Banner trang chủ

Thử nghiệm thành công phương pháp bắt và nhốt CO2 vào lòng đất

22/05/2019

     Mới đây, Iceland đã tiến một bước dài trong cuộc chiến bảo vệ Trái đất khi đưa vào áp dụng phương pháp biến CO2 thành vật liệu xây dựng sau hơn hai năm thử nghiệm. Hệ thống có tên CarbFix là thành quả hợp tác giữa các nhà nghiên cứu và kỹ sư của công ty Reykjavik Energy, Đại học Iceland, Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS) và Đại học Columbia, Mỹ.

     Hệ thống CarbFix có nhiệm vụ bắt và nhốt CO2 lại để làm nguyên liệu sản xuất. Được biết, các nhà nghiên cứu đã mô phỏng quá trình tự nhiên kéo dài hàng ngàn năm nhưng chỉ mất một thời gian ngắn để tạo ra. Quá trình hoạt động của hệ thống bắt đầu bằng cách bơm khí CO2 vào trong đá bazan xốp. Hiện tượng khoáng hóa trong đá sẽ bắt và nhốt CO2 vĩnh viễn trong đó.

     Nhóm nghiên cứu đã mất hai năm đặt phòng thí nghiệm trong nhà máy điện địa nhiệt Hellisheidi để đánh giá hệ thống mới. Đây là một trong những nhà máy điện địa nhất lớn nhất thế giới nằm trên núi Hengill ở phía tây nam Iceland. Nhà máy nằm trên một lớp đá bazan hình thành từ dung nham núi lửa. Do đó, Hellisheidi có thể tiếp cận nguồn nước gần như vô tận được bơm lên từ dưới núi lửa để chạy 6 tua-bin và cung cấp điện và khí nóng cho thủ đô của Iceland.

 

 

     Vào cuối năm 2018, sau nhiều năm thử nghiệm, nhóm Dự án CarbFix đã bơm khoảng 43 nghìn tấn CO2 vào trong lòng đất.

     CO2 từ quá trình này sẽ được thu lại bằng hơi nước của Nhà máy. Sau đó hơi nước chứa CO2 được hóa lỏng và dẫn tới một khu vực cách đó vài km. Nước cuối cùng sẽ được dẫn chảy vào lớp đá bazan nằm ở độ sâu 1000 m và bắt đầu quá trình hóa rắn, một phản ứng hóa học xảy ra khi không khí tiếp xúc với canxi, magie và sắt trong đá bazan.

     Như vậy, gần như toàn bộ CO2 đã bị biến thành khoáng chất và tồn tại một cách an toàn dưới lòng đất vĩnh viễn và không còn gây nguy hiểm cho khí hậu.

     Snaebjornsdottir, một nhà nghiên cứu thuộc Dự án CarbFix cho biết: "Hầu hết CO2 được bơm vào đá đã đươc khoáng hóa trong vòng 2 năm kể từ khi thử nghiệm bắt đầu". Dự án CarbFix hứa hẹn sẽ giúp giảm 1/3 lượng CO2 của Nhà máy điện Hellisheidi. Con số này quy ra lên tới 12 nghìn tấn CO2 và chi phí bỏ ra chỉ khoảng 25 USD/tấn.

     Tất nhiên, Dự án này vẫn còn một điểm hạn chế, đó là quá trình nhốt giữ CO2 đòi hỏi một lượng nước khổng lồ. Đối với mỗi tấn CO2 được bơm vào, các nhà khoa học cần sử dụng khoảng 25 tấn nước. Nhưng theo các nhà khoa học, nước có thể lưu thông và tái sử dụng sau khi CO2 bị tách khỏi nước. Tất nhiên họ cũng phải khử muối trong nước thì mới có thể tái sử dụng.

 

Hồng Cẩm

Ý kiến của bạn