Banner trang chủ

TP. Hà Nội: Tăng cường đầu tư hệ thống quan trắc môi trường không khí tự động

05/04/2017

     Ngày 4/4/2017, tại Hà Nội, Sở TN&MT TP. Hà Nội tổ chức Hội thảo Quản lý chất lượng môi trường không khí.

     Theo kết quả quan trắc môi trường không khí của Sở TN&MT TP. Hà Nội trong mấy năm gần đây, tại các trục đường giao thông và các khu vực xây dựng bị ô nhiễm nặng về bụi, benzen và tiếng ồn. Riêng chỉ tiêu benzen, tại hầu hết các vị trí quan trắc đều có hàm lượng vượt QCVN 06:2009/BTNMT từ 1,2 - 2,5 lần. Nguyên nhân chủ yếu là do lưu lượng các phương tiện tham gia giao thông quá lớn, tốc độ đô thị hóa nhanh, kéo theo các hoạt động xây dựng cùng với sự gia tăng dân số cơ học. Trong khi hệ thống quan trắc môi trường chưa đồng bộ, ý thức chấp hành các quy định pháp luật về BVMT của nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh còn hạn chế…

 

Hội thảo quản lý chất lượng môi trường không khí TP. Hà Nội

 

     Để giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội, thời gian qua, UBND TP đã thực hiện nhiều giải pháp để cải thiện chất lượng môi trường không khí như như triển khai lắp đặt và đưa vào vận hành 10 trạm quan trắc không khí tự động (2 trạm cố định và 8 trạm cảm biến), số liệu quan trắc không khí được cập nhật 24/24h và truyền về hệ thống dữ liệu của Sở TN&MT; Giám sát buộc các dự án, cơ sở có phát sinh chất thải quy mô lớn phải lắp đặt các trạm quan trắc tự động; Đầu tư trang thiết bị đo nhanh khí thải từ phương tiện giao thông lưu thông trên đường để đánh giá nồng độ khí thải; Trồng hàng nghìn cây xanh và đưa ra lộ trình giảm các phương tiện cá nhân trong nội đô, hướng tới mục tiêu phát triển đồng bộ, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng đô thị.

     Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ các kinh nghiệm quản lý chất lượng không khí tại một số quốc gia trên thế giới, phương thức tính toán chỉ số chất lượng môi trường không khí (AQI), đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí tại TP. Hà Nội, trong đó tập trung vào việc quy hoạch mạng lưới quan trắc môi trường không khí tự động; tăng cường đầu tư kinh phí để lắp đặt, nâng cấp, bảo dưỡng, duy trì vận hành các trạm quan trắc; hoàn thiện, bổ sung các quy định kỹ thuật về các trạm quan trắc, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và ổn định của hệ thống; huy động sự tham gia của cộng đồng vào công tác BVMT không khí. Tuy nhiên, để việc đầu tư các trạm quan trắc không khí phát huy hiệu quả tối ưu, thời gian tới, TP. Hà Nội cần có cơ chế đảm bảo kinh phí để duy trì, vận hành, hiệu chuẩn liên tục các thiết bị quan trắc; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ vận hành các thiết bị quan trắc môi trường và xây dựng hệ thống cảnh báo sớm.

 

Hương Trần

 

 

 

Ý kiến của bạn