31/07/2017
Tại Lễ phát động Tháng hành động vì môi trường, Bộ TN&MT đã trao Giải thưởng Môi trường Việt Nam năm 2017 cho 35 tổ chức, 15 cá nhân có thành tích xuất sắc đối với sự nghiệp BVMT giai đoạn 2014 - 2016, trong đó có Trung tâm Khoa học Công nghệ và BVMT Giao thông vận tải (KHCN&BVMT GTVT), Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông vận tải (KH & CN GTVT). Nhân dịp kỷ niệm 15 năm thành lập Bộ TN&MT, Tạp chí Môi trường có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Chiến - Giám đốc Trung tâm về những kết quả đạt được trong nghiên cứu ứng dụng công nghệ BVMT đối với ngành GTVT.
Ông Nguyễn Văn Chiến - Giám đốc Trung tâm KHCN&BVMT GTVT Viện KH&CN GTVT
PV: Xin ông cho biết quá trình hình thành và phát triển của Trung tâm KHCN & BVMT GTVT?
Ông Nguyễn Văn Chiến: Đối với ngành GTVT, trước năm 1993, công tác BVMT chưa được chú trọng. Kể từ khi Luật BVMT năm 1993 ra đời, công tác BVMT của ngành dần được quan tâm và trở thành yêu cầu cấp thiết khi công cuộc xây dựng cơ sở hạ tầng về giao thông được Đảng, Chính phủ đặt lên hàng đầu, nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế đất nước. Trong thời gian đó, Viện KH&CN GTVT đã thành lập Phòng Phương tiện Vận tải và môi trường nhằm thực hiện công tác nghiên cứu, triển khai ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong lĩnh vực BVMT. Tuy nhiên, do nhu cầu về nghiên cứu, hợp tác, triển khai các dự án về BVMT ngày càng tăng, Viện KH&CN GTVT đã đề xuất Bộ GTVT cho phép thành lập Trung tâm chuyên nghiên cứu về BVMT. Do đó, ngày 28/4/1997, Bộ GTVT đã ra Quyết định số 1089/QĐ/TCCB-LĐ về việc thành lập Trung tâm KHCN& BVMT GTVT trực thuộc Viện KH&CN GTVT. Trải qua gần 20 năm hoạt động và phát triển, Trung tâm là một trong những tổ chức khoa học và công nghệ hàng đầu của ngành GTVT về nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong lĩnh vực BVMT.
Lập Báo cáo ĐTM dự án nút giao ngã ba Huế - TP. Đà Nẵng
PV: Là đơn vị chuyên trách của ngành về lĩnh vực BVMT, các đề tài nghiên cứu do Trung tâm thực hiện đã có ứng dụng như thế nào đối với ngành GTVT trong những năm qua?
Ông Nguyễn Văn Chiến: Kể từ khi thành lập đến nay, Trung tâm đã thực hiện hơn 30 đề tài, đề án các cấp; gần 200 Dự án trọng điểm về đánh giá tác động môi trường (ĐTM), tư vấn, giám sát, tham vấn cộng đồng, điều tra xã hội và quan trắc chất lượng môi trường... Các hoạt động này đã góp phần đáng kể trong các tác BVMT của ngành, điển hình như: Đề tài Nghiên cứu ô nhiễm môi trường do các phương tiện giao thông đường thủy gây ra thực hiện năm 1997; kết quả của đề tài là tài liệu tham khảo khi thực hiện đánh giá các tác động tới môi trường cho các dự án về giao thông thủy nội địa. Đề tài sử dụng năng lượng sóng biển làm nguồn chiếu sáng phao tín hiệu hoạt động ngoài khơi biển Việt Nam được thực hiện năm 2001 đã bước đầu cho thấy khả năng sử dụng nguồn năng lượng thân thiện với môi trường trong ngành GTVT. Đề tài đánh giá tình hình ô nhiễm không khí trên các trục giao thông trọng yếu tại 5 thành phố lớn thực hiện năm 2012 cho thấy bức tranh tổng quát về ô nhiễm do giao thông tại các thành phố lớn của Việt Nam...
Ngoài ra, nhiều công trình nghiên cứu khác do Trung tâm đã và đang thực hiện nhằm khắc phục các vấn đề môi trường nảy sinh trong hoạt động của ngành GTVT. Hiện nay, Trung tâm đang đề xuất chế tạo thiết bị hút bụi khi thi công thảm bê tông nhựa trên đường bộ. Nếu thành công, thiết bị này sẽ góp phần cải thiện tình trạng ô nhiễm bụi gây bức xúc dư luận khi thi công xây dựng đường thời gian gần đây.
PV: Được biết, bên cạnh nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, Trung tâm đã triển khai nhiều hoạt động về dịch vụ khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực môi trường. Vậy kết quả những hoạt động này là gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Chiến: Bên cạnh nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, Trung tâm đã triển khai trên 200 Dự án trọng điểm về ĐTM, tư vấn, giám sát, tham vấn cộng đồng, điều tra xã hội và quan trắc chất lượng môi trường cho các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng ngành GTVT. Hoạt động này đã tư vấn cho cơ quan trực tiếp quản lý các dự án xây dựng giải pháp giảm thiểu, kiểm soát tác động tới môi trường, góp phần BVMT trong hoạt động ngành GTVT.
Hoạt động đo đạc, lấy mẫu tại hiện trường
Trong khi đó, các hoạt động hợp tác quốc tế của Trung tâm thông qua các Hội nghị, Hội thảo khoa học quốc tế với các cơ quan, tổ chức: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Mỹ... về các lĩnh vực giảm khí thải nhà kính, sử dụng năng lượng hiệu quả, biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, công nghệ xử lý ô nhiễm, công nghệ phân tích môi trường... Thông qua hợp tác quốc tế, cán bộ của Trung tâm có cơ hội được nâng cao trình độ chuyên môn, được tiếp xúc với các công nghệ xử lý môi trường tiên tiến; tiếp cận các hướng nghiên cứu mới về BVMT trong các hoạt động của ngành GTVT.
PV: Để công tác BVMT trong ngành GTVT đạt kết quả bền vững, ông có đề xuất, kiến nghị gì đối với các cơ quan chức năng?
Ông Nguyễn Văn Chiến: Thứ nhất, cần hoàn thiện cơ chế chính sách trong lĩnh vực BVMT; phân định rõ chức năng, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, tránh quản lý chồng chéo.
Thứ hai, chú trọng đến công tác đào tạo nguồn nhân lực có trình độ, khả năng đáp ứng được yêu cầu về nghiên cứu BVMT trong giai đoạn mới, giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0.
Thứ ba, đầu tư hệ thống trang thiết bị hiện đại, đủ khả năng đáp ứng nhu cầu nghiên cứu khoa học, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân về lĩnh vực BVMT.
Thứ tư, có cơ chế tài chính linh hoạt để có thể tận dụng và khai thác có hiệu quả tất cả các nguồn tài chính hợp pháp phục vụ công tác BVMT.
PV: Xin cảm ơn ông!
Đức Trí (Thực hiện)
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 7/2017)