Banner trang chủ

Thực trạng và giải pháp bảo vệ nguồn lợi thủy sản vùng đất ngập nước ven biển tỉnh Phú Yên

20/07/2016

   Vùng đất ngập nước ven biển của tỉnh Phú Yên có diện tích 504,2 ha, phân bố trên 3 thủy vực là đầm Cù Mông (226 ha), vịnh Xuân Đài (95,7 ha) và đầm Ô Loan (182,5 ha). Đây là vùng có ý nghĩa quan trọng đối với sinh kế của nhân dân địa phương, cung cấp ngư trường và mặt nước cho hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy hải sản. Đặc biệt, diện tích rừng ngập mặn ven đầm, vịnh còn góp phần điều hòa khí hậu, BVMT và đa dạng sinh học. Tuy nhiên, những năm gần đây, vùng đất ngập nước ven biển của Phú Yên đang chịu nhiều tác động từ các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội cũng như thiên tai, làm suy thoái sinh cảnh và tài nguyên thủy sinh, gây ô nhiễm môi trường…

Một số hộ dân chở cát, xây dựng nhà trái phép trên đầm Ô Loan làm hủy hoại môi trường, cảnh quan 

   Theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ nguồn lợi (BVNL) thủy sản Phú Yên, với ưu thế và những tiềm năng về điều kiện tự nhiên và tài nguyên vùng ven bờ, hệ thực, động vật nơi đây đa dạng, phong phú bao gồm 263 loài tảo phù du, 9 loài cỏ biển, 35 loài thực vật ngập mặn, 90 loài động vật phù du, 14 loài động vật thân mềm, 224 loài cá. Trong đó, có nhiều loài quý hiếm, giá trị kinh tế cao như sò huyết, hàu cửa sông, điệp seo, ngao dầu... nên vùng đất ngập nước là nguồn lợi thủy sản quan trọng của cư dân sinh sống ven đầm, vịnh.

   Ngoài ra, Phú Yên đã phát triển vùng nuôi thủy sản lớn với diện tích gần 3.000 ha mặt nước và thả hơn 27.000 lồng nuôi thủy, hải sản. Mỗi năm, vùng cho sản lượng trên dưới 9.000 tấn, trong đó có từ 600 - 650 tấn tôm hùm và 7.800 tấn tôm sú, tôm thẻ chân trắng. Tuy nhiên, do việc nuôi trồng thủy sản tự phát, chưa được quản lý chặt chẽ nên dẫn đến tình trạng các loài thủy, hải sản chết hàng loạt, làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân nơi đây.

   Gần đây, sự phát triển các loài tảo trong đầm Ô Loan là dấu hiệu cho thấy môi trường nước trong đầm, vịnh đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, hàm lượng ô xi thấp, tạo điều kiện cho các loài có hại phát triển, ảnh hưởng đến các loài sinh vật thủy sinh tự nhiên. Trong nhiều năm qua, vùng đất ngập nước này không chỉ là “vùng trọng điểm” của nghề khai thác bằng các ngư cụ mang tính hủy diệt, mà còn là nơi đang bị ô nhiễm do hậu quả của nghề nuôi tôm sú và người dân sống quanh đầm đã biến đầm thành nơi chứa chất thải. Trước đây, bình quân hàng năm người dân quanh đầm Ô Loan khai thác được 200 tấn tôm, 150 tấn cá, 20 tấn cua, hàng trăm tấn rau câu và các loài nhuyễn thể như hàu, điệp, sò huyết... Tuy nhiên, hiện nguồn lợi tự nhiên này còn rất ít. Đáng chú ý, diện tích rừng ngập mặn ven đầm Ô Loan và vịnh Xuân Đài không còn do dân lấn chiếm làm hồ nuôi trồng thủy sản, làm mất dần các vùng sinh cư quan trọng của các loài thủy sinh tự nhiên.

   Để khắc phục hiện tượng suy thoái, duy trì và phát triển bền vững vùng đất ngập nước ven biển Phú Yên, Chi cục BVNL thủy sản Phú Yên đã đề ra một số giải pháp, cụ thể:

   Về cơ chế, chính sách: Cần quy hoạch hiện trạng sử dụng đất khu vực nuôi tôm và khu vực sinh sống của một bộ phận dân cư, khu vực gắn liền với sinh kế của người dân. Trong đó, chú trọng quy hoạch phát triển các vùng đệm ven đầm…

   Giải quyết vấn đề kinh tế - xã hội trong đầm, vịnh: Phát triển các nguồn sinh kế thay thế cho cộng đồng vốn sống dựa vào nguồn lợi tự nhiên; Khuyến khích cộng đồng địa phương chuyển sang các sinh kế ít gây hại, đồng thời bảo vệ các loài thủy, hải sản quan trọng như cá hoặc tôm, nghêu, sò huyết và các sinh vật sinh sống trong đầm, vịnh. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, xây dựng và áp dụng các mô hình khai thác, nuôi trồng thủy sản bền vững, thân thiện với môi trường. Hiện tại, các thôn, xã ven đầm Ô Loan, vịnh Xuân Đài đã thành lập các tổ quản lý hoặc ban quản lý đầm, vịnh. Đây là mô hình quản lý dựa vào cộng đồng nhưng hiệu quả hoạt động chưa cao, vẫn còn tình trạng lén lút đánh bắt thủy sản có tính hủy diệt. Vì vậy, nên thiết lập lại địa giới ngư trường theo từng xã và đặt dưới ban quản lý của mỗi xã; quy định thời điểm khai thác đối với từng loại thủy sản theo mùa vụ hàng năm, bảo đảm cho việc tái tạo nguồn lợi thủy sản trong đầm, vịnh.

   Ngoài ra, cần xây dựng các khu bảo tồn hệ sinh thái đặc thù như cỏ biển, rạn san hô, rừng ngập mặn góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học. Việc trồng rừng ngập mặn sẽ tạo môi trường cho các loài sinh vật thủy sinh phát triển. Các loài cây ngập mặn phù hợp với khu vực này là đước xanh, đước đôi, vẹt dù, bần... Mặt khác, bảo vệ diện tích cỏ biển, rạn san hô ven đầm Ô Loan, Cù Mông, vịnh Xuân Đài hiện có để gia tăng nguồn lợi thủy sản.

   Tăng cường kiểm soát và ngăn chặn các nguồn thải: Ô nhiễm nguồn nước không chỉ do hoạt động nuôi trồng thủy sản quá mức mà còn do sinh hoạt của cộng đồng dân cư ven đầm, vịnh gây ra. Do vậy, việc quan trắc thường xuyên chất lượng nước và sinh vật phù du là cần thiết, kèm theo đó là các biện pháp quản lý môi trường nuôi trồng thủy sản và quản lý chất thải rắn, nước thải, điều kiện vệ sinh tại khu dân cư ven đầm, không xả chất thải độc hại xuống đầm, vịnh.

   Đẩy mạnh công tác giáo dục pháp luật nhằm nâng cao hiểu biết và hình thành ý thức BVMT, sử dụng, khai thác hợp lý tài nguyên trong đầm, vịnh. Tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho cộng đồng dân cư ven đầm về biến đổi khí hậu và các kỹ năng thích nghi, sống chung với biến đổi khí hậu. Vận động ngư dân không khai thác thủy sản trong các vùng cấm, không đánh bắt các loài thuộc danh mục cấm khai thác…

Nguyễn Minh Hạnh

Học viện Nông nghiệp

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 6/2016

Ý kiến của bạn