14/12/2017
Các nhà khoa học vừa chế tạo một thiết bị cầm tay sử dụng tế bào sống của cây nén vào một cái ống để biến carbon dioxide thành oxygen, mô phỏng khả năng của cây trong việc biến đổi không khí ô nhiễm thành không khí giàu khoáng chất.
Sử dụng một kỹ thuật mới có tên gọi CRISPR, các nhà khoa học có thể “trích DNA từ cây để tái tạo các tế bào sống thực hiện quá trình quang hợp” và nén chúng vào một ống hình trụ để hấp thu không khí ô nhiễm và phóng thích không khí sạch cho người sử dụng.
Theo đó, người dùng chỉ cần lồng ống hình trụ này vào ống Treepex, đính lên miệng và thở. Trên đầu ống có một đèn LED báo cho người dùng biết khi nào cần phải thay ống hình trụ và cũng có một thiết bị sạc không dây, chỉ khoảng 30 phút là tái sạc thiết bị, bảo đảm cho người dùng trong 24 giờ.
Được phát triển bởi một công ty khởi nghiệp cùng tên ở Tbilisi, Georgia, Treepex được cho là một giải pháp mang tính thực tế cho nạn ô nhiễm không khí đang gia tăng trên thế giới.
Hai nhà sáng lập công ty Treepex, Bacho Khachidze và Lashe Kvantaliani đã quan tâm đến các dự án môi trường cách nay vài năm. Hai năm trước, họ bắt đầu thực hiện một sáng kiến nhằm khuyến khích mọi người trên thế giới trồng cây xanh, bằng cách tạo một ứng dụng cho phép người dùng theo dõi sự phát triển của cây sau khi trồng nó. Không may, dự án này không nhận được sự quan tâm của cộng đồng, do đó họ quyết định tìm một cách khác để cải thiện chất lượng không khí.
Khachidze và Kvantaliani hy vọng, Treepex sẽ trở thành một phần không thể tách rời trong đời sống của con người, không chỉ giải quyết được vấn đề ô nhiễm không khí, mà còn cứu được nhiều mạng người trong trường hợp xảy ra chiến tranh hạt nhân và ngay cả giúp nhân loại chinh phục sao Hỏa.
Trần Tân