Banner trang chủ

Sự tham gia của các tổ chức khoa học và công nghệ ngoài Nhà nước trong kiểm soát ô nhiễm nước

25/06/2014

     Các tổ chức khoa học và công nghệ (KH&CN) ngoài Nhà nước có vị trí và vai trò quan trọng trong hệ thống KH&CN. Sự phát triển của KH&CN không chỉ đáp ứng nhu cầu xã hội hóa các hoạt động KH&CN mà còn là tác nhân thúc đẩy phát triển KH&CN và đóng góp cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

 

 

Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật tỉnh Đồng Nai tổ chức Chương trình truyền thông

nâng cao nhận thức BVMT năm 2012

 

     Là một trong những tổ chức thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), các tổ chức KH&CN hoạt động trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, trong các hoạt động về BVMT, vấn đề kiểm soát ô nhiễm nước (KSONN) được phản ánh qua một số hoạt động cụ thể như:

     Tuyên truyền, giáo dục, vận động cộng đồng tham gia BVMT nước

    Được thành lập ở tất cả các tỉnh thành trong cả nước và với lợi thế tiếp xúc trực tiếp với cộng đồng nên việc tuyên truyền, vận động cộng đồng tham gia các hoạt động BVMT nói chung và BVMT nước nói riêng trở thành thế mạnh trong hoạt động của các tổ chức KH&CN ở VUSTA. Nội dung tuyên truyền bao gồm các chính sách, pháp luật về BVMT như Luật BVMT, Luật Tài nguyên nước, Luật Đa dạng sinh học, tình hình ô nhiễm nước, biện pháp phòng chống và xử lý ô nhiễm nước. Song song với công tác tuyên truyền là vận động cộng đồng bảo vệ nguồn nước, chống gây ô nhiễm nước, chống lấn chiếm bờ sông, hồ…

     Đặc biệt, các hoạt động truyền thông được kết hợp với hơn 150 đầu báo và tạp chí của VUSTA, kịp thời truyền tải các thông tin về môi trường cũng như những giải pháp ô nhiễm nước.

     Trong thời gian qua, các tổ chức của VUSTA đã thực hiện nhiều hoạt động đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức cho người dân và cán bộ xã/phường về bảo vệ và phát triển bền vững TN&MT như nâng cao nhận thức cho người Mường về việc bảo tồn đa dạng sinh học, tập huấn cho người dân bảo vệ các hồ ở Hà Nội, tập huấn cho các hộ chăn nuôi gia súc xây dựng hầm biogas ở Hà Tây (cũ) và tái chế rác thải sinh hoạt thành phân vi sinh ở Vĩnh Phúc... góp phần nâng cao nhận thức BVMT của cộng đồng.

     Hỗ trợ người dân xây dựng các công trình cung cấp nước sạch, xử lý ô nhiễm nước thải sinh hoạt và chăn nuôi

     Chỉ tính riêng các hoạt động BVMT từ ngân sách Nhà nước, trong 5 năm gần đây, các tổ chức KH&CN của VUSTA đã thực hiện 55 dự án BVMT trong đó phần lớn là hỗ trợ người dân xây dựng các công trình cung cấp nước sạch, xử lý ô nhiễm nước thải chăn nuôi như mô hình xử lý nước sinh hoạt nhiễm ASEN bằng thiết bị lọc nano ở Giao Thủy, Nam Định; cung cấp nước sinh hoạt bằng thiết bị lọc gốm sứ ở Nghệ An; xử lý nước thải làng nghề và nước thải chăn nuôi ở Hà Tây; xử lý nước thải chợ quê ở Bắc Ninh, mô hình bảo vệ các hồ Hà Nội dựa vào cộng đồng... Qua đó, giảm thiểu mức độ ô nhiễm nước và ô nhiễm môi trường tại cộng đồng, tạo nguồn năng lượng sạch (biogas) cho các hộ gia đình chăn nuôi quy mô lớn.

     Điều tra, đánh giá tác động môi trường

     Trong 5 năm qua, 24 dự án điều tra, đánh giá tác động môi trường (chiếm gần 50% tổng số dự án) đã được các tổ chức của VUSTA thực hiện. Các dự án này tập trung điều tra các tai biến, sự cố, rủi ro môi trường, ô nhiễm môi trường nước, các tác động môi trường của các hoạt động kinh tế, đầu tư. Chẳng hạn như điều tra tình trạng sụt lở trượt đất trên các quốc lộ vùng tây Bắc; điều tra ảnh hưởng địa động lực đến các công trình thủy điện Sơn La, sông Đà, sông Tranh... Các dự án điều tra và đánh giá tác động môi trường không chỉ cung cấp các cơ sở dữ liệu về môi trường đất, nước, không khí, địa chất, địa lý, các tác động môi trường và sự cố môi trường mà còn tư vấn lập các quy hoạch môi trường. Kết quả của các dự án này giúp cho địa phương có cơ sở để hoạch định chính sách phát triển kinh tế cũng như có những giải pháp khắc phục ô nhiễm và suy thoái môi trường.

     Tư vấn, phản biện chính sách pháp luật về KSONN

     Với chức năng tư vấn, phản biện và giám định xã hội, các tổ chức KH&CN đã tham gia góp ý xây dựng Luật Tài nguyên nước, Luật Đa dạng sinh học, Luật BVMT (sửa đổi) thông qua việc tổ chức hàng loạt các hội nghị, hội thảo và cung cấp các kết quả nghiên cứu thực tế. Đặc biệt, mạng lưới các tổ chức phi chính phủ (NGOs) Việt Nam về ứng phó biến đổi khí hậu đã phối hợp với Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu tiến hành các dự án đánh giá hiện trạng và xây dựng mô hình ứng phó biến đổi khí hậu tại cộng đồng cho các vùng thường xuyên bị lũ lụt và hạn hán. Đồng thời, VUSTA đã phối hợp với Liên minh Nước sạch tổ chức Hội thảo “KSONN tại Việt Nam: thực tiễn và chính sách” để đưa ra các khuyến nghị về quy định KSONN trong Luật BVMT (sửa đổi) và tiến hành xây dựng Luật KSONN trong thời gian tới. Các ý kiến góp ý và tư vấn xây dựng chính sách pháp luật về BVMT của các tổ chức đã được các Bộ, ngành đánh giá cao về cơ sở khoa học và thực tiễn cũng như tính khả thi.

     Các bài học và định hướng hoạt động của các tổ chức KH&CN trong bảo vệ tài nguyên nước

     Trong bối cảnh nguồn tài nguyên nước quý hiếm và quan trọng đang phải đối mặt với nguy cơ ô nhiễm và cạn kiệt, đặc biệt là thiếu nước sạch đang là một hiểm họa lớn đối với đời sống và phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam thì các biện pháp bảo vệ và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên nước cần tập trung vào các nội dung: Sử dụng nước tiết kiệm và đúng mục đích; Chống lãng phí thất thoát nước; Chống làm ô nhiễm nguồn nước; Khai thác nguồn nước có kế hoạch để tạo điều kiện tích lũy nguồn nước.

     Đối với các tổ chức KH&CN của VUSTA, cần đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương xã hội hóa công tác bảo vệ tài nguyên nước, đưa ra các biện pháp nhằm kêu gọi tất cả các thành viên trong xã hội nâng cao ý thức, cùng hành động tích cực bảo vệ nguồn tài nguyên nước; Phổ biến thông tin về nguồn nước cho người dân cộng đồng và địa phương nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ nguồn nước; Nghiên cứu các phương thức thích hợp để bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên nước, khắc phục tình trạng thiếu nước cho nhu cầu sinh hoạt và sản xuất, bao gồm các giải pháp sử dụng tiết kiệm, hợp lý tài nguyên nước. Đối với các tổ chức khoa học công nghệ làm dịch vụ cung cấp nước sạch và nước sản xuất, cần tăng cường sử dụng nước mặt (nước sông, hồ …), nước từ các công trình cấp nước công cộng để hạn chế khai thác nước dưới đất và tránh gây ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước. Nếu có công trình khai thác nước dưới đất thì phải khai thác đúng kỹ thuật và sử dụng hợp lý, tiết kiệm.

     Đồng thời, thực hiện các nghiên cứu, dự án về nguồn nước, đánh giá tình trạng ô nhiễm nước, tìm nguyên nhân và ảnh hưởng của ô nhiễm nước đến sức khỏe người dân; Xây dựng và phát triển mạng lưới các NGOs Việt Nam về bảo vệ tài nguyên nước, nhằm thúc đẩy các hoạt động về tăng cường và nâng cao nhận thức tài nguyên nước, tổ chức hội nghị, hội thảo về KSONN. Bên cạnh đó, thúc đẩy việc quản lý nước bền vững với sự tham gia của người dân.

 

Ngô Thuần Khiết

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề kiểm soát ô nhiễm nước

tại Việt Nam - cơ hội và thách thức

 

Ý kiến của bạn