17/06/2015
Mới đây, Công ty TNHH Xi măng Holcim Việt Nam đã tự hào giới thiệu Trạm phát điện tận dụng năng lượng nhiệt thải công suất 6,3 MW, một trong những mô hình phát điện tận dụng nhiệt thải đầu tiên tại Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Công Minh Bảo, Giám đốc Phát triển Bền vững của Công ty, trạm phát điện này có vốn đầu tư trị giá gần 18 triệu USD, đi vào hoạt động từ cuối năm 2012, có khả năng đáp ứng 25% nhu cầu điện năng cho Nhà máy xi măng Hòn Chông, tương đương với nhu cầu sử dụng điện của 1.830 hộ gia đình trong 1 năm. Không chỉ thế, lượng điện năng này còn được hòa với mạng lưới điện quốc gia, giảm bớt áp lực từ tình trạng thiếu điện hiện nay.
Tương tự, Nhà máy xi măng Hà Tiên 2 cũng xây dựng Trạm phát điện nhiệt khí thải, áp dụng công nghệ biến khí thải thành điện năng với công suất 2.950 kW, được lắp đặt vào dây chuyền xi măng hệ khô lò quay công suất clinker 3.000 tấn/ngày tại Nhà máy xi măng Hà Tiên 2, phát ra 105 triệu kWh, giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, tiết kiệm năng lượng và BVMT.
Nơi tiếp nhận rác thải của Nhà máy xi măng Hòn Chông, thuộc Công ty TNHH Xi măng Holcim Việt Nam
Theo các chuyên gia môi trường, biến rác thải thành điện năng không còn xa lạ gì với các nước trên thế giới. Những năm trở gần đây, năng lượng từ chất thải đã được công nhận và nhiều quốc gia trên thế giới coi chất thải là tài nguyên, là nguồn năng lượng thay thế. Một số quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Myanma, Singapo, Nhật Bản coi xử lý chất thải là một ngành công nghiệp phát triển, mang lại nhiều lợi nhuận, không chỉ tạo ra nguyên liệu để sản xuất điện năng mà còn tiết kiệm nhiều tài nguyên thông qua việc tái chế giấy, kim loại, nhựa... Theo các chuyên gia, có nhiều cách để biến rác thải thành năng lượng sạch, hiện nay, việc sử dụng công nghệ không đốt đang là xu thế của thế giới. Ưu điểm của công nghệ này là phát huy được hiệu quả cao đối với các chất thải lây nhiễm, chi phí vận hành thấp, không gây ô nhiễm môi trường thứ phát; có thể sử dụng với quy mô nhỏ, hoặc quy mô lớn.
Việt Nam được các chuyên gia đánh giá là quốc gia có tiềm năng rất lớn trong việc phục hồi năng lượng từ chất thải. TS. Nguyễn Huy Hoàn, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương cho biết, trung bình mỗi ngày, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh của cả nước hiện khoảng 76.000 tấn/ngày. Hiện nay, một số tỉnh, thành phố như Bắc Giang, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long... đã đầu tư nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt, xây dựng các nhà máy chế biến từ rác thải rắn sinh hoạt thành phân hữu cơ sinh học (compost), khí sinh học (biogas). Riêng TP. Hồ Chí Minh, từ tháng 6/2015, TP kêu gọi đầu tư Dự án xây dựng 1 nhà máy sản xuất phân compost từ rác, công suất 1.000 tấn/ngày (diện tích xây dựng khoảng 23 ha) và Dự án đầu tư xây dựng 2 nhà máy đốt chất thải rắn sinh hoạt kết hợp phát điện với công suất 1.000 tấn rác/ngày/1 nhà máy (khoảng 20 ha) tại Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Phước Hiệp (Chuyện Củ Chi).
Uyên Hoàng