20/11/2018
Với ý tưởng sáng tạo, mang tính ứng dụng thực tế cao, đề tài “Hệ thống giám sát, cảnh báo mức độ ô nhiễm môi trường không khí trong khu công nghiệp và khu đô thị” của nhóm sinh viên Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng đã đạt giải Nhì cuộc thi “Sinh viên nghiên cứu khoa học” do Bộ KH&CN và Bộ GD&ĐT tổ chức.
Hiện nay, tình trạng ô nhiễm diễn ra nghiêm trọng ở các đô thị lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh hay tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp… nhưng hiện cả nước mới chỉ có khoảng 40 - 50 trạm quan trắc chất lượng không khí tự động được lắp đặt cố định có kích thước lớn, phạm vi giám sát nhỏ và người dân không thể tiếp cận với tình trạng không khí tại khu vực xung quanh mình sinh sống… Xuất phát từ thực tế đó, nhóm đã cùng nhau lên kế hoạch nghiên cứu, sáng chế hệ thống kiểm soát ô nhiễm không khí thông minh.
Theo đó, nhóm sinh viên Khoa Điện tử -Viễn thông, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng gồm: Trần Hữu Anh, Huỳnh Ngọc Thương và Nguyễn Phước Ngưỡng Thiện đã tiến hành nghiên cứu, sáng chế hệ thống quan trắc không khí tự động chạy bằng năng lượng mặt trời với tính năng nhỏ gọn, thông minh, có thể di chuyển được nhiều vị trí, giúp người dân dễ dàng tiếp cận với thông tin và kiểm soát tình trạng ô nhiễm không khí trên các thiết bị hiện đại.
Hệ thống giám sát, cảnh báo mức độ ô nhiễm môi trường không khí trong khu công nghiệp và khu đô thị hoạt động như một hệ thống đo chất lượng không khí và cảnh báo tại chỗ các mức độ ô nhiễm không khí khác nhau. Cấu trúc của hệ thống gồm các module cảm biến, khối ngoại vi, tấm pin năng lượng mặt trời để sạc cho bình ắc quy, bo mạch chính và hệ thống xử lý trung tâm. Khi không khí ở mức ô nhiễm nghiêm trọng, hệ thống sẽ kích hoạt chế độ cảnh báo tới người dùng bằng cách thực hiện gửi tin nhắn với những nội dung bao gồm: Thời gian, vị trí tọa độ điểm đo, giá trị cảm biến đo được. Ngay lập tức, người dùng sẽ cập nhật ngay tình hình ô nhiễm môi trường không khí tại khu vực hệ thống đang đo. Thiết bị có thể hoạt động bằng năng lượng mặt trời, góp phần tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường.
Ngoài việc đo giám sát mức độ ô nhiễm không khí, hệ thống còn có một số chức năng khác như cảnh báo kẹt đường, các tuyến đường bị ngập nước, cảnh báo sớm trên các tuyến đường…
Thiết bị này đã được thử nghiệm trên nóc của xe buýt của Đà Nẵng (tuyến Đà Nẵng – Phú Đa) có thể hoạt động liên tục 24/24h và cho kết quả kiểm định nồng độ của không khí toàn TP. Đà Nẵng. So với các hệ thống quan trắc không khí sẵn có hiện nay, hệ thống của nhóm có nhiều ưu việt là có thể đo đạc các thông số ô nhiễm môi trường ở phạm vi rộng lớn và người dân bình thường cũng có thể dễ dàng tiếp cận thông tin trên các thiết bị thông minh, chi phí cũng tiết kiệm hơn rất nhiều. Nếu được ứng dụng rộng rãi, hệ thống này sẽ góp phần BVMT cho TP. Đà Nẵng, đây cũng là tiêu chí mà TP đang hướng đến: “Xây dựng Đà Nẵng trở thành TP môi trường”.
Quỳnh Như