11/09/2018
Trong những năm gần đây, các hiện tượng thời tiết tự nhiên có những diễn biến bất thường và phức tạp (hạn hán, sạt lở đất, lũ lụt) làm cho thiên nhiên bị tàn phá nghiêm trọng. Do đó, quản lý rừng bền vững là một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm phòng ngừa và ngăn chặn những hiện tượng thời tiết cực đoan. Trong thời gian qua, Quỹ Quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam và các đối tác đã có những dự án tập trung vào quản lý những cánh rừng trồng bền vững thông qua hệ thống chứng chỉ được quốc tế công nhận. Điều này không chỉ giúp con người có những sản phẩm thân thiện với sức khỏe và thiên nhiên, mà còn trực tiếp giảm sức ép tiêu thụ ngày càng tăng lên những cánh rừng tự nhiên. Một trong số đó là Dự án “Quản lý rừng bền vững và thương mại lâm sản có trách nhiệm” được triển khai từ 2016-2018.
Xuất khẩu đồ gỗ là một trong những ngành mang lại lợi nhuận cao cho Việt Nam, với tổng doanh thu năm 2017 là gần 8 tỷ đô la Mỹ. Các công ty trong nước thường hướng tới xuất khẩu sản phẩm sang các thị trường có lợi nhuận cao như châu Âu, Nhật hay Mỹ. Tuy nhiên, các thị trường này có nhiều yêu cầu khắt khe đối với các sản phẩm nhập khẩu, từ chất lượng cho tới tính hợp pháp, cũng như tác động về mặt xã hội và môi trường của sản phẩm. Trong những năm vừa qua, Chính phủ Việt Nam và các công ty đã có nhiều nỗ lực để đáp ứng nhu cầu trên. Nhiều chương trình và chính sách đã được thông qua như khuyến khích trồng rừng gỗ lớn theo Quyết định số 147/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách phát triển rừng sản xuất giai đoạn 2007-2015; đặc biệt là việc ký kết hiệp định Đối tác Tự nguyện trong Thực thi lâm luật, Quản trị và Thương mại Lâm sản (VPA/FLEGT), theo đó Việt Nam phải nâng cao quản lý rừng và thúc đẩy thương mại gỗ hợp pháp giữa Việt Nam và châu Âu.
Thương mại và Lâm sản có trách nhiệm châu Á (RAFT) là một chương trình hỗ trợ các quốc gia châu Á Thái Bình Dương thực hành quản lý và thương mại rừng bền vững và hợp pháp. Đối tác RAFT bao gồm 7 tổ chức phi chính phủ cùng hợp tác để thúc đẩy khả năng lãnh đạo, sáng kiến và năng lực quản lý rừng bền vững và thương mại lâm sản hợp pháp và có trách nhiệm dọc khu vực châu Á Thái Bình Dương. Với mục tiêu giảm 50% tỷ lệ phá rừng và suy thoái rừng nhiệt đới vào năm 2020, RAFT đã hợp tác với Tổng cục Lâm nghiệp (TCLN) Việt Nam, cùng sự hỗ trợ của WWF, Mạng lưới giám sát buôn bán động thực vật hoang dã (TRAFFIC) và Trung tâm vì Con người và Rừng (RECOFTC), thực hiện Dự án “Quản lý rừng bền vững và thương mại lâm sản có trách nhiệm” nhằm thúc đẩy quản lý rừng bền vững, nhận dạng gỗ hợp pháp, thay đổi chính sách và bước đầu tạo thị trường nội địa cho các sản phẩm gỗ có trách nhiệm.
Người dân thực hiện kỹ năng kiểm tra tăng trưởng rừng trồng trước chuyên gia FSC
Mục tiêu của Dự án là đến năm 2020, việc thực hiện thương mại gỗ hợp pháp và có trách nhiệm gia tăng và hoạt động quản lý rừng trồng bền vững trở thành hoạt động thường xuyên ở Việt Nam. Dự án có 2 hợp phần gồm: Thúc đẩy quản lý rừng trồng bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế và Tăng cường thực hiện thương mại gỗ hợp pháp và có trách nhiệm. Theo đó có 4 kết quả chính cần đạt được là: Năng lực quản lý của các công ty trồng rừng (quản lý ít nhất 3.000 ha) được nâng cao nhằm đáp ứng với các yêu cầu về gỗ hợp pháp và quản lý rừng bền vững; Ít nhất một chính sách quan trọng về thúc đẩy quản lý rừng bền vững được rà soát, sửa đổi hoặc xây dựng; Thương mại gỗ hợp pháp và minh bạch được thúc đẩy thông qua 7 khóa tập huấn về thương mại gỗ hợp pháp cho các doanh nghiệp, hiệp hội gỗ, các cơ quan hải quan và kiểm lâm, biên soạn cẩm nang hướng dẫn nhận dạng gỗ thuộc danh mục cấm, hạn chế buôn bán; Bước đầu tạo thị trường nội địa đối với mặt hàng lâm sản có trách nhiệm với ít nhất 3 doanh nghiệp chế biến lâm sản sản xuất các sản phẩm có trách nhiệm cho thị trường Việt Nam và ít nhất 3 cửa hàng bán lẻ cam kết bán các sản phẩm này tại Việt Nam. Đến nay, sau 2 năm thực hiện, Dự án đã đạt được một số thành công, thể hiện qua các nội dung:
Quản lý rừng bền vững: Dự án đã hỗ trợ thành công cam kết hướng tới sự bền vững của 3 công ty trồng rừng tại tỉnh Phú Yên, Cà Mau và Bình Định. Các công ty này đang nỗ lực trồng và quản lý rừng theo các tiêu chuẩn của Hội đồng Quản trị rừng Thế giới (FSC). Với sự hỗ trợ kỹ thuật và thông qua các khóa tập huấn của WWF, gần 3.000 ha rừng trồng đã đạt được chứng chỉ FSC, góp phần giúp Chính phủ đạt mục tiêu có 350.000 ha rừng trồng đạt chứng chỉ vào năm 2020. Ngoài ra, một cuốn sổ tay hướng dẫn quản lý rừng trồng bền vững cũng được in, phát miễn phí cho các công ty lâm nghiệp và chủ sở hữu rừng trên cả nước. Đây là một phần hoạt động nhằm thực hiện cam kết của Dự án là nâng cao năng lực của các chủ sở hữu rừng địa phương.
Nhận dạng gỗ hợp pháp: TRAFFIC qua nhiều năm làm việc với các cán bộ hải quan và kiểm lâm đã hiểu được khó khăn của cán bộ trong việc nhận dạng và xử lý gỗ bất hợp pháp. Để giải quyết vấn đề này, TRAFFIC đã xây dựng một bộ Tài liệu hướng dẫn nhận dạng 35 loài gỗ thương mại thông dụng nhất tại Việt Nam và tổ chức ba đợt tập huấn đã diễn ra tại ba miền Bắc, Trung, Nam. Dự án cũng gửi tặng 1.000 ấn bản Bộ tài liệu tới các cán bộ tham gia tập huấn và các Chi cục Kiểm lâm và Hải quan trên toàn quốc.
Sửa đổi chính sách: Luật Lâm nghiệp mới đã được thông qua tháng 11/2017 và sẽ chính thức có hiệu lực từ tháng 1/2019. Một điểm thay đổi lớn trong Luật Lâm nghiệp mới là việc đảm bảo thương mại sản phẩm gỗ có trách nhiệm và đẩy mạnh quản lý rừng bền vững. Do những thay đổi này, Tổng cục Lâm nghiệp cần có một Thông tư mới hướng dẫn về quản lý rừng bền vững. RECOFTC đã cùng đồng hành và hỗ trợ TCLN trong suốt quá trình này. Một báo cáo rà soát các chính sách về quản lý rừng bền vững ở Việt nam đã được xây dựng. Báo cáo đã đánh giá chung về các chính sách trên thực tế, những tồn tại cần giải quyết và khuyến nghị phát triển chính sách về quản lý rừng bền vững phù hợp với Luật Lâm nghiệp mới. Báo cáo cũng đã được tham vấn với các bên liên quan, những đối tượng sẽ chịu ảnh hưởng khi Luật Lâm nghiệp mới có hiệu lực.
Dựa trên kết quả của báo cáo và ý kiến đóng góp của các bên liên quan, Dự án đã tổng hợp các ý kiến thảo luận về quản lý rừng bền vững, xây dựng Tóm tắt chính sách. Đặc biệt, Dự án cũng hỗ trợ mở một diễn đàn điện tử trên trang web của TCLN để chia sẻ và phổ biến các kết quả của dự án và các thông tin liên quan. Dự án đã xây dựng một bản tổng hợp chi tiết các ý kiến cần đưa vào Thông tư mới về quản lý rừng bền vững và gửi cho nhóm soạn thảo. Hiện nay, Thông tư mới đã được đưa lên mạng của Chính phủ để lấy ý kiến rộng rãi trước khi phê duyệt có hiệu lực vào tháng 1/2019.
Thúc đẩy thị trường nội địa đối với các sản phẩm có chứng chỉ: Gỗ có chứng chỉ vẫn là một khái niệm mới đối với đa số người dân Việt Nam. Một trong những lý do chính đó là các sản phẩm này ít được bày bán tại Việt Nam, do nhu cầu chưa có. Hầu hết, sản phẩm làm từ gỗ có chứng chỉ được xuất khẩu. Nhưng điều này có thể thay đổi nếu như người tiêu dùng Việt Nam hiểu được vai trò của họ trong việc thúc đẩy quản lý và thương mại gỗ có trách nhiệm. Nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng và các cửa hàng đồ gỗ là những bước đi đầu tiên của WWF nhằm thực hiện mục tiêu tạo thị trường nội địa đối với các sản phẩm gỗ có chứng chỉ. Hàng trăm người dân TP. Hồ Chí Minh đã tới dự sự kiện về rừng có chứng chỉ của WWF tại hội chợ đồ gỗ VIFA HOME tháng 11/2017 và hàng nghìn người đã biết tới gỗ có chứng chỉ thông qua hoạt động online.
Nhìn chung, các kết quả của dự án đã thể hiện được một cách toàn diện và đồng bộ. Hy vọng rằng, các kết quả của Dự án sẽ được nhân rộng và triển khai có hiệu quả trong thực tế.
Phương Ngân
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 8/2018)