Banner trang chủ

Triển khai hiệu quả mô hình thu gom, xử lý rác thải tại xã Thanh Liên - Nghệ An

05/05/2016

   Nhằm đẩy mạnh các phong trào BVMT trên địa bàn, trong thời gian qua, chính quyền xã Thanh Liên (Thanh Chương - Nghệ An) đã tích cực vận động nhân dân thực hiện mô hình xử lý rác thải tại nguồn nhằm giảm tải cho các bãi rác tập trung. Chủ trương của xã được nhân dân hưởng ứng tích cực, góp phần xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn Xanh - Sạch - Đẹp.

Người dân xã Thanh Liên phân loại và xử lý rác tại nguồn

   Trước đây, tại xã Thanh Liên có nhiều bãi rác tự phát gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường và sức khỏe của người dân. Nhận thức được nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ rác thải, từ năm 2014, xã bắt đầu triển khai chủ trương mỗi gia đình, khu dân cư phải xây dựng 1 hố rác để thu gom, tập kết và xử lý. Trên cơ sở mẫu thiết kế mô hình hố rác của huyện, xã Thanh Liên đã thu nhỏ lại kích thước cho phù hợp với từng hộ gia đình để giảm chi phí. Mỗi gia đình được xã hỗ trợ 500 nghìn đồng để xây 1 hố rác, rộng 2 m2. Các cán bộ, đảng viên và hội viên Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân là những người tiên phong thực hiện.

   Ngoài ra, xã còn đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh chung, bằng các hình thức: Treo băng rôn, pano, áp phích trên đường; tuyên truyền lồng ghép trong các cuộc hội nghị; qua hệ thống phát thanh về các tiêu chí phân loại rác để hộ dân nhận biết cách thức thu gom, phân loại. Rác hữu cơ dễ phân hủy là các loại thức ăn thừa, hư hỏng, vỏ trái cây…. được ủ thành phân hữu cơ, chất mùn thu được từ quá trình phân hủy, không chứa các mầm bệnh, có thể bón cho cây trồng, đồng ruộng; Rác thải khó phân hủy có thể tái chế là các loại rác có thể sử dụng lại nhiều lần trực tiếp hoặc chế biến lại như: Giấy, bìa, kim loại…; Rác không có khả năng tái chế như nhãn chai lọ, túi ni lông… sẽ được thu gom và xử lý tại các khu xử lý rác thải tập trung theo quy định.

   Nhờ những hoạt động trên, đến nay, toàn xã đã xây được 1.330 hố rác tại gia. Không chỉ trong các khu dân cư, trên tất cả các trục đường giao thông nội đồng, nhiều hố rác được xây để bà con vứt bỏ các chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Hiên tại, xã đang tập trung hoàn thiện các thủ tục xây dựng thêm 1 bãi rác tập trung của xã có quy mô 2.000 m2, dự kiến cuối năm nay đưa vào sử dụng.

   Về xã Thanh Liên hôm nay, những con đường, ngõ, xóm đã sạch, đẹp hơn. Bà Nguyễn Thị Hòa là một trong những hộ đầu tiên của xã triển khai xây dựng hố rác tại gia đình chia sẻ: “Từ khi thực hiện mô hình xử lý rác thải tại nguồn, tất cả rác thải sinh hoạt trong gia đình đều được thu gom, phân loại, xử lý, còn những loại khó tiêu hủy được đưa ra bãi rác tập trung của xã. Có những hộ ngõ gần nhau thì 2 - 3 gia đình sử dụng chung một hố. Chính vì vậy, xóm làng đã hạn chế được lượng rác thải phát sinh ra môi trường”.

   Từ mô hình thành công ở xã Thanh Liên, đến nay đã được nhân rộng ra nhiều xã như Thanh Lĩnh, Thanh Hưng, Thanh Dương… trên toàn huyện. Ngay cả với vùng tái định cư đồng bào dân tộc ở xã Ngọc Lâm, chủ trương xây dựng hố rác tại gia cũng được triển khai, đồng bào đã có ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh, ăn, ở sạch sẽ, không vứt rác bừa bãi xuống suối, sông, bìa rừng như trước đây.

   Tính đến nay đã có 40/40 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Thanh Chương triển khai hiệu quả mô hình, trong đó có nhiều địa phương làm tốt với tỷ lệ xây dựng hố rác đạt gần 50% tổng số hộ toàn xã. Tính chung, toàn huyện đã xây dựng 20.000 hố rác.

   Xây dựng hố rác và xử lý rác thải tại gia đình là một chủ trương mang lại hiệu quả thiết thực cho các vùng nông thôn ở nước ta. Trong khi các địa phương chưa có hệ thống thu gom với công nghệ hiện đại thì việc thu gom, xử lý rác tại các gia đình thực sự phát huy hiệu quả. Đây là giải pháp dễ thực hiện vì chi phí thấp và phát huy trách nhiệm của mỗi gia đình cũng như các đoàn thể ở cơ sở trong việc thực hiện mục tiêu BVMT, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

                Thu Phương

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 4/2016)

Ý kiến của bạn