29/01/2019
Rác thải điện tử (RTĐT) đang là mối quan tâm hàng đầu của nhiều quốc gia trên thế giới. Theo thống kê, mỗi năm ở Việt Nam thải ra môi trường hàng trăm nghìn tấn RTĐT các loại, làm ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe con người. Nhận thấy mối nguy hại của RTĐT, một nhóm bạn trẻ gồm 4 thành viên (Lê Hoàng Phương, Hồi Thiên Hoàng, Lê Linh Chi, Hoàng Khánh Chi) đã tình nguyện tới từng gia đình để thu gom miễn phí và đưa về điểm xử lý của TP. Hà Nội theo đúng quy trình.
RTĐT gồm các vật dụng: Tivi, máy in, máy fax, vi tính, điện thoại, iPad, camera, máy ảnh, pin cũ, dây điện, các thiết bị linh kiện rời rạc khác. Đặc tính của chúng là chứa nhiều hóa chất độc hại như thủy ngân, chì, argon, đồng, nhôm, sắt, kẽm… Theo các chuyên gia môi trường, RTĐT chứa các vật liệu độc hại có thể gây ung thư, bệnh đường hô hấp, tim mạch, thần kinh... Nếu không phân loại, thu gom RTĐT mà gộp chung với rác thải sinh hoạt, xử lý rác sẽ rất khó. Do đó, từ tháng 3/2018, nhóm tình nguyện đã tiến hành thu gom RTĐT trên địa bàn Hà Nội. Các thành viên trong nhóm đều là những người làm việc trong cơ quan Nhà nước, vì thế, nhóm thường thu gom rác từ 6 giờ 30 - 8 giờ (trước khi đến cơ quan), buổi chiều từ 16 - 18 giờ và 2 ngày cuối tuần.
Để lan tỏa được ý thức trách nhiệm với môi trường, đặc biệt là việc thu gom xử lý rác điện tử độc hại, nhóm có ý tưởng hỗ trợ thu gom tại nhà cho người dân, nhằm hỗ trợ những người không có thời gian mang rác điện tử đến thùng thu gom. Khi thu gom tận nơi, nhóm cũng sẽ cung cấp thông tin cho người dân về tác hại của rác điện tử, không thể bỏ chung với rác sinh hoạt thông thường khác mà cần được thu gom xử lý đúng cách, hơn nữa tái chế cũng đem lại lợi ích là giúp tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và nguồn lực cho xã hội.
RTĐT sau khi thu gom được bỏ vào thùng chứa
Thời gian đầu, khi mới thực hiện thu gom tận nhà, nhóm chủ yếu thu pin cũ, kết hợp tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân về BVMT. Mỗi lần đi thu gom, nhóm thường đăng lên facebook cá nhân. Bài đăng về thu gom pin (có đăng số điện thoại liên hệ của 4 thành viên thu gom) được chia sẻ rộng rãi trên facebook với hàng chục nghìn lượt chia sẻ. Đồng thời, nhóm cũng kêu gọi người dân tham gia bỏ pin cũ, rác điện tử vào một trong 5 thùng thu gom tại các địa điểm: Nhà văn hóa phường Nghĩa Tân; Nhà văn hóa UBND phường Quán Thánh; UBND phường Thành Công; Ban Quản lý công trình công ích Hoàn Kiếm; Chi cục BVMT Hà Nội (đây là các điểm thu gom RTĐT miễn phí và dài hạn trong Chương trình Việt Nam tái chế). Đến nay, thay vì bỏ vào thùng rác hoặc bán đi cho người thu gom sắt vụn, cửa hàng đồ cũ, nhiều người đã có thói quen mang đến thùng thu gom, hay nhắn nhóm tới hỗ trợ thu.
Trong thời gian tới, nhóm sẽ tiếp tục tình nguyện nhặt rác, thu gom RTĐT, đẩy mạnh tuyên truyền công tác BVMT cho mọi người. Ngoài ra, vào chiều thứ 7 hàng tuần, nhóm tổ chức cho các bé tham gia nhặt rác, lồng ghép nội dung kiến thức về môi trường và rác thải, định hướng cho các bé phân loại rác, qua đó nâng cao ý thức giảm thiểu rác thải ra môi trường ngay từ khi còn nhỏ, tiến tới thay đổi thái độ và cách ứng xử với rác, coi rác là tài nguyên. Nhóm cũng đang có kế hoạch lập 1 group để mọi người (đặc biệt những người yêu môi trường) có thể cho - tặng đồ hoàn toàn miễn phí; đồng thời có cả thu gom RTĐT tại nhà. Theo đó, ai có rác điện tử thì chụp ảnh, đăng lên group, nhóm sẽ đến thu gom trong thời gian sớm nhất. Group đó sẽ trở thành nơi kết nối để mọi người có thể tái sử dụng hoặc tái chế những loại vật dụng không được dùng đến, bị bỏ đi.
Mặc dù mới thành lập nhưng số lượng RTĐT được nhóm tình nguyện thu gom khá nhiều. Hoạt động này không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế, môi trường, xã hội mà còn góp phần hình thành ở mỗi cá nhân ý thức BVMT, xây dựng Thủ đô ngày càng Xanh - Sạch - Đẹp.
Đoàn Quang Trung
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 1/2019)