24/06/2014
Những năm qua, Oxfam cùng với Chính phủ, các tổ chức xã hội của Việt Nam đã triển khai nhiều sáng kiến nhằm thúc đẩy sự công bằng, phát triển của con người thông qua việc đem lại sự thay đổi về chính sách kinh tế - xã hội. Là đơn vị tài trợ cho hoạt động của Liên minh Nước sạch, Oxfam đã thúc đẩy các chính sách về ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm nước (KSONN) với mong muốn hoàn thiện khung pháp lý về BVMT và phát triển bền vững. Để hiểu rõ hơn những hoạt động này, Tạp chí Môi trường có cuộc trao đổi với bà Lê Kim Dung - Trưởng đại diện Oxfam tại Việt Nam.
Bà Lê Kim Dung - Trưởng đại diện Oxfam tại Việt Nam
Bà có thể giới thiệu đôi nét về hoạt động của Oxfam tại Việt Nam?
Bà Lê Kim Dung: Oxfam là một liên minh quốc tế gồm 17 tổ chức cùng phối hợp hoạt động tại 94 quốc gia trên thế giới. Oxfam là một phần của phong trào toàn cầu nhằm tạo ra tác động lớn hơn trong nỗ lực xóa đói giảm nghèo và đấu tranh cho bình đẳng. Tại Việt Nam, Oxfam là một trong những tổ chức phi chính phủ quốc tế hàng đầu hoạt động trong các lĩnh vực phát triển nông nghiệp - nông thôn, giảm thiểu rủi ro, ứng phó với biến đổi khí hậu và thảm họa, phát triển xã hội dân sự và cộng đồng thiểu số, nâng cao vị thế phụ nữ.
Oxfam có mặt lần đầu tiên tại Việt Nam từ năm 1955 với hoạt động cứu trợ nhân đạo. Sau một số hỗ trợ khác trong lĩnh vực này, từ cuối những năm 1980, Oxfam bắt đầu triển khai các dự án nhằm góp phần xóa đói giảm nghèo. Oxfam đã đồng hành với Chính phủ Việt Nam, các tổ chức xã hội và tổ chức phi chính phủ thúc đẩy sự công bằng, phát triển kinh tế và đời sống con người thông qua việc thay đổi các chính sách về kinh tế - xã hội sao cho phù hợp với thực tế.
Xin bà cho biết, lý do Oxfam chọn Liên minh Nước sạch để đồng hành trong công cuộc vận động xây dựng chính sách KSONN?
Bà Lê Kim Dung: Từ cuối năm 2012, với sự hỗ trợ của Bộ Phát triển Quốc tế Anh (DFID), Oxfam bắt đầu thực hiện Chương trình hỗ trợ Liên minh Vận động chính sách về kiểm soát ô nhiễm môi trường. Mục tiêu của Chương trình nhằm thúc đẩy sự tham gia của nhiều thành phần trong xã hội vào quá trình xây dựng chính sách về môi trường, trong đó có KSONN.
Để lựa chọn chủ đề hỗ trợ, Oxfam đã tiến hành nghiên cứu, phân tích các vấn đề đang được xã hội quan tâm. Sau khi điều tra, nghiên cứu, Oxfam nhận thấy, hiện nay, Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm nước ở khắp mọi nơi, đặc biệt là ở các lưu vực sông, ao, hồ, khu công nghiệp, khu đô thị do tốc độ phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhanh. Trong khi đó, các quy định pháp luật về BVMT, trong đó có BVMT nước vẫn còn nhiều hạn chế, cần phải hoàn thiện trong thời gian tới, đặc biệt là các quy định pháp luật liên quan đến KSONN. Vì vậy, Oxfam đã hỗ trợ các hoạt động của Liên minh Nước sạch, nhằm thúc đẩy việc ra đời một đạo luật về bảo vệ nguồn nước và KSONN.
Tọa đàm Truyền thông với ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm do Liên minh Nước sạch
tổ chức tại tỉnh Thái Nguyên, tháng 3/2014
Bà có những đánh giá như thế nào về vai trò của truyền thông trong vận động chính sách về KSONN?
Bà Lê Kim Dung: Truyền thông có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về BVMT, cũng như góp phần vào quá trình vận động chính sách về KSONN. Để đưa ra được quyết sách phù hợp, các nhà hoạch định chính sách cần có thông tin đầy đủ và những bằng chứng khoa học được tiến hành trong thực tế, đồng thời, lắng nghe những nguyện vọng của người dân, đặc biệt của những người đang bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm nước. Trong bối cảnh vận động chính sách, truyền thông cần được hiểu một cách toàn diện: Đó là thông tin, bằng chứng khoa học và các kiến nghị chính sách được truyền tải qua các kênh phù hợp để đến được với những người làm chính sách, trong đó phải kể đến báo chí và các tài liệu kiến nghị. Báo chí là kênh đặc biệt quan trọng để nâng cao nhận thức của cả người dân và cơ quan quản lý từ Trung ương đến địa phương. Qua kênh báo chí, người làm chính sách phản ánh đúng những vấn đề của cuộc sống đang đặt ra và đáp ứng kịp thời những nhu cầu và nguyện vọng của người dân.
Bà có thể chia sẻ kế hoạch tiếp theo của Oxfam trong thời gian tới?
Bà Lê Kim Dung: Trong những năm tới, Oxfam sẽ tiếp tục Chương trình hỗ trợ các liên minh, trong đó có Liên minh Nước sạch. Sự hỗ trợ của Oxfam tập trung vào các khía cạnh nâng cao năng lực, cung cấp chuyên gia, hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho các hoạt động của Liên minh. Hiện nay, ngoài Liên minh Nước sạch, chúng tôi đang hỗ trợ 5 liên minh khác (Đất đai, Đất rừng, Khai Khoáng, Y tế, Nông nghiệp) nhằm vận động chính sách cho các vấn đề đang được xã hội đặc biệt quan tâm. Chúng tôi hy vọng, với sự hỗ trợ của Oxfam, các liên minh sẽ tiếp tục được nâng cao năng lực để triển khai có hiệu quả các mục tiêu và kế hoạch mà các liên minh đã xây dựng.
Xin cảm ơn bà!
Phạm Tuyên (Thực hiện)
Nguồn: Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề kiểm soát ô nhiễm nước
tại Việt Nam - cơ hội và thách thức