07/01/2020
Việt Nam hiện có hơn 60 triệu dân sống ở vùng nông thôn, chiếm khoảng 76.5% số dân của cả nước. Trung bình mỗi ngày, khu vực nông thôn phát sinh khoảng hơn 31 nghìn tấn chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH), với thành phần chủ yếu là hữu cơ và vô cơ. Tỷ lệ rác thải hữu cơ phát sinh trong CTRSH tương đối cao, chiếm khoảng 60 - 70%. Tuy nhiên, tỷ lệ thu gom CTRSH tại khu vực nông thôn còn thấp, trung bình đạt khoảng 40-55% so với lượng CTRSH phát sinhvà hoàn toàn không thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn. Do vậy, việc tìm ra một mô hình quản lý CTRSH đơn giản, hiệu quả, dễ áp dụng và dễ nhân rộng là rất cần thiết để giải quyết bài toán về CTRSH khu vực nông thôn.
Hội nghị tập huấn phân loại, thu gom, xử lý rác sinh hoạt tại nguồn cho 500 hộ dân của 3 thôn: Miếu, Chính, Hòe Nha
Áp dụng kết quả nghiên cứu, tổng hợp từ các mô hình đang triển khai trong toàn quốc, mô hình thí điểm phân loại, thu gom, xử lý CTRSH tại nguồn đã được Viện Khoa học Môi trường triển khai tại xã Thụy Chính, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.
Một vài đặc điểm về địa bàn thí điểm
Xã Thụy Chính, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình cách thủ đô Hà Nội 60 km đã được công nhận đạt chuẩn NTM năm 2015 và phấn đấu về đích là xã NTM nâng cao năm 2019.
Với số dân hơn 1.000 người, những năm gần đây, lượng rác thải sinh hoạt tại xã Thụy Chính có xu hướng gia tăng, song công tác thu gom và xử lý CTRSH chưa được quan tâm đúng mức, gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan nông thôn và ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Hiện tại, xã có khu xử lý rác tập trung, có 4 tổ (12 người) thực hiện thu gom rác thải trên địa bàn toàn xã, với tần suất 1-2 lần/tuần vào thứ bảy và chủ nhật hàng tuần. Tuy nhiên, công tác thu gom và xử lý CTRSH chưa được quan tâm đúng mức, việc xử lý chủ yếu sử dụng biện pháp chôn lấp.
Với mục tiêu quyết tâm về đích NTM nâng cao đúng kế hoạch, chính quyền xã mong muốn tìm ra giải pháp hữu hiệu cho công tác BVMT nói chung và giải quyết vấn để chất thải rắn nói riêng, từng bước nâng cao ý thức BVMT cho người dân.
Xã Thụy Chính gồm 3 thôn: Miếu, Chính và Hòe Nha nhưng để thống kê kết quả dễ dàng, nhóm nghiên cứu lựa chọn thôn Miếu tiến hành áp dụng thí điểm mô hình. Theo số liệu điều tra thực tế vào tháng 11/2019, thôn Miếu có tổng số 395 hộ gồm 1.291 nhân khẩu. Tổng lượng rác thải phát sinh 1.800 kg/tuần, lượng rác bình quân theo hộ là 0,7kg/hộ/ngày, lượng rác bình quân theo đầu người 0,19 kg/người/ngày. Khối lượng rác thải sinh hoạt của cả thôn Miếu là 245,3kg/ngày.
Mô hình áp dụng thí điểm
Với mục tiêu giảm lượng rác thải ra môi trường, rác thải ra môi trường chỉ còn rác thải vô cơ không tái chế, nhóm tác giả tiến hành thí điểm mô hình phân loại, thu gom và xử lý CTRSH tại nguồn như sau:
CTRSH trước khi được đưa đi thu gom và xử lý, được phân loại ngay tại hộ gia đình theo các bước sau: Phân loại (chất thải hữu cơ dễ phân hủy; chất thải vô cơ; chất thải nguy hại), sau đó, chất thải hữu cơ và vô cơ được bỏ vào 2 thùng, hoặc túi riêng biệt có màu sắc khác nhau để dễ phân biệt. Đối với chất thải nguy hại, do số lượng ít nên gia đình có thể tận dụng thùng nhỏ, túi ni lông để thu gom. Với chất thải vô cơ có thể tái chế, tái sử dụng sẽ được thu gom, bán cho các đơn vị thu mua phế liệu, hoặc chi hội phụ nữ thôn/xã để giúp đỡ các hộ có hoàn cảnh khó khăn. Phần CTRSH hữu cơ tại mỗi hộ gia đình sẽ được băm nhỏ (nếu cần) và đưa vào trộn với chế phẩm vi sinh, ủ trong môi trường yếm khí thành phân compost ngay trong sân vườn bằng hố đào trong vườn có nắp đậy.
Hố ủ chất thải hữu cơ tại hộ gia đình ở thôn Miếu
Đối với những hộ dân không có diện tích vườn, chất thải hữu cơ đã phân loại được thu gom đến hầm ủ trộn chế phẩm vi sinh xử lý tập trung của địa phương. Còn chất thải vô cơ không thể tái chế sẽ được thu gom theo quy định của xã (1-2 lần/tuần).
Kết quả bước đầu của mô hình thí điểm
Để đảm bảo việc thành công của mô hình thí điểm, nhóm nghiên cứu đã thực hiện tuyên truyền, phổ biến kiến thức về BVMT nói chung và quy trình, kỹ thuật trong phân loại, thu gom, xử lý CTRSH tại nguồn cho người dân. Trong quá trình triển khai, hàng tuần các cán bộ của nhóm kết hợp với chính quyền xã đến từng hộ kiểm tra việc thực hiện. Sau một tháng triển khai mô hình thí điểm, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh đã giảm đáng kể. Cụ thể, lượng rác thải giảm từ 1.800kg/tuần xuống còn 1.200 kg/tuần (tuần 1), 1.000 kg/tuần (tuần 2), 900 kg/tuần (tuần 3 và tuần 4). Như vậy có thể thấy, lượng rác thải sinh hoạt tại thôn Miếu đã giảm 50% sau 1 tháng thí điểm mô hình phân loại, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn. Việc giảm lượng phát sinh rác thải sinh hoạt (chủ yếu là rác thải hữu cơ) dẫn đến hạn chế mùi hôi, nước rỉ rác, giảm ô nhiễm nguồn đất, nguồn nước ngầm, nước mặt.
Theo tính toán của nhóm nghiên cứu, mỗi hộ dân sẽ tiết kiệm được 161.000 đồng/hộ/năm do người dân tự ủ phân hữu cơ bón cho cây trồng, giảm chi phí thuê thu gom rác thải, sắm sửa dụng cụ, bảo dưỡng, sửa chữa chuyên dụng, trang phục bảo hộ cho công nhân, giảm chi phí dầu, điện phục vụ cho đốt rác… Bên cạnh đó, sau khi áp dụng thí điểm mô hình, 71,7% người dân đã biết cách phân loại rác thải chính xác, còn lại 28,3% người dân còn phân loại chưa đúng. Đồng thời, 53,3% người dân đánh giá việc phân loại, thu gom, xử lý rác thải tại nguồn là quan trọng. Đây là sự chuyển biển rõ rệt trong nhận thức của người dân về công tác phân loại, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn.
Đề xuất, kiến nghị để nhân rộng mô hình
Trong quá trình triển khai thí điểm, nhóm nghiên cứu cũng gặp một số khó khăn như: Một bộ phận người dân chưa thực sự nhận thức đúng tầm quan trọng, lợi ích của việc phân loại rác; Tỷ lệ nhóm người trẻ tương đối thấp (chiếm 32%), còn lại là nhóm người cao tuổi (chiếm 68%); Phụ nữ là người trực tiếp phân loại, thu gom và xử lý CTRSH tại nguồn, tuy nhiên, nam giới có xu hướng hiểu biết về rác thải sinh hoạt cao hơn nữ giới; Đa số các hộ dân chưa tham gia mô hình đều chờ các khoản trợ giúp dụng cụ và hướng dẫn thực hiện, chưa chủ động; Chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa Hội Liên hiệp phụ nữ với cán bộ phụ trách môi trường và các đoàn thể của địa phương, chủ yếu cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ triển khai, kiểm tra nên hiệu quả chưa cao.
Từ những kết quả nêu trên, nhóm đề xuất một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả mô hình thí điểm và nhân rộng mô hình như sau: Thường xuyên tuyên truyền giáo dục cho người dân về môi trường từ những điều cơ bản nhất thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như loa đài, khẩu hiệu,... hay các buổi tập huấn. Đẩy mạnh công tác đôn đốc, kiểm tra hiệu quả việc triển khai thực hiện các mô hình thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn, kịp thời sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm để nhân rộng mô hình. Có hình thức tuyên dương, khen thưởng tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác thu gom, xử lý rác thải; đồng thời cũng có biện pháp xử lý các tập thể, cá nhân có tồn tại, vi phạm trong việc thu gom, xử lý CTRSH.
Nguyễn Thị Phương Mai, Nguyễn Hải Yến
Viện Khoa học môi trường, Tổng cục Môi trường
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 12/2019)