02/10/2017
Hiện nay, ở Việt Nam có 3 trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu - hóa chất quốc gia khu vực miền Bắc, Trung và Nam. Tuy nhiên, do còn nhiều bất cập về năng lực và công tác tổ chức nên khi có sự cố môi trường (SCMT) xảy ra, các hoạt động ứng phó chưa kịp thời, ảnh hưởng đến môi trường. Để tìm hiểu về vấn đề này, Tạp chí Môi trường có cuộc trao đổi với ông Phạm Văn Sơn - Giám đốc Công ty SOS Môi trường.
Ông Phạm Văn Sơn - |
PV. Xin ông cho biết, thực trạng năng lực công tác ứng phó SCMT của Việt Nam hiện nay?
Ông Phạm Văn Sơn: Theo số liệu tổng kết các SCMT trong 2 thập niên vừa qua của các trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu - hóa chất quốc gia cho thấy, trung bình mỗi năm có khoảng 70 SCMT, trong đó chỉ có 5% là sự cố tự nhiên, còn lại 95% sự cố xảy ra do lỗi của con người. Trong hầu hết các sự cố, các doanh nghiệp (DN) thường không thông báo cho các cơ quan quản lý biết vì sợ bị phạt nên khi sự cố xảy ra đã để lại hậu quả nghiêm trọng. Nhiều vụ việc có diễn biến phức tạp do cơ quan quản lý không nhận được thông báo khẩn cấp nên hoạt động ứng phó không thành công, làm ô nhiễm lan rộng phát tán ra ngoài môi trường.
Thêm vào đó, các trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu quốc gia chủ yếu xử lý về các sự cố tràn dầu, còn các sự cố về hóa chất, Việt Nam chưa có lực lượng ứng phó. Riêng Binh chủng Hóa học thuộc Bộ Quốc phòng không tham gia ứng phó các sự cố hóa chất của DN, chỉ có sự cố cấp quốc gia thì lực lượng này mới tham gia ứng phó khi có chỉ đạo.
Ngoài ra, do khoảng cách giữa các trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu quốc gia rất xa, cùng với những hạn chế về rào cản trong cách tổ chức, bất cập trong huy động nguồn lực nên không thể thực hiện hoạt động ứng phó sự cố nhanh chóng.
PV. Thời gian qua, tại một số địa phương đã xảy ra sự cố phát thải hóa chất độc hại ra môi trường nghiêm trọng, theo ông, đâu là nguyên nhân của thực trạng trên?
Ông Phạm Văn Sơn: Nguyên nhân đầu tiên là do công tác phòng ngừa ứng phó sự cố tràn dầu-hóa chất, nhất là công tác đào tạo, huấn luyện, diễn tập ứng phó của nhiều địa phương và DN còn mang nặng tính hình thức. Do đó, khi xảy ra sự cố thực tế, chính quyền địa phương còn lúng túng trong công tác chỉ đạo, chỉ huy hoạt động ứng phó sự cố. Nhiều DN khi bị sự cố hoàn toàn không thể ứng phó do chưa có trang thiết bị vật tư chuyên dụng, đồng thời cũng không thể huy động được nguồn lực hỗ trợ từ các DN lân cận.
Mặt khác, các DN thiếu cán bộ chuyên trách về an toàn môi trường để xây dựng và triển khai kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu- hóa chất, cũng như xác định chủng loại trang thiết bị vật tư chuyên dụng phù hợp với điều kiện đặc thù của DN. Nhiều DN đầu tư rất tốn kém cho các thiết bị nhưng khi xảy ra sự cố lại không sử dụng được, hoặc sử dụng không hiệu quả.
Trong khi đó, các đơn vị tư vấn thiếu nhân lực có kinh nghiệm trong ứng phó SCMT, thậm chí không am hiểu kĩ thuật về trang thiết bị ứng phó nên sản phẩm tư vấn thường mang tính lý thuyết, không áp dụng được trong thực tế.
Ngoài ra, tại các cơ quan quản lý địa phương, nhiều cán bộ không đủ năng lực chuyên môn để thẩm định kế hoạch ứng phó sự cố, đánh giá năng lực phòng ngừa, diễn biến sự cố, chỉ huy hoạt động ứng phó theo phân cấp khi sự cố vượt ra ngoài tầm kiểm soát của DN. Hơn nữa, còn thiếu các trạm ứng phó chuyên nghiệp ở các khu vực có nguy cơ xảy ra sự cố.
Cán bộ của Công ty SOS Môi trường xử lý sự cố tràn dầu |
PV. Vừa qua, Công ty SOS Môi trường đã triển khai các hoạt động gì để hỗ trợ các DN ứng phó SCMT?
Ông Phạm Văn Sơn: Với hơn 10 năm hoạt động và phát triển, Công ty SOS Môi trường đã thiết lập một mạng lưới các trạm ứng phó SCMT do dầu - hóa chất tại nhiều điểm có nguy cơ cao xảy ra sự cố. Trên cơ sở áp dụng sáng tạo phương châm 4 tại chỗ “trang bị tại chỗ, nhân lực tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, hậu cần tại chỗ” của Thượng tướng, Viện sỹ Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, Công ty SOS Môi trường đã xây dựng và hoàn thiện chiến lược ứng phó, bố trí nguồn lực căn cứ vào đặc thù của từng khu vực. Hoạt động nghiên cứu sản xuất cải tiến trang bị chuyên dụng của Công ty được đặc biệt quan tâm, giúp cho việc ứng phó các sự cố với quy mô khác nhau tại nhiều địa phương trên cả nước với chi phí thấp nhất.
Tính đến tháng 9/2017, Công ty SOS Môi trường đã trực tiếp tham gia, chỉ huy hiện trường ứng phó 67 sự cố tràn dầu tại nhiều địa phương trên toàn quốc, như: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Bình Thuận, Đắk Lắk, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Trung tâm Đào tạo nhân lực Ứng phó SCMT SOS (trực thuộc Công ty SOS Môi trường) luôn chú trọng việc trang bị kiến thức và rèn luyện kỹ năng thực hành cho các học viên trong khóa huấn luyện. Trung tâm đã tổ chức 118 khóa đào tạo huấn luyện kỹ năng ứng phó sự cố tràn dầu-hóa chất cho các địa phương và DN tại Việt Nam, trong đó: 10 khóa phối hợp Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn và các trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu quốc gia; 9 khóa phối hợp với Tổng cục Biển và hải đảo; 1 khóa diễn tập ứng phó sự cố tràn dầu cấp tỉnh (phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam); 44 khóa diễn tập với Sở TN&MT các địa phương; 47 khóa cho các cơ sở, DN trên cả nước; 5 khóa với sinh viên đại học TN&MT, khoa môi trường, Sở NN&PTNT Bà Rịa - Vũng Tàu.
PV. Ông có đề xuất gì đối với các cơ quan quản lý nhà nước để tăng cường công tác quản lý, an toàn môi trường hiện nay?
Ông Phạm Văn Sơn: Để tăng cường công tác quản lý, an toàn môi trường, trước hết, cần đào tạo nhân lực có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn trong ứng phó SCMT, trong đó đối tượng là các thành viên thuộc Hội đồng thẩm định kế hoạch phòng ngừa ứng phó SCMT; thành viên đoàn thanh, kiểm tra các DN; các cán bộ quản lý về an toàn môi trường tại các tập đoàn, nhà máy, DN, khu công nghiệp, khu chế xuất có nguy cơ cao gây ra SCMT do dầu-hóa chất. Đồng thời, các đối tượng trên phải có chứng chỉ sau khi hoàn thành các khóa đào tạo huấn luyện khắt khe để trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng phòng ngừa, ứng phó SCMT.
Bên cạnh đó, cần phát triển các trạm (đơn vị) ứng phó SCMT khẩn cấp, thường trực 24/24h để sẵn sàng ứng phó. Theo quy định, tất cả các DN có nguy cơ gây ra SCMT phải đảm bảo đủ nhân lực có kỹ năng và trang thiết bị vật tư ứng phó sự cố tại chỗ. Nếu tuân thủ đúng các qui định hiện hành với đầu tư tốn kém thì các DN vô hình chung trở thành các trung tâm ứng phó sự cố môi trường chuyên nghiệp. DN phải tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo doanh thu để tồn tại và phát triển trong bối cảnh tính cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Vì vậy hoạt động đảm bảo sẵn sàng ứng phó sự cố nên thông qua lực lượng chuyên nghiệp. Các DN sẽ trả phí định kỳ cho đơn vị ứng phó chuyên nghiệp để được đảm bảo dịch vụ ứng phó sự cố, với chi phí tiết kiệm hơn nhiều so với việc DN tự đầu tư nguồn lực.
Vai trò của các đơn vị ứng phó sự cố chuyên nghiệp không chỉ ứng phó khi có sự cố xảy ra mà quan trọng hơn, họ có đủ kiến thức và năng lực kiểm tra kỹ thuật định kì về an toàn, phòng ngừa sự cố, kịp thời phát hiện các rủi ro tiềm ẩn có thể dẫn đến sự cố. Đây cũng là lực lượng chính giúp cơ quan quản lý nhà nước kịp thời nắm vững thông tin chính xác về công tác phòng ngừa và ứng phó SCMT tại các khu công nghiệp, quận/huyện, tỉnh/thành phố thông qua các báo cáo được thực hiện một cách chuyên nghiệp, độc lập và định kì theo yêu cầu.
PV. Xin cảm ơn ông!
Châu Loan (Thực hiện)
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 9/2017