10/05/2019
Hiện nay, nhu cầu tiêu dùng các loài chim trời của con người ngày càng lớn, dẫn đến hoạt động săn bắt và kinh doanh ngày càng sôi động, khiến nhiều loài chim hoang dã bị giảm với số lượng lớn, thậm chí nhiều loài có nguy cơ bị tận diệt. Để ngăn chặn tình trạng bẫy, bắt chim hoang dã, thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện nhiều giải pháp để ngăn chặn tình trạng khai thác tận diệt các loài chim hoang dã trên địa bàn.
Trong nhiều năm nay, vào khoảng giữa tháng 7 đến hết tháng 8 âm lịch, tình trạng bẫy chim thường diễn ra tại các huyện như Đông Sơn, Quảng Xương, Nga Sơn, Tĩnh Gia, Hoằng Hóa... Các loại chim bị bẫy như cò, vạc, cói, diệc… Đây là chim tự nhiên nên thịt thơm, ngon, được xem là món ăn đặc sản tại nhiều nhà hàng. Những người thợ săn dùng lưới bẫy chim, đặt vào ban đêm và sẽ bật loa phát ra tiếng chim, cò kêu, đặt ở các góc bờ ruộng để gọi các con chim đang bay trên trời xuống sa lưới. Đối với bẫy bằng keo dính, những người đánh bẫy sẽ dùng chim, cò bằng xốp đặt trên những chiếc cọc được dính keo và cắm trên cánh đồng, khi chim đậu xuống sẽ bị dính lại, không bay lên được. Nhiều thợ săn dùng chim tự nhiên đã được khâu mắt (để cho tiếng kêu to hơn bình thường và khi bị mù, con chim đó sẽ không mổ được những con chim mồi khác), sau đó, buộc chân vào những thanh gỗ được đóng theo kiểu chữ T để dụ những đàn chim bay qua sà xuống khi nhìn thấy chúng.
Tại chợ Cột Đỏ (TP. Sầm Sơn) và nhiều chợ dân sinh tại các huyện Đông Sơn, Quảng Xương, Nga Sơn, Tĩnh Gia… có hàng trăm con chim với đủ loại được bày bán la liệt, công khai như: Cò trắng, cò hương, vạc, cuốc, diệc, triết, chim cu, chào mào, sẻ... Các con chim bị cột chân, nhốt trong túi lưới và nếu khách mua hàng yêu cầu làm sạch, người bán sẽ vặt sạch lông. Trên nhiều tuyến phố, những con chim hoang dã cũng bị nhốt trong lồng, hoặc chất trên xe gắn máy và được người dân chở đi bán rong. Giá mỗi loại thường dao động từ 15.000 - 50.000 đồng/con, có loại lên tới 100.000 đồng/con như vạc, triết...
Chim trời được bày bán tại chợ Cột Đỏ, phường Trường Sơn (TP. Sầm Sơn)
Trước thực trạng trên, thời gian qua, UBND tỉnh Thanh Hóa, các Sở, ngành có liên quan và chính quyền địa phương đã triển khai nhiều giải pháp để ngăn chặn tình trạng khai thác tận diệt các loài chim hoang dã. Chủ tịch UBND tỉnh đã có Văn bản số 14276/UBND-NN yêu cầu Sở NN&PTNT; UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Công văn số 11985/UBND–NN và các quy định của pháp luật liên quan về bảo vệ ĐVHD, bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn. UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm, Trạm Kiểm lâm, kiểm lâm viên thường xuyên bám sát địa bàn để tham mưu cho Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức lực lượng thu gom dụng cụ, lưới bắt chim và kiên quyết không để xảy ra tình trạng giăng lưới bẫy bắt chim trên các cánh đồng, bãi bồi ven biển, khu vực rừng ngập mặn, hoặc mua bán, vận chuyển chim hoang dã trên các tuyến đường giao thông. Nếu địa phương nào để xảy ra tình trạng giăng lưới bẫy bắt chim, hoặc mua bán, vận chuyển chim hoang dã trên các tuyến đường, tuyến phố thì tùy tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo đúng quy định pháp luật.
Đồng thời, Sở NN&PTNT tỉnh đã có Công văn đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố, Sở, ngành liên quan thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tổ chức kiểm tra tại các địa bàn trọng điểm, thực hiện công tác tuyên truyền gắn với ký cam kết bảo vệ chim hoang dã. UBND các xã, phường củng cố, kiện toàn (thành lập) tổ công tác liên ngành cấp xã do lãnh đạo UBND xã làm tổ trưởng, phân công nhiệm vụ, quản lý địa bàn trọng điểm cho các thành viên trong tổ, đưa nhiệm vụ quản lý, bảo tồn, ngăn chặn hành vi săn bắt chim hoang dã là việc làm thường xuyên, xem đây là tiêu chí đánh giá, phân loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tập thể, cá nhân hàng năm. Thực hiện công văn trên, năm 2018, Chi cục Kiểm lâm đã tiến hành kiểm tra tại các phường, xã đang là điểm nóng của nạn săn bắt, buôn bán chim hoang dã trên địa bàn các huyện: Hoằng Hóa, Tĩnh Gia, Nông Cống, Triệu Sơn, Hậu Lộc và TP. Thanh Hóa, TP. Sầm Sơn. Tại đây, lực lượng chức năng đã thành lập 125 tổ liên ngành cấp xã với 1.394 thành viên; thực hiện hiện tuyên truyền lưu động 239 cuộc, phát trên hệ thống loa truyền thanh xã, phường 4.703 lần; họp dân 655 lần và tổ chức cho 474 hộ gia đình ký cam kết không vi phạm hành vi tận diệt chim hoang dã; tổ chức kiểm tra 1.379 lần, thu giữ, tiêu hủy 9.580 m lưới, 800 chiếc bẫy, 1 chíp, 7 loa sử dụng vào dẫn dụ chim; xử phạt vi phạm hành chính 6 vụ, thu nộp ngân sách nhà nước 9.350.000 đồng.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động quản lý, bảo tồn các loài chim hoang dã, chim bản địa, chim di cư vẫn còn hạn chế như: Một số xã, phường chưa thật sự quyết liệt trong công tác xử lý vi phạm, chưa thường xuyên kiểm tra, đôn đốc. Nhận thức của nhiều người dân còn hạn chế, vẫn tiến hành giăng lưới bẫy bắt chim khi không có mặt của lực lượng chức năng. Đặc biệt, chưa có chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm về giăng lưới bẫy chim hoang dã. Đối với các hành vi săn bắn, bẫy bắt chim hoang dã nói chung, lực lượng kiểm lâm chỉ tiến hành xử lý đối với các loài chim hoang dã thuộc Danh mục được quy định là động vật rừng…
Thiết nghĩ, để ngăn chặn tình trạng săn bắt các loại chim hoang dã, các cấp chính quyền ở Thanh Hóa cần nâng cao tinh thần trách nhiệm và huy động sự vào cuộc của cộng đồng dân cư tại các tổ dân, khu phố, thôn, xóm, nhất là tăng cường vai trò trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo tồn quần thể các loài động vật hoang dã. Đồng thời, chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức ra quân kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ địa bàn, phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm săn bắt các loại chim tự nhiên di cư.
Hoàng Anh
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 4/2019)