Banner trang chủ

Sắp triển khai mô hình “Thu gom vỏ hộp sữa” tại các trường học

15/07/2020

    Nằm trong Kế hoạch thực hiện triển khai phân loại chất thải rắn tại nguồn trên địa bàn thành phố năm 2020, Sở TN&MT Đà Nẵng đã có buổi làm việc với các chuyên gia, Sở, ngành và đơn vị liên quan về hoàn thiện xây dựng Kế hoạch triển khai “Mô hình thu gom vỏ hộp sữa tại trường học”.

    Hàng ngày, mỗi em học sinh mang tối thiểu 1 hộp sữa tới trường để uống, nếu thu gom mỗi em 1 hộp/ ngày mỗi tháng sẽ thu gom 10 tấn vỏ hộp sữa. Đây là con số lớn góp phần vào công tác phân loại và tái chế chất thải rắn (CTR), giảm lượng CTR xử lý tại bãi rác Khánh Sơn.

   Theo Kế hoạch, vỏ hộp sữa hàng ngày sau khi xử lý sơ bộ sẽ được tập kết tại trường, đóng gói cẩn thận theo đúng yêu cầu của đơn vị thu gom. Đối với các trường có khối lượng vỏ hộp sữa thu hồi lớn hơn 50 kg/tuần thì được thu gom trực tiếp tại trường vào giờ cố định cuối tuần. Đối với các trường hoặc cơ sở nhóm trẻ độc lập tư thục có lượng vỏ hộp sữa thu hồi không đáng kể (< 50 kg/tuần) thì nhà trường chủ động mang đến địa điểm tập kết chung do Công ty Cổ phần Môi trường Đà Nẵng quyết định vào cuối tuần để được thu gom.

    Việc thu gom lượng hộp sữa đã tập kết phải được bố trí, sắp xếp vào cuối tuần (Thứ 7 và Chủ nhật) để hạn chế ảnh hưởng đến hoạt động giảng dạy của nhà trường và hạn chế ảnh hưởng từ hoạt động giao thông công cộng, đặc biệt là những trường ở trung tâm thành phố. Tuyến và lịch thu gom cụ thể sẽ được sắp xếp sau khi ước tính khối lượng và thể tích vỏ hộp sữa thu hồi từ các đơn vị trường học cũng như vị trí tập kết chung của địa phương. Sau khi thu hồi, vỏ hộp sữa phải được đóng kiện và tập kết tại kho chất thải rắn tái chế (do Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị Đà Nẵng bố trí).

    Việc vận chuyển lượng vỏ hộp sữa đã thu hồi cho đơn vị tái chế (Công ty Tetra Park) được thực hiện bởi Công ty Lagom. Công ty Lagom sẽ được giao nhận lượng vỏ hộp sữa đã được thu hồi, đóng kiện từ Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị Đà Nẵng theo định kỳ (1 tháng/lần; Lagom trả phí 2.500/ký cho Công ty Môi trường đô thị) tại vị trí tập kết chất thải rắn tái chế. Số liệu giao dịch phải được ghi nhận và cáo cáo cho các cơ quan quản lý có thẩm quyền.

    Mô hình “Thu gom vỏ hộp sữa” sẽ triển khai tại 300 trường mầm non và nhóm trẻ độc lập tư thục trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Theo kế hoạch, đến tháng 7/2020, hoàn thành việc khảo sát về khối lượng, thành phần, phí thu gom CTR từ 300 trường. Đến tháng 8/2020, sẽ hoàn thành việc thiết kế và lắp đặt pa nô, áp phích truyền thông tại các cơ sở trường học; chuẩn bị các sổ tay, tài liệu hướng dẫn cụ thể phân loại và tập kết vỏ hộp sữa; trang bị các dụng cụ, vật tư tại các trường học và địa điểm tập kết đảm bảo đúng yêu cầu kỹ thuật và vệ sinh môi trường trong quá trình phân loại và tập kết hộp sữa.

 

Phương thức triển khai “Mô hình thu gom vỏ hộp sữa tại trường học”

 

   “Thu gom vỏ hộp sữa” là mô hình rất có ý nghĩa, góp phần từng bước giáo dục ý thức cho trẻ về sự cần thiết của tái chế và hướng dẫn kỹ năng phân loại rác thải; Giúp trẻ hình thành nhận thức và thái độ tích cực đối với rác thải. Đồng thời, nâng cao nhận thức, phát triển kỹ năng của cán bộ, nhân viên trong các trường học về phân loại rác tại nguồn, thu hồi và tái chế rác tài nguyên.

   Tại cuộc họp, đại diện Sở TN&MT Đà Nẵng đề nghị, trong kế hoạch cần làm rõ phạm vi thời gian và phạm vi không gian, vừa khảo sát hiện trạng vừa xây dựng quy trình thu gom cho cụ thể hơn về sơ đồ mạng lưới thu gom, tập kết. Bên cạnh đó, Công ty Môi trường đô thị Đà Nẵng lên dự toán kinh phí phục vụ công tác thu gom, vì có một phần xử lý ép khuôn cần phải đầu tư máy ép khuôn, nếu Công ty Môi trường đô thị Đà Nẵng không đầu tư được máy ép thì có thể thuê doanh nghiệp tham gia để thuê máy ép khuôn rác thải của doanh nghiệp.

 

Hương Mai

Ý kiến của bạn