Banner trang chủ

Trung tâm bảo tồn Đa dạng sinh học nước Việt Xanh: Ðẩy mạnh các hoạt động truyền thông, nâng cao trách nhiệm của cộng đồng trong giám sát bảo vệ tài nguyên thiên nhiên

11/08/2017

   Được thành lập từ tháng 10/2012, Trung tâm Bảo tồn ĐDSH Nước Việt Xanh (GreenViet) đã có nhiều chương trình nghiên cứu khoa học, truyền thông và giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng về giá trị đa dạng sinh học (ĐDSH) của miền Trung và Tây Nguyên. Đặc biệt, Trung tâm GreenViet đã đi tiên phong trong công tác bảo tồn quần thể loài voọc chà vá chân nâu, loài linh trưởng quý hiếm của Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Sơn Trà. Nhân dịp Trung tâm GreenViet được nhận Giải thưởng Môi trường Việt Nam 2017, Tạp chí Môi trường đã có cuộc trao đổi với bà Lê Thị Trang - Phó Giám đốc Trung tâm GreenViet về những đóng góp của Trung tâm trong công tác BVMT.

   Xin bà cho biết, một số thành tích nổi bật của Trung tâm trong công tác bảo tồn ĐDSH nói riêng và BVMT nói chung?

   Bà Lê Thị Trang: Trung tâm GreenViet là tổ chức khoa học công nghệ trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP. Đà Nẵng, hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng về giá trị ĐDSH của khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Từ năm 2012, Trung tâm GreenViet đã có nhiều chương trình nghiên cứu khoa học và truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng nhằm thu hút sự tham gia của cộng đồng địa phương trong công tác bảo tồn quần thể loài voọc chà vá chân nâu ở bán đảo Sơn Trà, qua đó bảo tồn ĐDSH của KBTTN Sơn Trà. Một hoạt động trở nên quen thuộc của Trung tâm là Hành trình tôi yêu Sơn Trà đã tác động trực tiếp đến khoảng 2.000 người dân và gián tiếp đến 9.000 người trong hơn 4 năm qua. Đây là chương trình nâng cao nhận thức dành cho người dân Đà Nẵng có cơ hội được học tập về thiên nhiên và tìm hiểu quần thể voọc chà vá chân nâu ở bán đảo Sơn Trà, nhằm tăng tình yêu thương và niềm tự hào đối với tài nguyên thiên nhiên của TP, từ đó ra sức chung tay bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và hướng tới mục tiêu Đà Nẵng là TP môi trường. Bên cạnh đó, nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh APEC được tổ chức tại Đà Nẵng năm 2017, GreenViet cũng đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm đưa hình ảnh loài voọc chà vá chân nâu ở bán đảo Sơn Trà trở thành hình ảnh đại diện cho hoạt động bảo tồn ĐDSH ở TP. Đà Nẵng, giúp chính quyền Đà Nẵng chọn hình ảnh loài voọc chà vá chân nâu đại diện cho TP. Đà Nẵng trong Tuần lễ cấp cao APEC 2017.

Loài voọc chà vá chân nâu ở bán đảo Sơn Trà

   Với phương châm “Huy động người Việt Nam tham gia bảo tồn tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam”, năm 2015, với sự hỗ trợ của Quỹ Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), GreenViet thực hiện Chương trình giảm thiểu tiêu thụ động vật hoang dã tại TP. Đà Nẵng thông qua một Chương trình tọa đàm trực tiếp trên Đài Truyền hình Đà Nẵng (DRT), góp phần đưa thông tin đến với hàng trăm nghìn người dân TP, đồng thời chiến dịch “Không tiêu thụ động vật hoang dã” cũng được thực hiện trên 300 taxi Mai Linh và sân bay quốc tế Đà Nẵng. Năm 2016, IUCN tiếp tục tài trợ cho Trung tâm GreenViet nhằm huy động các Sở, ban ngành TP. Đà Nẵng tham gia trực tiếp trong công tác bảo tồn tài nguyên thiên nhiên. Theo đó, Trung tâm GreenViet thực hiện chương trình hợp tác với Sở Giáo dục và Đào tạo, 2 KBTTN Bà Nà - Núi Chúa và Sơn Trà, các phòng tài nguyên môi trường tại 4 quận huyện, góp phần truyền thông trực tiếp đến 15 nghìn người dân Đà Nẵng.

   Trong hoạt động nghiên cứu khoa học, với đội ngũ cán bộ nghiên cứu có kinh nghiệm và tâm huyết với sự nghiệp bảo tồn, các chương trình nghiên cứu mà Trung tâm GreenViet tham gia trải dài ở các tỉnh thành miền Trung - Tây Nguyên, cụ thể như Chương trình tái hòa nhập voọc Hà Tĩnh về tự nhiên ở KBTTN Kẻ Gỗ (Hà Tĩnh) do Trung tâm cứu hộ thú linh trưởng nguy cấp Cúc Phương chủ trì từ năm 2016; Chương trình điều tra đa dạng thú và các loài gà quý hiếm ở KBTTN Bà Nà - Núi Chúa (Đà Nẵng) thông qua triển khai lắp đặt 24 bẫy ảnh trong năm 2016, ghi nhận được 23 loài động vật, trong đó có 9 loài quý hiếm cần ưu tiên bảo tồn và bổ sung được 2 loài mới vào danh sách các loài thú, đặc biệt đây là lần đầu tiên ghi nhận được loài vượn Trung bộ và voọc chà vá chân nâu ở KBTTN Bà Nà - Núi Chúa; Chương trình phục hồi ĐDSH ở KBTTN Sơn Trà, Đà Nẵng do Viện Sinh thái học miền Nam chủ trì, đang thực hiện từ năm 2016-2018 đã tiến hành các đợt thực địa quan sát, ghi chép và thu thập thông tin về các loài thực vật, lưỡng cư, bò sát nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu đầy đủ về trữ lượng và phân bố, hiện trạng bảo tồn các loài động, thực vật ở Sơn Trà và làm cơ sở tham chiếu cho các khu vực cần phục hồi ĐDSH.

   Đáng lưu ý nhất là chương trình nghiên cứu hiện trạng quần thể voọc chà vá chân nâu tại bán đảo Sơn Trà năm 2017 do Quỹ Disney tài trợ. Cho đến nay, kết quả nghiên cứu này là kết quả đầu tiên thể hiện được hiện trạng quần thể voọc chà vá chân nâu tại bán đảo Sơn Trà. Theo đó, GreenViet chỉ ra được mật độ quần thể ở Sơn Trà cao nhất là 44.51 cá thể trên 1 km2, với diện tích phân bố của quần thể này ở Sơn Trà khoảng 30 km2, ước tính được trữ lượng quần thể này ở Sơn Trà vào khoảng 1.335 cá thể. Kết quả nghiên cứu này là cơ sở quan trọng cho các nhà khoa học và hoạch định chính sách trong việc tham mưu đưa ra các kế hoạch bảo tồn bền vững ĐDSH ở bán đảo Sơn Trà trong tương lai.

   Trong thời gian qua, việc xây dựng trái phép trên bán đảo Sơn Trà đã và đang gây bức xúc trong dư luận. Vậy Trung tâm GreenViet đã có những hoạt động cụ thể gì để bảo vệ những giá trị ĐDSH của Sơn Trà?

   Bà Lê Thị Trang: Bán đảo Sơn Trà có vị trí cực kỳ đặc biệt và độc đáo, là tài sản quý của TP. Đà Nẵng, không chỉ có chức năng sinh thái thông thường mà còn có các giá trị về ĐDSH và phát triển bền vững của TP trong các chiến lược lâu dài. Vì vậy, các hoạt động khai thác, xây dựng trái phép trên bán đảo Sơn Trà đã gây bức xúc trong dư luận một thời gian dài. Trong thời gian qua, Trung tâm GreenViet đã phối hợp với cộng đồng và các cơ quan chức năng tăng cường giám sát và phát hiện kịp thời các trường hợp xâm hại Sơn Trà. Trong năm 2016, Trung tâm GreenViet đã phản ánh sự việc và cung cấp chứng cứ khoa học trong lĩnh vực bảo tồn ĐDSH cho chính quyền TP Đà Nẵng, Quận Sơn Trà, Phường Thọ Quang nhằm ngăn chặn và xử lý triệt để tình trạng phá rừng ở Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, góp phần nâng cao trách nhiệm của cộng đồng trong việc giám sát và phối hợp với các cơ quan chức năng trong các hoạt động bảo tồn tài nguyên thiên nhiên ở Sơn Trà.

Cán bộ Trung tâm hướng dẫn các em học sinh quan sát Vọoc chà vá chân nâu

   Trong thời gian tới, Trung tâm GreenViet sẽ đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, giáo dục thiên nhiên, tập huấn nâng cao năng lực, phát triển thêm các công cụ kỹ thuật để cộng đồng dễ dàng tiếp cận thông tin, trực tiếp tham gia các hoạt động bảo vệ tài nguyên thiên nhiên ở Sơn Trà. Đồng thời, Trung tâm GreenViet tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học để cung cấp các dữ liệu về đa dạng hệ động thực vật hoang dã ở Sơn Trà cho các cơ quan chức năng địa phương. Sự phối hợp chặt chẽ của các nhà khoa học, cộng đồng với các cơ quan chức năng địa phương sẽ là giải pháp tốt nhất để bảo vệ thiên nhiên Sơn Trà.

   Mặt khác, cần có các quy định rõ ràng về các phân khu bảo vệ nghiêm ngặt (dành cho nghiên cứu khoa học, có ít hoặc không có tiếp xúc với con người), Khu cho phép du lịch tác động nhỏ, trung bình (đường mòn cho du khách, trung tâm thông tin, toilet công cộng…) và Khu phát triển du lịch như nhà hàng, khách sạn. Đặc biệt, điều cần thiết là có một Ban Quản lý chịu trách nhiệm chính cho việc giám sát các hoạt động tổng hợp ở bán đảo Sơn Trà nhằm đưa ra được các định hướng trong công tác quản lý các hoạt động phát triển và bảo tồn ĐDSH nơi đây.

   Xin bà cho biết, một số hoạt động trọng tâm của Trung tâm trong thời gian tới?

   Bà Lê Thị Trang: Trong thời gian tới, Trung tâm GreenViet đẩy mạnh các hoạt động giáo dục thiên nhiên ở khu vực miền Trung nhằm thúc đẩy cộng đồng chủ động tham gia bảo tồn tài nguyên thiên nhiên của địa phương. Một Trung tâm Giáo dục cộng đồng đang được GreenViet thúc đẩy để thành lập và đưa vào hoạt động, giải quyết nhu cầu học tập thiên nhiên của hàng nghìn học sinh TP. Đà Nẵng và các tỉnh lân cận. Bên cạnh đó, các chương trình nghiên cứu cơ bản về giá trị ĐDSHở các KBTTN khu vực miền Trung cũng được đưa vào kế hoạch, như chương trình nghiên cứu các khu hệ động vật ở KBTTN Bà Nà - Núi Chúa, Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm và Dự án phục hồi ĐDSHKBTTN Sơn Trà.

   Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi!

Nguyên Hằng (Thực hiện)

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 7/2017

Ý kiến của bạn