Banner trang chủ

Thực trạng phát sinh chất thải rắn và biện pháp bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Tuy Hòa

13/02/2020

     Năm 2013, TP. Tuy Hòa được Thủ tướng Chính Phủ công nhận là đô thị loại 2 trực thuộc tỉnh Phú Yên. Để đạt được mục tiêu trở thành đô thị loại 1 năm 2025, TP. Tuy Hòa đang đầu tư phát triển kinh tế và cơ sở hạ tầng. Cùng với sự phát triển kinh tế mạnh mẽ, lượng CTR phát sinh không ngừng tăng lên về khối lượng, phức tạp về thành phần và tính chất. Hiện nay, lượng CTR này hầu hết được thu gom và xử lý bằng phương pháp chôn lấp, gây ra nhiều vấn đề về môi trường.

     Thực trạng phát sinh, thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị

     Theo báo cáo của Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị Phú Yên, hiện nay khối lượng CTR phát sinh hàng ngày trên địa bàn TP Tuy Hòa khoảng 150 tấn. Tuy nhiên, chỉ có một phần nhỏ (khoảng 5%) được thu gom, tái chế, còn lại là chôn lấp tại bãi rác Thọ Vức.

    Chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) chiếm khoảng 85 - 90% khối lượng CTR phát sinh hàng ngày trên địa bàn TP, chủ yếu là chất hữu cơ, chất thải nhựa… Ước tính hàng năm, lượng CTRSH của TP tăng khoảng 8 - 10% (trung bình 0,7 – 0,8 kg/người/ngày), gây áp lực lớn cho công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải, trong khi năng lực thu gom còn nhiều hạn chế, CTRSH không được phân loại tại nguồn.

     Đặc biệt, lượng chất thải nhựa trên địa bàn TP có chiều hướng tăng nhanh, do sự tiện lợi của các loại bao bì nhựa và thói quen tiêu dùng của người dân. Đây là nguồn ô nhiễm lớn đối với môi trường do thời gian phân hủy của chất thải nhựa lâu (khoảng 500 - 1.000 năm). Trong quá trình phân hủy phát sinh nhiều chất nguy hiểm cho con người và môi trường.

     Hiện nay, trên địa bàn TP Tuy Hòa có 16 xe thu gom vận chuyển CTRSH chuyên dụng và hơn 200 công nhân phục vụ công tác vệ sinh. Tần suất thu gom là 7 lần/ tuần đối với khu vực nội thành và 3 lần/ tuần đối với khu vực ngoại thành. Tuy nhiên, lượng CRTSH phát sinh lớn, ý thức BVMT của người dân còn nhiều hạn chế, vẫn còn tình trạng vứt rác bừa bãi, không đúng nơi quy định, nên một lượng lớn CTRSH chưa được thu gom, xử lý triệt để gây ÔNMT, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Tỷ lệ thu gom CTRSH trên địa bàn đạt 75 - 85%.

     Bên cạnh đó, công tác xử lý CTRSH của TP cũng còn bất cập. Bãi rác Thọ Vức là nơi tập trung xử lý CTRSH phát sinh trên toàn TP, bằng phương pháp chôn lấp theo tiêu chuẩn bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Tuy nhiên do khó khăn về nguồn kinh phí, nên hiện nay bãi chôn lấp Thọ Vức vẫn chưa hoàn thiện được hệ thống xử lý nước rỉ rác đạt tiêu chuẩn môi trường.

 

Bãi rác Thọ Vức là nơi tập trung xử lý CTRSH trên toàn TP Tuy Hòa

 

     CTR xây dựng: Cùng với tốc độ đô thị hóa, lượng CTR xây dựng cũng tăng nhanh. Ước tính, CTR xây dựng chiếm khoảng 10 - 15% CTR đô thị. Thành phần chủ yếu của CTR xây dựng là đất, cát, gạch đá vỡ, thủy tinh, bê tông… Lượng CTR xây dựng này thường được các cá nhân, tổ chức ký hợp đồng thu gom, xử lý hoặc tái sử dụng để làm cấp phối, lót đường. Phương pháp xử lý chủ yếu vẫn là chôn lấp cùng với CTRSH tại bãi rác Thọ Vức.

     CTR nguy hại: Lượng CTR nguy hại của các cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp, cơ sở y tế được ký hợp đồng thu gom, vận chuyển xử lý, đảm bảo không thải ra môi trường gây ô nhiễm. Tuy nhiên, lượng chất thải nguy hại chiếm khoảng 1% trong CTRSH đô thị trên địa bàn TP.  Nguyên nhân chủ yếu do ý thức của người dân còn hạn chế, các loại chất thải nguy hại như pin, ắc quy, bóng đèn huỳnh quang, các loại giẻ lau dầu nhớt, kim tiêm… vẫn lẫn trong chất thải sinh hoạt hàng ngày. Bên cạnh đó, các loại bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu thải bỏ ra môi trường.

     Triển khai một số dự án trên địa bàn TP

     Trong 2 năm 2004 - 2006, Dự án “Cải thiện công tác quản lý rác thải tại TP Tuy Hòa” được triển khai thực hiện với sự hỗ trợ của chính quyền vùng Niagara (Canađa). Mục đích của Dự án này là tổ chức thực hiện mô hình thí điểm về phân loại rác thải tại nguồn từ các hộ dân cư trên địa bàn phường 8. Theo đó, rác thải được phân theo từng loại: rác hữu cơ và rác có thể tái sử dụng. Dự án đã giúp người dân nhận thức được tầm quan trọng của việc phân loại rác tại nguồn. Tuy nhiên, Dự án đã không thực hiện phân tích thành phần CTRSH trên địa bàn TP và đặc biệt sau khi Dự án kết thúc thì không có kinh phí để tiếp tục duy trì việc mua sắm trang thiết bị thu gom rác. Mặt khác, TP cũng chưa xây dựng nhà máy phân loại, tái chế và xử lý rác, nên việc thực hiện mô hình thí điểm chưa có hiệu quả.

     Dự án “Cải thiện điều kiện vệ sinh và BVMT thị xã Tuy Hòa” do Chính phủ Vương quốc Bỉ tài trợ đã được triển khai từ năm 2006 - 2010. Dự án đã tuyên truyền, vận động nhân dân về ý thức BVMT; cung cấp thùng rác đến các phường, xã; đầu tư trang thiết bị thu gom, vận chuyển rác và xây dựng bãi chôn lấp hợp vệ sinh tại xã Hòa Kiến, TP Tuy Hòa. Dự án đã góp phần xây dựng bãi chôn lấp Thọ Vức hợp vệ sinh, đầu tư trang thiết bị, phục vụ thu gom rác (4 xe thu gom chuyên dụng, 600 thùng rác loại 240 lít và 660 lít bằng nhựa composit tại các điểm tập kết rác, các hẻm phố được bê tông hóa nhằm thuận tiện cho việc thu gom xử lý với tổng diện tích 22.700 m2).

     Tháng 10/2019, Trung tâm hỗ trợ phát triển xanh (Greenhub) đã triển khai Dự án kiểm toán rác thải sinh hoạt và giám sát rác thải nhựa ven biển trên địa bàn TP Tuy Hòa. Theo đó, tổ chức kiểm toán rác thải sinh hoạt tại 56 hộ gia đình thuộc phường 4; 3 nhà hàng (Thuận Thảo, Hoàng Gia, Cannary); 6 khách sạn (Kaya, Sala, Công Đoàn, Sao Việt, Hoàng Kim, Hiệp Yến); 2 trường học (Dân tộc nội trú tỉnh và Duy Tân) và giám sát 3 bãi biển (Hòn Yến - huyện Tuy An; Tuy Hòa; biển Lò 2 - huyện Đông Hòa). Kết quả đã có 13.882 kg rác thải sinh hoạt được kiểm toán; 54.931 rác thải có nhãn hiệu được phân loại và khảo sát; 40 kg rác biển được khảo sát. Kết quả kiểm toán bước đầu cho thấy, tình trạng ô nhiễm CTR, rác thải nhựa tại TP Tuy Hòa và đề xuất các kiến nghị để công tác quản lý CTR đạt hiệu quả. Ngoài ra, Greenhub còn tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, các trường học về quy trình ủ phân compost, ủ enzim hữu cơ từ CTRSH. Hoạt động này đã nhận được sự hưởng ứng từ các cơ quan đoàn thể, trường học và  đang từng bước được nhân rộng.

     Tháng 11/2019, Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên tại Việt Nam (WWF tại Việt Nam) đã phối hợp với các chuyên gia của Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị Phú Yên triển khai công tác phân loại CTRSH trên địa bàn TP Tuy Hòa, nhằm tiến hành thu thập dữ liệu làm cơ sở cho công tác quản lý. Qua đó, đề xuất phương hướng, giải pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng nhằm giảm thiểu rác thải nhựa, tiến đến thay thế loại bỏ rác thải nhựa trên địa bàn toàn tỉnh. Dự án này hiện đang được triển khai và dự tính kéo dài đến năm 2021.

     Một số giải pháp nhằm giảm thiểu tác động của CTR trên địa bàn TP

     Để giảm thiểu tác động đến môi trường và sức khỏe con người của CTR trên địa bàn TP Tuy Hòa cần triển khai đồng bộ các giải pháp:

     Rà soát và xây dựng cơ chế chính sách như xây dựng phí BVMT đối với CTR; xây dựng lại các mức thu phí vệ sinh môi trường sao cho phù hợp với thực tiễn; phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của các ngành trong quản lý CTR; tiếp tục kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về BVMT; xã hội hóa hoạt động BVMT nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH.

     Tổ chức hoạt động thu gom, bổ sung nhân lực và phương tiện thu gom (xe thu gom chuyên dụng, xe đẩy tay, xe kéo rác…) nhằm nâng tần suất thu gom và hiệu quả thu gom, nhất là đối với các địa bàn xã phường ngoại thành, các tuyến hẻm nhỏ.

     Ưu tiên kinh phí đầu tư hoàn thiện hệ thống xử lý nước rỉ rác tại bãi rác Thọ Vức. Áp dụng các công nghệ xử lý mới, tiên tiến nhằm tận dụng nguồn tài nguyên rác thải như công nghệ ủ phân compost tận dụng nguồn chất thải hữu cơ, các công nghệ đốt rác thu hồi năng lượng…

     Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động liên quan đến lĩnh vực môi trường trên địa bàn, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm theo quy định hiện hành của pháp luật; tăng cường công tác quan trắc môi trường trong quản lý để kịp thời cảnh báo diễn biến ô nhiễm, đặc biệt là các điểm quan trắc tại bãi rác.

     Đẩy mạnh các chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng; đưa giáo dục môi trường vào chương trình giáo dục ở các cấp học; tổ chức thí điểm các mô hình thu gom, xử lý CTR tại các cộng đồng dân cư. Hiện nay trên địa bàn TP có các phong trào “Ngày thứ bảy tình nguyện”, “Ngày chủ nhật xanh” đồng loạt ra quân làm vệ sinh môi trường như tổ chức phát quang bụi rậm; trồng cây xanh, hoa trên các tuyến đường liên thôn, xóm, đoạn đường thanh niên tự quản và tại cơ quan, đơn vị; thực hiện các công trình vườn cây thanh niên, đường cây thanh niên…

     Đặc biệt, để hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa”, UBND tỉnh Phú Yên đã ban hành Kế hoạch triển khai phát động phong trào “Chống rác thải nhựa” và tăng cường kiểm soát ÔNMT do sử dụng túi ni lông khó phân hủy trên địa bàn tỉnh Phú Yên nói chung và TP Tuy Hòa nói riêng.

 

Lê Ngọc Kim Ngân - Lê Khắc Lĩnh

Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị Phú Yên

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 1/2020)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ý kiến của bạn