Banner trang chủ

Thực trạng và giải pháp giảm thiểu ô nhiễm rác thải ở vịnh Xuân Đài

11/05/2020

    Vịnh Xuân Đài (thuộc thị xã Sông Cầu và huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) được tạo thành bởi dãy núi Cổ Ngựa chạy dài ra biển với diện tích mặt nước hơn 130 km2, với nhiều bãi biển đẹp, hoang sơ. Tuy nhiên, thời gian gần đây, vịnh đang bị “bức tử” bởi rác thải từ hoạt động sản xuất, nuôi trồng thủy sản của các hộ dân và một lượng lớn rác thải nhựa trôi giạt vào bãi biển, làm môi trường nơi đây càng thêm ô nhiễm.

 

Toàn cảnh vịnh Xuân Đài, Phú Yên

 

Thực trạng ô nhiễm rác thải tại vịnh Xuân Đài

    Theo báo cáo tại Hội thảo khoa học về định hướng BVMT trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Phú Yên năm 2019, ước tính mỗi ngày có từ 7,2 tấn đến 11,5 tấn chất thải xả thẳng ra vịnh Xuân Đài, gồm bùn thải, thức ăn nuôi trồng thủy sản dư thừa, thùng xốp, bao bì, túi ni lông… Đây là nguồn thải gây ô nhiễm biển nghiêm trọng và là một trong những nguyên nhân gây hiện tượng tôm hùm nuôi trên vịnh chết hàng loạt trong thời gian qua. Thống kê của địa phương cũng cho thấy, hiện có 16.000 hộ dân đang sinh sống tại các xã, phường ven vịnh Xuân Đài, trong đó có tới gần 3.000 hộ nuôi trồng thủy sản, với 77.000 lồng nuôi. 5 năm gần đây, số lượng lồng bè nuôi tôm cá đã tăng gấp 2,5 lần so với quy hoạch với 82.000 lồng (mật độ nuôi tăng lên gấp 3 lần, 200 lồng/ha) và còn hàng trăm ha ao, đìa nuôi thủy sản trong vịnh.

   Các hộ nuôi chủ yếu tôm hùm, tập trung nhiều nhất ở vũng La, Phú Mỹ, xã Xuân Phương; thôn Phước Lý, thị xã Sông Cầu. Do thời gian nuôi tôm hùm thường dài, 18 tháng/vụ, nên để tránh sự giảm độ mặn của môi trường vào mùa mưa lũ, các lồng nuôi thường di chuyển về vịnh Hòa thuộc xã Xuân Thịnh và Mỹ Hải. Sự chuyển dịch lồng nuôi này đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng môi trường nước và công tác quản lý thủy vực của các địa phương tiếp nhận lồng chuyển đến. Do mật độ lồng nuôi khá cao, hình thức nuôi đơn giản chủ yếu dựa vào kinh nghiệm nên lượng thức ăn thừa cũng như kỹ thuật chăm sóc đã làm mức độ ô nhiễm trong khu vực nuôi tăng lên nhanh, gây ô nhiễm một số vùng nuôi trọng điểm như Hòa Lợi (Xuân Cảnh), Phú Dương, Từ Nham (Xuân Thịnh), vũng La, Phú Mỹ (Xuân Phương), Phước Lý (Thị trấn Sông Cầu). Hình thức chăn nuôi theo kiểu “du canh du cư”, di động theo mùa, thời tiết, khí hậu nên chính quyền đia phương khó quản lý. Hầu hết chất thải, rác thải đều được người dân bỏ trực tiếp xuống vùng nuôi nên tình trạng ô nhiễm môi trường càng nặng nề. Theo đó, mỗi ngày có hàng ngàn tấn thức ăn cho tôm ăn ném xuống vịnh khiến cho môi trường nước không chỉ tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm, mà còn sản sinh vi khuẩn đe dọa đời sống nhiều loại thủy sản tự nhiên khác.

    Qua theo dõi diễn biến môi trường vịnh thời gian qua cho thấy, chất lượng tầng nước mặt, tầng đáy trong vịnh có dấu hiệu ô nhiễm cục bộ. Về lâu dài, việc tiếp tục nhận lượng chất thải từ dân sinh, sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là chất thải từ hoạt động nuôi trồng thủy sản, trong khi cơ chế trao đổi nước kém và không có các giải pháp xử lý môi trường kèm theo sẽ tiếp tục làm tích tụ một lượng chất thải lớn, tăng nguy cơ xảy ra các tai biến, sự cố môi trường (gây chết các loài thủy sinh trong tự nhiên cũng như các đối tượng nuôi trong khu vực).

    Bên cạnh đó, không chỉ có chất thải từ hoạt động nuôi trồng thủy sản, rác thải nhựa trên biển trôi dạt bào bờ cũng làm nhiều bãi biển nơi đây ô nhiễm. Theo quan sát, bãi vũng Chào (thôn Dân Phú 1, xã Xuân Phương, thị xã Sông Cầu) là một trong các vũng có bãi biển đẹp nhất của vịnh Xuân Đài, được che chắn bởi các ngọn núi cao, trở thành nơi neo đậu của nhiều ghe, thúng nhỏ của người dân nuôi trồng, đánh bắt thủy sản. Thế nhưng, toàn bộ khu vực bãi biển dài gần 1 km đã bị phủ kín bởi hàng chục loại rác thải gồm ni lông, bao bì, thùng xốp, chai nhựa, nước biển khu vực gần bờ đen kịt, bốc mùi hôi thối. Một người dân (trú ở thôn Dân Phú 1) chia sẻ: "thiên nhiên ban tặng bãi cát trắng, lại có hàng dừa dọc biển nên trước đây vũng Chào thu hút nhiều du khách. Song hiện nay bãi biển đã bị ô nhiễm nặng nề, rác thải bao phủ, chúng tôi còn phải “nhón chân” khi đi qua vì sợ bị nhiễm bẩn và cũng chẳng thấy du khách nào đến đây nữa". Từ nhiều năm nay, người dân đi biển đã sử dụng ni lông, bao bì, thùng xốp đựng thức ăn sau đó vứt thẳng xuống biển. Rác thải này theo gió Tây Nam tấp thẳng vào bờ và dồn ứ lại. Mùa hè, gió nam xuống thì rác tấp vào bờ thuộc xã Xuân Phương, còn mùa đông thì rác tấp vào bờ thuộc các phường Xuân Yên, Xuân Phú, Xuân Thành. Người dân cùng chính quyền địa phương đã nhiều lần thu dọn, đốt rác để bờ biển đỡ ô nhiễm nhưng chỉ dọn được ít ngày thì rác lại phủ kín. Hiện rác thải thải nhựa đã phủ kín thêm các bãi biển khác của vịnh như vũng Dông, vũng Sứ và cả hệ thống cống ngăn mặn của khu vực. Trên địa bàn thị xã hiện mới chỉ có phường Xuân Yên được Sở TN&MT tiến hành thí điểm mô hình thu gom rác thải nuôi trồng thủy sản, dự kiến trong thời gian tới sẽ nhân rộng ra các phường khác trên địa bàn.

Bài toán xử lý ô nhiễm môi trường

   Theo quy hoạch của tỉnh Phú Yên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, trên địa bàn có khoảng 1.000ha với khoảng 32.900 lồng nuôi trồng thủy sản bằng lồng bè, trong đó ở vịnh Xuân Đài là 747ha. Dự kiến, có khoảng 3.400 hộ dân được giao quyền sở hữu diện tích mặt nước để hưởng lợi và gắn trách nhiệm vào đó… Ngoài ra, địa phương đang tiến hành quy hoạch chi tiết vùng nuôi, sắp xếp và giao mặt nước nuôi trồng thủy sản cho các hộ, có sự tham gia quản lý, giám sát chặt chẽ của người dân cùng các tổ quản lý cộng đồng; xử lý những trường hợp phát sinh lồng bè nuôi thủy sản ngoài quy hoạch; tăng cường kiểm tra, xử lý tình trạng đóng mới lồng bè để nuôi thủy sản.

 

Khuyến khích các hộ dân nuôi thủy sản không dùng các bao bì nhựa, ni lông sử dụng 1 lần để đựng thức ăn nuôi tôm, cá nhằm BVMT trong vịnh Xuân Đài

 

    Bên cạnh đó, Tổ chức (JICA) Nhật Bản đã cam kết hỗ trợ Phú Yên xử lý ô nhiễm môi trường nước vịnh xuân Đài bằng công nghệ máy hòa tan khí ô xi làm giảm thiểu khối lượng bùn và loại bỏ mùi hôi. Đây là thiết bị hòa tan khí vào trong nước, hiệu quả sử dụng cao gấp 50-100 lần so với sục khí thông thường. Công nghệ sẽ mang lại hiệu quả cao trong việc làm giảm khối lượng bùn và loại bỏ mùi hôi. Theo đó, JICA sẽ tài trợ toàn phần về công nghệ, trang thiết bị và nhân lực để tiến hành xử lý ô nhiễm môi trường vịnh Xuân Đài. Công ty TNHH Daiei Factory Nhật Bản là đơn vị được JICA lựa chọn thực hiện dự án này và theo kế hoạch, dự án sẽ chính thức triển khai thực hiện trong tháng 2/2020. Thiết bị xử lý ô nhiễm JICA đề xuất (do Công ty TNHH Daiei Factory cung cấp) là thiết bị bổ sung oxy tinh khiết, hòa tan các loại khí tinh khiết khác nhau như O2, N2, H2, CO2 vào nước với mật động cao hơn so với các sản phẩm thông thường khác.

    Trong thời gian tới, để quản lý môi trường vịnh, cần triển khai một số giải pháp như:Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên, môi trường vùng ven biển, đặc biệt là tại các vùng nuôi thủy sản tập trung; có biện pháp quản lý các nguồn xả thải như rác sinh hoạt, chất thải từ vùng nuôi, các ao hồ nuôi thủy sản ven vịnh; xử lý nghiêm các hành vi đổ chất thải không đúng nơi quy định… Cùng với đó, tiến hành khảo sát, điều tra, đánh giá hiện trạng sử dụng đất khu vực nuôi tôm và khu vực sinh sống của một bộ phận dân cư, khu vực gắn liền với sinh kế của người dân. Quy hoạch không gian vịnh Xuân Đài cần phải kết hợp một cách hài hòa giữa giá trị hệ sinh thái tự nhiên, song hành với truyền thống văn hóa bản địa.

    Song song với đó, cần nâng cao năng lực quản lý, thu gom, xử lý chất thải rắn:Tổ chức các hoạt động thu gom chất thải rắn phát sinh từ hoạt động sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản tại khu vực vịnh; xây dựng mô hình điểm về thu gom lượng chất thải rắn phát sinh hoạt động sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản tại vịnh Xuân Đài phù hợp với tình hình thực tế, làm cơ sở nhân rộng trên địa bàn tỉnh.Công tác quan trắc môi trường đầm, vịnh cần phải đẩy mạnh, nhằm tăng tần suất và mật độ lấy mẫu nước, tăng cường trao đổi thông tin về kết quả quan trắc chất lượng môi trường đầm, vịnh phục vụ cho công tác cảnh báo kịp thời cho người nuôi trồng thủy sản; Sở TN&MT đã phối hợp với Sở NN&PTNT cần xây dựng kế hoạch phối hợp quan trắc, cảnh báo môi trường ở các vùng nuôi tại vịnh Xuân Đài.

    Đồng thời, tại các điểm nhạy cảm khác của vịnh cũng cần tăng cường mật độ quan trắc môi trường định kỳ nhằm xây dựng chuỗi số liệu phục vụ công tác đánh giá diễn biến chất lượng môi trường và cảnh báo kịp thời các nguy cơ ô nhiễm. Cùng với đó, xây dựng mô hình, chương trình quản lý tổng hợp bền vững vịnh Xuân Đài. Phát triển các nguồn sinh kế thay thế cho cộng đồng vốn sống dựa vào nguồn lợi tự nhiên. Khuyến khích cộng đồng địa phương chuyển sang các sinh kế ít gây hại, đồng thời bảo vệ các loài thủy, hải sản quan trọng như cá hoặc tôm, nghêu, sò huyết và các sinh vật sinh sống trong vịnh.

    Ngoài ra, cần thiết lập các khu bảo vệ hệ sinh thái đặc thù như cỏ biển, rạn san hô, rừng ngập mặnsẽ góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và nguồn lợi hải sản phát triển bền vững, làm gia tăng giá trị, thương hiệu thiên nhiên cho vịnh Xuân Đài. Đẩy mạnh công tác quản lý, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về BVMT vùng ven biển. Phổ biến kiến thức cho cộng đồng dân cư ven đầm về biến đổi khí hậu và các kỹ năng thích nghi, sống chung với biến đổi khí hậu; nâng cao hiểu biết và hình thành ý thức BVMT, sử dụng, khai thác hợp lý tài nguyên trong vịnh; vận động ngư dân không khai thác thủy sản trong các vùng cấm, không đánh bắt các loài thuộc danh mục cấm khai thác.

Nguyễn Thế

Viện Tài nguyên và Môi trường biển

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 4/2020)

Ý kiến của bạn