Banner trang chủ

Tôn vinh đóng góp của các nhà khoa học với công trình nghiên cứu công nghệ xử lý chất thải nguy hại công nghiệp và y tế

05/07/2019

    Vừa qua, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức Lễ trao tặng Giải thưởng Trần Đại Nghĩa năm 2019 cho 4 nhóm tác giả của 4 công trình khoa học. Các công trình đăng ký xét tặng giải thưởng năm nay thuộc 9 lĩnh vực khoa học tự nhiên và công nghệ (Toán học, Cơ học, Khoa học thông tin và khoa học máy tính, Vật lý, Hóa học, Các Khoa học về sự sống, Các Khoa học về trái đất, Khoa học biển, Khoa học môi trường và năng lượng) mà tác giả là những nhà khoa học ở trong và ngoài nước.Một trong số 4 công trình xuất sắc về mặt khoa học (đã có nhiều công bố quốc tế, có bằng sở hữu trí tuệ...) và đã được ứng dụng rộng rãi, đó là công trình “Nghiên cứu, phát triển công nghệ xử lý chất thải nguy hại (CTNH) công nghiệp và y tế” của nhóm tác giả: PGS. TS. Trịnh Văn Tuyên, TS. Nguyễn Thế Đồng, KSC. Mai Trọng Chính. Nhân dịp này, Tạp chí Môi trường đã có cuộc trò chuyện với PGS. TS. Trịnh Văn Tuyên - Viện trưởng Viện Công nghệ môi trường về nỗ lực nghiên cứu của nhóm tác giả nhằm đạt được những kết quả khoa học xuất sắc, đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

 

PGS. TS. Trịnh Văn Tuyên - Viện trưởng Viện Công nghệ môi trường

 

PV: Xin chúc mừng nhóm tác giả đã vinh dự nhận được Giải thưởng Trần Đại Nghĩa, một giải thưởng có tiếng vang trong cộng đồng nghiên cứu khoa học. Khi được nhận giải thưởng danh giá này, PGS. TS cảm thấy như thế nào?

PGS. TS. Trịnh Văn Tuyên: Đối với cá nhân tôi, việc được trao tặng Giải thưởng Trần Đại Nghĩa năm 2019 là một vinh dự. Tuy nhiên, tôi không nghĩ rằng đây là phần thưởng của riêng cá nhân. Nói theo cách khác thì đây chính là đóng góp chung của nhiều nhà khoa học, bởi trong quá trình thực hiện đề tài, tôi cũng đã nhận được sự hỗ trợ, cổ vũ, những chia sẻ quý báu từ các đồng nghiệp. Bản thân tôi đặc biệt trân trọng sự hợp tác ấy.

PV: PGS. TS có thể chia sẻ những ưu điểm vượt trội của công nghệ xử lý CTNH công nghiệp và y tế so với các công nghệ xử lý chất thải khác đang được áp dụng ở nước ta, cũng như tính ứng dụng của nghiên cứu trong thực tiễn  hiện nay?

PGS. TS. Trịnh Văn Tuyên: Công trình xử lý CTNH công nghiệp và y tế của tập trung vào hai đối tượng nghiên cứu chính là chất thải rắn và nước thải. Từ nhiều hướng, nhóm đã lựa chọn các công nghệ gồm: Đốt chất thải rắn độc hại; lọc sinh học nhỏ giọt thông khí tự nhiên; chế tạo vật liệu màng vi sinh vật dùng để xử lý nước thải; chế tạo vật liệu hấp thu trong xử lý khí thải để chế tạo các thiết bị xử lý chất thải nguy hại. Trải qua hơn 15 năm nghiên cứu, thực nghiệm, không ngừng cải tiến, nhóm tác giả đã thành công với công nghệ hệ thiết bị VHI-18B và IET-BF, lắp đặt tại hơn 50 cơ sở xử lý chất thải rắn nguy hại y tế, công nghiệp cùng hơn 25 cơ sở xử lý nước thải y tế trên cả nước như: Hệ thống lò đốt chất thải rắn VHI-18B, công suất 10 - 20 kg/h (tại Bệnh viện Lao Thái Nguyên, năm 2008); công suất 20 kg/h (tại Bệnh viện C Thái Nguyên, năm 2009); công suất 360 m3/ngày, đêm (tại Bệnh viện C Thái Nguyên, năm 2009); công suất 200 - 250 m3/ngày và 300 m3/ngày (tại Trạm xử lý nước thải Công ty giống bò sữa Mộc Châu, Sơn La, năm 2003 và 2009); Hệ thống xử lý nước thải IET-BF, công suất 130 m3/ngày, đêm (tại Bệnh viện tâm thần tỉnh Hưng Yên, năm 2009; Bệnh viện Quân Dân Y tỉnh Đồng Tháp, năm 2012)…

   Điểm vượt trội của công nghệ IET-BF (lọc sinh học nhỏ giọt cấp khí tự nhiên) là hiệu quả xử lý rất ổn định, càng hoạt động thì lớp màng sinh học bám dính trên bề mặt đệm sinh học càng rộng và dày thêm, hiệu suất xử lý tốt hơn. Mặt khác, do thiết kế tháp lọc sinh học rất đặc thù nên không cần thiết bị cung cấp không khí cho quá trình sinh học hiếu khí, chi phí xử lý thấp. Công nghệ phù hợp với việc xử lý nước thải bệnh viện và nước thải sinh hoạt. Đối với các loại hình nước thải khác thì cần kết hợp thêm với quá trình khác.

   Về hệ thống thiêu đốt chất thải rắn nguy hại, công nghệ được hoàn thiện nhiều, độ bền cao và được tự động hóa ở các bước vận hành. Toàn bộ hệ thống đều được module hóa nên việc vận chuyển và lắp đặt rất thuận tiện. Chi phí thấp hơn nhiều so với các hệ thống lò đốt khác và lò đốt nhập ngoại có cùng công năng xử lý.

   Có thể khẳng định, Công nghệ VHI-18B và IET-BF đang được ứng dụng hiệu quả trong xử lý chất thải y tế và công nghiệp ở nước ta hiện nay, với ưu điểm vượt trội là chi phí đầu tư, xử lý thấp; vận hành đơn giản, góp phần BVMT, nâng cao chất lượng sống cho người dân, tăng hiệu quả đầu tư, giảm chi phí xử lý.

   Với kết quả nghiên cứu này, nhóm tác giả đã được nhận nhiều bằng sáng chế như: Bằng độc quyền sáng chế số 4271 theo quyết định số A1734/QĐ-ĐK ngày 27/4/2004 của Cục Sở hữu trí tuệ cho “Lò đốt chất thải rắn độc hại”; Bằng độc quyền sáng chế số 11841 theo Quyết định số 54205/QĐ-SHTT ngày 30/9/2013 của Cục Sở hữu trí tuệ cho “Tháp lọc sinh học nhỏ giọt thông khí tự nhiên, hệ thống và phương pháp xử lý nước thải nhờ sử dụng tháp lọc này”; Bằng độc quyền giải pháp hữu ích số 1580 theo Quyết định số 68990/QĐ-SHTT ngày 3/10/2017 của Cục Sở hữu trí tuệ cho “Vật liệu mang vi sinh vật dùng để xử lý nước thải”.

 

PGS. TS. Trịnh Văn Tuyên (đứng thứ 5 từ trái sang) cùng các nhà khoa học nhận Giải thưởng Trần Đại Nghĩa năm 2019

 

PV: Trong quá trình nghiên cứu đề tài, PGS. TS và các đồng nghiệp có gặp khó khăn, thách thức gì không?

PGS. TS. Trịnh Văn Tuyên: Đến nay, các hệ thống vận hành ổn định tại các cơ sở nêu trên và nhóm đang tiếp tục hoàn thiện để tăng hiệu quả xử lý cũng như giảm chi phí đầu tư, chi phí vận hành. Nhớ lại giai đoạn ban đầu, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, kinh phí nghiên cứu ít, khó triển khai quy mô lớn trong thực tế; Các thiết bị làm việc ở nhiệt độ cao, với thành phần chất thải đa dạng, khí thải độc hại và phức tạp. Đặc biệt, thiết bị rất dễ bị hỏng hóc, chi phí cho việc bảo hành, bảo dưỡng cao. Nếu cơ sở tiếp nhận thiếu sự quan tâm, vận hành không đúng bài bản hướng dẫn dễ gây ảnh hưởng đến hệ thống lò đốt. Nhưng với mong muốn hệ thống được vận hành ổn định, cán bộ của chúng tôi vẫn sẵn sàng hỗ trợ các cơ sở vận hành thực hiện bảo hành, sửa chữa thiết bị kể cả khi đã hết trách nhiệm bảo hành.

    Ngoài ra, nhóm tác giả còn gặp khó khăn trong công tác quảng bá, thương mại hóa sản phẩm. Các nhà khoa học không có kinh nghiệm và e dè trong khâu maketing. Một khó khăn nữa là để một hệ thống xử lý môi trường hoạt động ổn định cần thiết phải có nhiều chuyên môn khác nhau chứ không chỉ trong lĩnh vực môi trường, ví dụ như chuyên môn chế tạo cơ khí, tự động hóa, điều khiển, lĩnh vực xây dựng…

   Cùng với đó là vấn đề nhân lực cho nghiên cứu khoa học. Trong bối cảnh chung thu nhập bình quân đầu người của nước ta còn thấp, rất nhiều người (dù có đam mê khoa học) vẫn phải bỏ dở vì gánh nặng cơm áo, gạo tiền. Vì thế mới nói, người làm khoa học phải hy sinh rất nhiều.

 

Sơ đồ công nghệ Hệ thống xử lý nước thải IET-BF

  Sơ đồ công nghệ Hệ thiết bị Lò đốt chất thải rắn VHI-18B
 

PV: PGS. TS có đề xuất, kiến nghị gì với cơ quan chức năng để công nghệ này được áp dụng rộng rãi tại Việt Nam?

PGS. TS. Trịnh Văn Tuyên: Thời gian gần đây, cùng với sự phát triển công nghiệp mạnh mẽ tại nhiều tỉnh, thành của đất nước đã đặt ra những thách thức lớn đối với công tác kiểm soát các nguồn thải, đòi hỏi phải tăng cường ứng dụng những công nghệ mới, hiện đại phục vụ cho công tác xử lý CTNH. Vì vậy, theo tôi, cần có chính sách hợp lý, khuyến khích sử dụng các sản phẩm KH&CN Việt Nam đã được làm chủ. Ngoài ra, cần hỗ trợ những công trình nghiên cứu khoa học có sản phẩm sở hữu trí tuệ nhiều tiềm năng ứng dụng vào thực tiễn. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, ngành, doanh nghiệp và toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của KH&CN, đặc biệt là các công nghệ thân thiện với môi trường để áp dụng rộng rãi; Tăng cường công tác tập huấn, nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ quản lý môi trường các cấp và cán bộ vận hành hệ thống xử lý môi trường tại các cơ sở chăn nuôi, sản xuất kinh doanh, bệnh viện, khu, cụm công nghiệp... về ứng dụng KH&CN trong xử lý môi trường. Các cơ quan chức năng cần tiếp tục triển khai thực hiện công tác phân loại rác tại nguồn để giảm khối lượng rác thải nguy hại, chi phí xử lý, kết hợp với tuyên truyền phổ biến về lợi ích thiết thực của công tác này, từ đó thay đổi nhận thức của người dân trong BVMT, sau đó phổ biến nhân rộng trong cộng đồng. Đồng thời, có chính sách thu hút, đa dạng hóa các nguồn đầu tư trong và ngoài nước; cơ chế hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ quan quản lý khoa học nghiên cứu, ứng dụng KH&CN sinh học trong phát triển kinh tế và BVMT; Cập nhật, phổ biến thông tin về các công nghệ tiên tiến trong sản xuất và BVMT để doanh nghiệp, cơ sở sản xuất lựa chọn đầu tư…

Xin cảm ơn PGS. TS.!

 

Mai Hương (Thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 6/2019)

 

     Nhằm phát huy tinh thần “Sáng tạo, trí tuệ và phụng sự Tổ quốc" của cố GS.VS. Trần Đại Nghĩa, đồng thời đưa trí tuệ Việt Nam vươn lên đỉnh cao của khoa học công nghệ, Viện Hàn lâm KH&CNVN đã tổ chức Giải thưởng Trần Đại Nghĩa, định kỳ 3 năm/lần, có quy chế mở, áp dụng đối với các nhà khoa học người Việt Nam và nước ngoài đã hoàn thành hoặc đang chủ trì công trình nghiên cứu xuất sắc thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín hoặc cấp bằng phát minh, bằng độc quyền sáng chế trong và ngoài nước; đã tổ chức triển khai ứng dụng các công trình đó ở Việt Nam; có đóng góp hoặc triển vọng đóng góp đem lại hiệu quả lớn về kinh tế - xã hội và an ninh - quốc phòng cho đất nước. Giải thưởng được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2016 và tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, tác động tích cực đến cộng đồng khoa học. Năm 2019, Giải thưởng được trao cho 10 nhà khoa học của 4 công trình xuất sắc: Nghiên cứu và phát triển công nghệ xử lý CTNH công nghệ và y tế; Nghiên cứu xây dựng quy trình công nhệ sản xuất vaccine cúm gia cầm subtype A/H5N1 ở Việt Nam; Nghiên cứu tổ hợp vật liệu đặc chủng phục vụ chế tạo bộ hỗ trợ chiến đấu cho người lính và lõi đạn xuyên động năng 85 mm; Nghiên cứu chọn tạo giống lúa phục vụ đồng bằng sông Cửu Long.

 

Ý kiến của bạn