người. Các trang trại chăn nuôi tập trung quy mô lớn  mặc dù đã có hệ thống xử lý chất thải với các loại công nghệ khác nhau, nhưng hiệu quả xử lý chưa triệt để. Việc ban hành các văn bản quy định và hướng dẫn BVMT trong chăn nuôi còn hạn chế, đồng thời công tác triển khai, giám sát, thanh kiểm tra và đánh giá môi trường chăn nuôi chưa được quan tâm đúng mức…

           

Xử lý rác thải bằng lò đốt tại khu liên hợp xử lý rác thải - xã Lộc Hòa (TP. Nam Định)

 

     Quản lý vỏ bao bì thuốc BVTV: Tại nhiều vùng nông thôn tỉnh Nam Định hiện tượng vứt vỏ bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật, súc rửa dụng cụ trên sông, mương diễn ra còn phổ biến. Gây ảnh hưởng xấu đến môi trường cũng như đến sức khỏe cộng động do các hóa chất còn sót lại trong các chai lọ và vỏ bao bì.

     Hiện nay, tỉnh Nam Định đã có hỗ trợ một số địa phương xây dựng các bể chứa bằng bê tông đặt ở đầu bờ ruộng.  Đồng thời, tuyên truyền vận động bà con nông dân thải bỏ các loại chất thải chứa hóa chất BVTV vào các bể chứa theo quy định. Mô hình này đang nhận được sự ủng hộ của bà con và đã có hiệu quả bước đầu, hạn chế được tình trạng vứt bừa bãi của người dân. Tuy nhiên qua khảo sát thực tế cho thấy, các bể chứa được xây bằng xi măng, đa phần không có nắp đậy, các mẫu thiết kế bể thu gom bao bì thuốc BVTV này phần lớn chưa có quy chuẩn về kích thước, chất liệu, cấu tạo để đáp ứng yêu cầu thu gom được an toàn. Lượng chất thải vỏ chứa hóa chất BVTV thu gom vào các bể lưu chứa ở hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh chưa có hướng xử lý hợp vệ sinh. Do thiếu hướng dẫn kỹ thuật nên một số địa phương sau khi thu gom Chi hội nông dân cử người đi vận chuyển bỏ chung với rác thải sinh hoạt đem ra bãi chôn lấp của xã; một số nơi cho đốt các loại chất thải bỏ chứa hóa chất BVTV tại các bể chứa để tiêu hủy, phát sinh khí thải độc hại hình thành lên các điểm ô nhiễm cục bộ.

     Đề xuất một số giải pháp

     Nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý chất thải nông thôn, UBND tỉnh Nam Định phê duyệt Quy hoạch quản lý chất thải vùng nông thôn tỉnh Nam Định đến năm 2025, theo đó đến năm 2025, tổng lượng CTR phát sinh tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh là 1.758 tấn/ngày. Trong đó, thành phần CTR có thể tái chế được chiếm khoảng 15%, thành phần CTR có thể chế biến thành phân compost chiếm 65%, thành phần phải chôn lấp chiếm 19%, nguy hại chiếm 1%. Để thực hiện mục tiêu trên, tỉnh đã đề ra một số giải pháp cần triển khai thực hiện như:          

     Một là, nâng cao năng lực quản lý: Việc nâng cao năng lực đội ngũ kỹ thuật quản lý chất thải cấp huyện, xã là rất cần thiết. Việc làm này sẽ tạo cho địa phương một đội ngũ nhân lực làm công tác quản lý chất thải có những kiến thức cơ bản về thành phần rác thải, cách phân loại, tái sử dụng, tái chế, và quản lý chất thải một cách bền vững..

     Hai là, cải tiến, hình thành hệ thống quản lý  chất thải tại vùng nông thôn:  Tổ chức lại mô hình quản lý chất thải nông thôn tại địa phương (cấp huyện, xã) (đối với những địa phương chưa có đơn vị quản lý, thu gom chất thải) hoặc sắp xếp, cải tiến lại mô hình quản lý, thu gom chất thải (đối với những địa phương đã có nhưng hoạt động không hiệu quả), trước hết, thông qua việc thành lập Ban quản lý chất thải do UBND xã quản lý, các thành viên bao gồm các công nhân thuộc đội thu gom rác và đại diện thuộc Hội phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh. Khi công tác quản lý chất thải của địa phương hoạt động ổn định, UBND xã cần tổ chức đấu thầu công khai cho các tổ chức cá nhân có đủ năng lực đáp ứng các yêu cầu mà công tác này đề ra, nhằm thực hiện tốt việc xã hội hóa công tác quản lý  CTR nói riêng và  BVMT nói chung.

     Ba là, huy động sự tham gia của cộng đồng trong quản lý chất thải nông thôn: Huy động cộng đồng tham gia các dịch vụ quản lý chất thải nông thôn; Huy động các đóng góp về tài chính, nhân lực; Xây dựng và thực hiện các chương trình tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, hướng dẫn tổ chức dịch vụ, kỹ năng giám sát cộng đồng dân cư trong quản lý chất thải nông thôn.

     Bốn là, tuyên truyền nâng cao nhận thức về CTR nông thôn: Các địa phươngrên địa bàn cần tích cực tham gia thực hiện các chiến dịch tuyên truyền về  BVMT  nói chung và quản lý  CTR nói riêng do Bộ  TN&MT cũng như Sở  TN&MT phát động hàng năm. Ngoài ra, địa phương cũng cần phải chủ động tổ chức các đợt tuyên truyền vận động khác theo điều kiện thực tế của địa phương. Mục tiêu của các chiến dịch tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức cũng như trách nhiệm của các nhà lãnh đạo, các cán bộ quản lý có liên quan đến lĩnh vực môi trường và quản lý chất thải, quan trọng hơn nữa là nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân sống và làm việc trên địa bàn xã.

  

ThS. Đặng Thành Trung; TS. Trần Ngọc Ngoạn

Viện Địa lý nhân văn

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 4/2017

 

 

 

Ý kiến của bạn