Banner trang chủ

Tăng cường công tác quản lý, vận hành nhà máy xử lý nước thải tập trung tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai

16/12/2019

     Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Đồng Nai là một trong những tỉnh đi đầu trong cả nước về xây dựng và phát triển khu công nghiệp(KCN). Sự phát triển của các KCN đã mang lại hiệu quả kinh tế cho địa phương, tuy nhiên, các nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cũng rất cao. Trong bối cảnh đó, Đồng Nai đã tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng như hệ thống xử lý nước thải tập trung (XLNTTT), hệ thống quan trắc nước thải tự động tại các KCN trên địa bàn.

     Hiện trạng xây dựng, vận hànhnhà máy xử lý nước thải tập trung tại các KCN

     Theo Báo cáo của Ban Quản lý các KCN Đồng Nai vềtình hình xây dựng, vận hành Nhà máy XLNTTT tại các KCN trên địa bàn tỉnh,Đồng Nai hiện có 32 KCN được thành lập, trong đó có 31 KCN có dự án đi vào hoạt động (trừ KCN Công nghệ cao Long Thành).Các KCN thu hút 1.688 dự án, gồm 1.232 dự án đầu tư nước ngoài và 456 dự án đầu tư trong nước, tất cả các dự án đã đi vào sản xuất, góp phần giải quyết việc làm cho 576 nghìn lao động.Hiện 31 KCN trên địa bàn đang hoạt động đã hoàn thành xây dựng nhà máy XLNTTT,đảm bảo tiếp nhận, xử lý nước thải cho các doanh nghiệp,với tổng công suất thiết kế là 172.070 m3/ngày, đêm, tổng vốn đầu tư khoảng 1.837 tỷ đồng,cụ thể là các KCN: Amata; Loteco; Biên Hòa I (đấu nối nước thải về KCN Biên Hòa II); Biên Hòa II; Agtex Long Bình; Tam Phước; Long Thành; Gò Dầu; Nhơn Trạch I; Nhơn Trạch II; Nhơn Trạch III (giai đoạn 1 và 2); Nhơn Trạch V; Dệt may Nhơn Trạch; Hố Nai; Sông Mây; Bàu Xéo; Tân Phú; Định Quán; Suối Tre; Giang Điền; Xuân Lộc; Long Khánh; Dầu Giây; Long Đức; Lộc An - Bình Sơn; Nhơn Trạch II - Lộc Khang; Nhơn Trạch II - Nhơn Phú; Thạnh Phú; An Phước;Nhơn Trạch VI;Ông Kèo. Ngoài ra, một số KCNđã hoàn thành việcxây dựng nâng công suất nhà máy XLNTTT trong năm 2019 như: Giang Điền (công suất nhà máy XLNTTT từ 3.000 m3/ngày, đêm lên 7.500 m3/ngày, đêm); Tân Phú (từ 600 m3/ngày, đêm lên 1.800 m3/ngày, đêm); Nhơn Trạch I (từ 6.000 m3/ngày, đêm lên 10.000 m3/ngày, đêm).

     Tổng lượng nước thải phát sinh tại 31 KCN đang hoạt động khoảng 120.637 m3/ngày, đêm, trong đó: Lượng nước thải của các doanh nghiệp thu gom, đấu nối về các Nhà máy XLNTTT là 91.138 m3/ngày.đêm (chiếm 75,55%); lượng nước thải của các doanh nghiệp được cấp phép xả thải trực tiếp là 29.314 m3/ngày, đêm (chiếm 24,30%); lượng nước thải còn lại của các doanh nghiệp chưa đấu nối khoảng 185 m3/ngày, đêm (chiếm 0,15%). Về cơ bản,nước thải đã được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường trước khi thải ra nguồn tiếp nhận.

     Để giám sát chặt chẽ chất lượng nguồn nước xả thải ra môi trường, tránh nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, từ nhiều năm nay, Đồng Nai đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng các trạm quan trắc nước thải tự động tạicácKCN.Tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư KCN, cơ sở sản xuất hoàn thiện lắp đặt thiết bị quan trắc tự động và kết nối dữ liệu quan trắc về Sở TN&MT để theo dõi thường xuyên. Đến nay, đã có 25 KCNlắp đặt thiết bị quan trắc nước thải tự động (gồm các KCN: Amata; Loteco; Biên Hòa I (đấu nối nước thải về KCN Biên Hòa II); Biên Hòa II; Agtex Long Bình; Tam Phước; Long Thành; Gò Dầu; Nhơn Trạch I; Nhơn Trạch II; Nhơn Trạch III (giai đoạn 1 và 2); Nhơn Trạch V; Dệt may Nhơn Trạch; Hố Nai; Sông Mây; Bàu Xéo; Suối Tre; Giang Điền; Xuân Lộc; Long Đức; Nhơn Trạch VI; Nhơn Trạch II - Lộc Khang; Nhơn Trạch II - Nhơn Phú; Dầu Giây; Long Khánh); 6 KCN còn lại có lượng nước thải ít, chưa ổn định (Thạnh Phú, An Phước, Tân Phú, Định Quán, ông Kèo, Lộc An - Bình Sơn).Việc đưa vào sử dụng và vận hành các trạm quan trắc nước thải tự động đã giúp cho quá trình kiểm tra, giám sát chất lượng nước thải được thực hiện, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm BVMT của các đơn vị quản lý hạ tầng và doanh nghiệp tại các KCN. Hiện nay, tỷ lệ KCN xử lý nước thải đạt chuẩn ngày càng được nâng lên. 


Nhà máy XLNTT tại KCN Nhơn Trạch 2

 

     Theo kết quả giám sát, theo dõi dữ liệu quan trắc nước thải tự động tại các KCN truyền về Sở TN&MT Đồng Nai trong thời gian qua cho thấy, việc đầu tư và lắp đặt các trạm quan trắc nước thải tự động tại các KCN đem lại hiệu quả thiết thực, một mặt giúp cho cơ quan quản lý nhà nước giám sát, theo dõi liên tục chất lượng nước thải sau xử lý của các KCN.Mặt khác, giúp phát hiện các sự cố để cảnh báo và cùng với công ty đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng KCN kịp thời khắc phục, đảm bảo chất lượng nước thải đạt quy chuẩn môi trường cho phép trước khi thải ra nguồn tiếp nhận. Từ đó, nâng cao trách nhiệm của các đơn vị quản lý hạ tầng KCN trên địa bàn tỉnh trong việc xử lý nước thải.

     Một số khó khăn, vướng mắc

     Bên cạnh kết quả đạt được, nhiều KCN trên địa bàn tỉnh vẫn đang gặp khó khăn trong việc thu gom nước thải về nhà máy XLNTTT và thoát nước ngoài hàng rào KCN, cụ thể:KCN Nhơn Trạch II - Nhơn Phú, do chưa có tuyến thoát nước ngoài hàng rào nên nước thải sau xử lý tạinhà máy XLNTTT của KCN (khoảng 409 m3/ngày, đêm) một phần được lưu ở bể chứa để dùng vào việc tưới cây, một phần thoát ra hồ sự cố (thể tích 1.200m3) để tự ngấm. KCN nằm ở cuối tuyến đường Nguyễn Ái Quốc, vào mùa mưa, nước từ các nơi khác chảy về gây ngập và tràn vào nhà xưởng.TạiKCN Tam Phước, do tuyến thoát nước ngoài hàng rào KCN (đoạn từ cửa xả của KCN đến trước đoạn đường Phùng Hưng) chưa được triển khai xây dựng do đó thường xuyên bị ngập trong và sau mỗi cơn mưa, gây ách tắc giao thông và mất an toàn cho người dân. KCN Lộc An - Bình Sơn, dự án thoát nước ngoài hàng rào KCN (từ ranh KCN ra đến suối Bưng Môn) đang được UBND huyện Long Thành triển khai đầu tư xây dựng, tuy nhiên do gặp khó khăn trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng nên tiến độ rất chậm, hiện nay nước thải sau xử lý của KCN vẫn đang được công ty Đầu tư hạ tầng KCN lưu trữ trong hồ chứa. KCN Nhơn Trạch I cũng đang gặp trở ngại trong việc thoát nước mưa cho tuyến đường số 1 của KCN (thoát ra đường Trần Phú) do đường thoát ra mương tự nhiên theo quy hoạch cũ đã bị san lấp, trong khi đường Trần Phú mới chỉ được đầu tư xây dựng đến đoạn KCN Nhơn Trạch I.

     Trong đợt giám sát lần 2/2018, Ban Quản lý các KCN tỉnh Đồng Nai đã làm việc và tiếp tục yêu cầu các công ty đầu tư hạ tầng KCN rà soát tỷ lệ nước thải so với nước cấp của toàn KCN (đặc biệt là các KCN có tỷ lệ nước thải thấp hơn mức 70% so với nước cấp) cũng như của từng doanh nghiệp thuê lại đất trong KCN. Tuy nhiên, báo cáo của các công ty đầu tư hạ tầng KCN còn mang tính định tính do lượng nước thải của từng doanh nghiệp thường được tính theo tỉ lệ % của nước cấp (không có đồng hồ đo lưu lượng nước thải của từng doanh nghiệp trong KCN). Hiện nay, nhiều KCN vẫn chưa kiểm soát tốt việc tách riêng triệt để nước mưa, nước thải của các doanh nghiệp trong KCN. Trong đợt giám sát ghi nhận, 12 KCN có tình trạng nước chảy tại cống thoát nước mưa dù trời không mưa. Đoàn giám sát đã yêu cầu các công ty đầu tư hạ tầng KCN khẩn trương thực hiện rà soát lại các tuyến thu gom nước mưa trong KCN để xác định nguyên nhân.

     Trước tình hình trên,Ban Quản lý các KCN tỉnh Đồng Nai đề xuất một số giải pháp:Tiếp tục lắp đặt các trạm quan trắc tự động nước thải cho 6 KCN còn lại (bao gồm: Thạnh Phú, An Phước, Tân Phú, Định Quán, ông Kèo, Lộc An - Bình Sơn), trong đó cần ưu tiên sớm lắp đặt trạm quan trắc tự động nước thải cho KCN Tân Phú (lưu lượng nước thải hiện nay khoảng 251m3/ngày, đêm) và KCN Lộc An - Bình Sơn (lưu lượng nước thải hiện nay khoảng 664m3/ngày, đêm); tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn KCN Định Quán vận hành nhà máy XLNTTT đúng quy trình kỹ thuật theo Báo cáo đánh giá tác động môi trườngKCN đã được Sở TN&MT thẩm định; đẩy mạnh giám sát các doanh nghiệp xả thải trực tiếp trong KCN, kiến nghị thu hồi giấy phép xả thải trong trường hợp doanh nghiệp không xử lý nước thải đạt quy chuẩn môi trường; xây dựng lộ trình yêu cầu các doanh nghiệp được cấp phép xả thải (trước mắt đối với các doanh nghiệp có lưu lượng xả thải <1.000 m3/ngày, đêm) thực hiện đấu nối vào nhà máy XLNTTT của KCN để thuận lợi cho công tác quản lý. Cùng với đó,giám sát việckhắc phục tình trạng có nước chảy tại cống thoát nước mưa của KCN; đôn đốc các công ty đầu tư hạ tầng KCN thực hiện rà soát chi tiết tỷ lệ nước thải so với nước cấp của KCN; tích cực tuyên truyền về việc kiểm soát nước thải trong quá trình sản xuất công nghiệp, từ đó nâng cao ý thức thu gom, xử lý nước thải của doanh nghiệp; theo dõi, giám sát chặt chẽ kết quả xử lý nước thải tại các hệ thống XLNTTT, đảm bảo 100% các KCN đang hoạt động có chất lượng nước thải sau xử lý luôn đạt quy chuẩn môi trường; xây dựng Đề án xây dựng KCN sinh thái nhằm định hướng cho các KCN phát triển theo hướng bền vững và BVMT.

 

Thế Anh - Trần Loan

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 11/2019)

 

 

 

Ý kiến của bạn