Banner trang chủ

Sáng chế xử lý rác thải sinh hoạt thành hàng hóa

11/03/2020

     Những năm gần đây, tại Việt Nam, cùng với quá trình phát triển kinh tế và dân số tăng nhanh, đã kéo theo sự gia tăng các loại rác thải, điều này dẫn đến việc môi trường ngày càng bị ô nhiễm, làm giảm chất lượng sống của con người cũng như mất mỹ quan đô thị, vì vậy, xử lý rác thải là vấn đề cấp bách của toàn xã hội. Qua tìm hiểu thực tế về tình hình rác thải tại địa phương và các tỉnh trong cả nước cũng như nghiên cứu tổng quan về những giải pháp đã được nhiều nước tiên tiến trên thế giới áp dụng, nhằm biến rác thải sinh hoạt (RTSH) thành nguồn tài nguyên, ông Đỗ Chí Lệ, sinh năm 1959, hiện đang sinh sống tại thị trấn Quỳnh Côi, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình đã thành công với ý tưởng dùng nước và tác động lực cơ học để phân loại, chế tạo ra hệ thống góp phần xử lý triệt để, biến RTSH thành hàng hóa, đồng thời tận dụng tối đa nguồn tài nguyên rác thải để chế biến thành phân vi sinh, sản xuất hạt nhựa, làm gạch Block thân thiện với môi trường.

 


Ông Đỗ Chí Lệ (thứ 2 từ trái sang) nhận Giải thưởng Tự học thành tài - Nhân tài đất Việt năm 2019

 

     Sáng chế của ông Đỗ Chí Lệ dựa trên Định luật Acsimet đã được áp dụng nhiều trong các ngành công nghiệp. Từ cơ sở khoa học là lực đẩy Acsimet, ông Lệ đã tập trung nghiên cứu phương pháp dùng nước để phân loại rác. Nguyên lý của phương pháp này là rác thải (thành phần hỗn hợp của rất nhiều chất khác nhau), có trọng lượng riêng, khi dùng lực cơ học sẽ tách các chất ra riêng biệt. Sau nhiều nỗ lực, ông đã xây dựng thành công Nhà máy xử lý RTSH công nghệ TTD-01 tại thị trấn Quỳnh Côi, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Nhà máy đi vào hoạt động từ tháng 7/2016, góp phần xử lý toàn bộ rác thải tại thị trấn Quỳnh Côi và 25 xã, thị trấn khác trong tỉnh. Đến nay, sau hơn 3 năm vận hành, Nhà máy đã đạt được nhiều kết quả hơn mong đợi, cả 4 quy trình: Xử lý, phân loại, sản xuất thành phẩm và xử lý nước thải đều vận hành tốt, cho kết quả cao. Hơn nữa, vật tư thay thế đơn giản, thuận tiện, không phải chờ đợi linh kiện từ nước ngoài. Rác thải được đưa về Nhà máy, sau đó phân loại thành rác hữu cơ, vô cơ, chất thải rắn. Qua hệ thống, rác hữu cơ được xử lý thành phân hữu cơ vi sinh, phục vụ hoạt động sản xuất nông nghiệp. Sản phẩm phân hữu cơ đã được Viện Thổ nhưỡng nông hoá - Bộ NN&PTNTT đánh giá cao về chất lượng phân bón cho các loại cây trồng, có sức tăng trưởng nhanh và đạt năng suất cũng như chất lượng cao hơn từ 15 - 20% so với các loại phân hiện đang dùng trong ngành nông nghiệp. Về mặt kinh tế, giải pháp này đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực khi giá thành thiết bị và phụ tùng thay thế được chế tạo trong nước với chi phí thấp, chỉ bằng 5 - 10% so với giá thành thiết bị nhập khẩu; tổng mức đầu tư khoảng 360 triệu đồng/tấn rác, thấp hơn nhiều so với 570 triệu/tấn theo Quyết định số 322/QĐ-BXD của Bộ Xây dựng về việc công bố suất vốn đầu tư xây dựng và mức chi phí xử lý chất thải rắn sinh hoạt… Đồng thời, góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân nơi có nhà máy xử lý rác thải, với 50 lao động/nhà máy, mức lương 6 triệu đồng/người/tháng; giảm thiểu tác hại đến sức khỏe cho người lao động trực tiếp xử lý rác; loại bỏ rác thải là túi ni lông ra môi trường… Bên cạnh đó, tận dụng được nguồn tài nguyên rác để tái tạo thành các sản phẩm hữu ích cho xã hội. Hiện trung bình mỗi năm, Nhà máy sản xuất được 8.000 tấn phân hữu cơ vi sinh với giá bán 3.000đ/1kg; 2000 tấn hạt nhựa, giá bán 10.000đ/1kg. Đến tháng 6/2019, đã có nhiều tỉnh trên cả nước đăng ký đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý rác thải theo công nghệ TTD-01 như Đắc Nông, Bắc Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang...

      Từ những thành công của các nghiên cứu, năm 2016 - 2017, ông Đỗ Chí Lệ đã vinh dự đạt Giải nhất tại Hội thi Sáng tạo khoa học công nghệ kỹ thuật tỉnh Thái Bình lần thứ VII; Năm 2017 được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ chấp nhận đơn hợp lệ với tên sáng chế “Bể phân loại rác hệ thống quy trình xử lý RTSH không chôn lấp”; Năm 2018 - 2019 ông tiếp tục được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ chấp nhận đơn hợp lệ với tên sáng chế “Hệ thống xử lý nước thải sau khi xử lý rác thải”. Ông cũng được Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cấp Giấy chứng nhận sản phẩm máy phân loại, xử lý rác thải thành hàng hóa công nghệ TTD-01 và trưng bày tại Triển lãm “Tự hào trí tuệ Việt Nam khu vực đồng bằng Sông Hồng năm 2018”. Đặc biệt, với một bảng thành tích “đáng nể”, ông Đỗ Chí Lệ đã được Hội Khuyến học tỉnh Thái Bình đề nghị Trung ương Hội khuyến học Việt Nam xét duyệt Đề án sáng chế “Xử lý RTSH thành hàng hóa” để trao Giải Khuyến tài - Giải thưởng Nhân tài đất Việt năm 2019. Sau khi thẩm định Đề án thực tế, Trung ương Hội khuyến học Việt Nam đã quyết định trao Giải thưởng Nhân tài đất Việt năm 2019 về lĩnh vực Tự học thành tài cho ông Đỗ Chí Lệ. Theo đánh giá của GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hội khuyến học Việt Nam, Đề án sáng chế “Xử lý RTSH thành hàng hóa” của ông thể hiện tính đa năng, có giá trị về khoa học công nghệ; đạt các hiệu quả về kinh tế, xã hội, môi trường và đã được ứng dụng vào thực tiễn, phục vụ sản xuất, góp phần xóa đói, giảm nghèo, cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.

 

Gia Linh

 


 

 


 

 

Ý kiến của bạn