Banner trang chủ

Quy hoạch cây xanh cho các tuyến đường bộ hướng tới phát triển đô thị xanh bền vững

07/10/2015

   1. Lợi ích của cây xanh đối với môi trường

   Cây xanh ngày càng có vai trò quan trọng và trở thành tiêu chí cần có cho những đoạn đường đi qua khu vực dân cư và trong việc phát triển giao thông bền vững. Bởi lẽ, cây xanh có tính năng cải thiện môi trường không khí và khí hậu rất tốt trên các tuyến đường bộ. Cây xanh hai bên đường phố có thể giảm lượng bụi trong không khí đối với những tầng trên của nhà cao tầng từ 30 - 60%. Cây xanh làm giảm thiểu khí nhà kính, làm giảm phản xạ bức xạ mặt trời ra xung quanh. Theo các tài liệu nghiên cứu, trung bình 1 ha rừng hay vườn cây rậm rạp có thể hấp thụ 1.000kg CO2 và thải ra 730kg O2 mỗi ngày. Như vậy, mỗi người dân đô thị cần diện tích khoảng 10m2 cây xanh hoặc 25m2 thảm cỏ để đảm bảo không khí trong lành cho cuộc sống.

   Cây xanh có khả năng hấp thụ tiếng ồn và phụ thuộc vào dải cây xanh rậm rạp hay thưa thớt, rộng hay hẹp, cao hay thấp, lá dầy hay mỏng, lá rộng hay bé... Cây xanh có tác dụng sát trùng, diệt một số vi trùng, vi khuẩn độc hại, hấp thụ các khí độc hại và đảm bảo vệ sinh môi trường.

   Đối với cảnh quan tuyến đường, hệ thống cây xanh làm tăng thẩm mỹ cảnh quan, tạo ra cảm giác êm dịu về màu sắc và môi trường khí hậu thanh bình.

   2. Quy hoạch cây xanh phù hợp với hệ thống giao thông và đô thị

   Trong 10 năm qua, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông nước ta phát triển theo chiều hướng mở rộng về quy mô, nâng cao về chất lượng. Tuy nhiên, cho đến nay ở Việt Nam việc quy hoạch cây xanh cho các tuyến đường bộ vẫn chưa có công trình nghiên cứu hoặc văn bản nào quy định cụ thể. Việc trồng cây dọc các tuyến đường phần lớn đều mang tính chủ quan của chủ đầu tư mà chưa mang tính quy hoạch lâu dài và chú ý đến giải pháp BVMT.

   Để phát triển các dải cây bên đường giao thông không thể tiến hành một cách tùy tiện, mà cần phải đảm bảo một số nguyên tắc: Đảm bảo độ phủ xanh, diện tích xanh, số cây xanh… cho từng khu vực, đặc biệt là đoạn đi qua khu đông dân cư - nơi diện tích nhỏ nhưng mật độ dân cư lớn, làm nảy sinh nhiều vấn đề liên quan đến vệ sinh môi trường. Các tiêu chuẩn này phụ thuộc vào số dân, sự phân bố dân cư, các hoạt động sản xuất, xây dựng, lượng xe lưu thông trên tuyến đường… Đồng thời, việc bố trí trồng cây, phát triển cây xanh phải đảm bảo yêu cầu cải thiện môi trường, chú ý đến việc ngăn chặn sự lan tỏa của các chất gây ô nhiễm, tiếng ồn từ các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất, cơ sở tiểu thủ công nghiệp, xe cộ, giao thông. Cần tính đến tính liên tục của hệ thống cây xanh trong tổng thể tuyến đường. Các thành phần của cây xanh bao gồm: Cây vỉa hè, cây ở dải phân cách, cây trồng phủ xanh taluy đường.

   Kết hợp điều kiện tự nhiên, đặc điểm khí hậu như hướng gió, tốc độ, chế độ nhiệt, lượng mưa, tính chất đất đai... khi bố trí trồng cây, phát triển cây xanh cho từng khu vực, trên cơ sở “đất nào cây ấy”, đặc biệt chú ý đến đất đai đã thay đổi cấu trúc bởi các công trình xây dựng. Kết hợp với các di tích lịch sử, di tích văn hóa, danh lam thắng cảnh, vì đó là một bộ phận của hoạt động nghỉ ngơi giải trí, giáo dục văn hóa cho dân cư.

   Cây xanh dọc các tuyến đường bộ không nhất thiết phải phân bố đều, mà có thể được phát triển ở những nơi thu hút đông đảo dân cư nhất. Nguyên tắc này còn là phương châm “mềm dẻo” bởi nó phù hợp với thực tiễn phát triển của xã hội, nhất là nội thành - nơi mọi vị trí kiến trúc về cơ bản đã được an bài. Đối với những cây xanh đã tồn tại cần thay thế các loại cây trồng 2 bên đường không phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai, an toàn giao thông, văn hóa dân cư... Trồng mới cây xanh trên các đoạn đường mới mở, cải tạo trên mỗi một tuyến đường nên trồng một loại cây nhằm tạo nên nét đặc trưng của tuyến. Trên đoạn đường đi qua giữa trung tâm thành phố cần chú ý phát triển cây xanh hai bên vỉa hè. Nếu điều kiện cho phép nên phát triển những đai cây xanh cách ly giữa tuyến đường này với khu dân cư. Những đai cây xanh này ngoài những cây thân gỗ còn có thể phối kết với các cây bụi, bồn hoa, thảm cỏ. Chúng vừa có tác dụng tạo cảnh quan vừa góp phần chống ồn, chống rung, ngăn cản bụi, làm giảm tác động xấu đến đời sống khu dân cư.

   Tại các vòng xoay, đảo giao thông trên các tuyến đường trong thành phố có thể xây dựng các bồn nước động, phối kết với bồn hoa hoặc thảm cỏ, tránh trồng các loại cây cao dễ làm che khuất tầm nhìn, nhằm tăng vẻ sinh động và tạo cảnh quan cho đô thị. Tránh việc xây dựng đảo giao thông là các khối bê tông trơ trọi.Mặt khác, muốn làm công tác quản lý cây xanh, phải nắm được tác dụng của cây xanh về mọi mặt (vệ sinh, cải tạo khí hậu...), những ảnh hưởng đến đời sống của con người và phải có những biện pháp để đạt tới những mục đích lâu dài và bền vững.Một số tiêu chuẩn chọn cây trồng vỉa hè: Cây có thân thẳng tự nhiên, gỗ tốt, không giòn, dễ gãy bất thường gây tai nạn. Cây có tán, cành lá gọn, rễ cái và phần lớn bộ rễ ăn sâu trong đất, giữ cây vững chắc, khó bị chúc đổ. Không có hoặc ít rễ ăn nổi gần mặt đất để tránh làm hư hại vỉa hè, mặt đường và công trình xây dựng xung quanh gốc cây. Lá có bản rộng, hoa, quả không hấp dẫn ruồi nhặng làm ảnh hưởng đến vệ sinh…

   Vòng đời sống cây tương đối dài để đỡ tốn kém khi phải trồng lại. Có sức phát triển chiều cao tương đối nhanh, không quá chậm để sớm phát huy tác dụng. Cây có sức chống chịu tốt với điều kiện tự nhiên và sâu hại phá hoại.Cây có khả năng chống vi khuẩn trong không khí, cây có giá trị kinh tế. Các tiêu chuẩn cần lựa chọn linh hoạt vì khó chọn được loài cây đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn đó. Lưu ý các tiêu chuẩn về thân, rễ, lá. Nên chú ý tạo nét riêng cho mỗi con đường bằng loài đặc trưng và trên một đường hay một đoạn dài nên trồng một loài cây để vừa dễ chăm sóc, vừa đẹp và cần trồng thẳng hàng.

   Bên cạnh việc quy hoạch cây xanh phù hợp hệ thống giao thông, Việt Nam đang hướng tới quy hoạch cây xanh phù hợp với đô thị. Hiện tại, diện tích cây xanh công cộng trong các đô thị nước ta rất nhỏ bé so với QCXD 01:2008 của Bộ Xây dựng, cũng như so với các thành phố lớn ở nước ngoài như ở bảng dưới.

   Muốn đạt được mục tiêu trên, cây xanh trồng ở các khu đô thị phải là các cây thân gỗ có tán lá rộng rậm rạp và ít rụng lá, dày là loại cây chủ đạo dùng trong việc tổ chức cây xanh đường phố. Mỗi khu đô thị nên trồng cùng một loại cây tạo nên nét đặc trưng của từng phố trong đô thị.

   Trên các đường chính trong khu đô thị có thể tổ chức vườn cây chạy dọc giữa đại lộ hoặc hai bên hè phố.Trong các vườn cây này, cây thân gỗ có tán phải được trồng kết hợp với cây bụi, bồn hoa, thảm cỏ. Cũng có thể bố trí ở đây các bồn nước tĩnh theo nhiều hình thức phối kết với cây xanh để tạo thêm vẻ sinh động. Tại quảng trường trung tâm, nơi từng diễn ra các cuộc mít tinh đông người thì việc sử dụng thảm cỏ dày thay cho các bề mặt bê tông hoặc trải nhựa sẽ làm cho nhiệt độ không khí và nhiệt độ bức xạ trên quảng trường giảm đáng kể.

   Còn các quảng trường lớn, tổ chức cây xanh mặt nước là việc cần làm.Trên mặt hè phố quanh quảng trường có thể tổ chức vườn cây với nguyên tắc tổ chức cây xanh đường phố.Riêng đối với phần đảo giao thông giữa quảng trường thì nguyên tắc tổ chức cây xanh, mặt nước hoàn toàn khác. Để tránh hạn chế tầm nhìn, không cho phép trồng cây cao trên các đảo giao thông, vì vây ở đây tổ chức cây xanh chỉ cho phép kết hợp bồn hoa, thảm cỏ và có thể tổ chức nhô cao dần ở phía tâm đảo. Ở các đảo giao thông lớn có thể tổ chức bồn nước động (có thể là nước phun hay nước chảy) ở tâm đảo, kết hợp với các bồn hoa, thảm cỏ xung quanh. Ngày nay khi xu hướng tổ chức tượng đài trên các quảng trường giao thông không còn nữa thì việc tổ chức các hình thức bồn nước động đa dạng vừa làm phong phú cảnh quan quảng trường vừa giảm bớt được nhiệt độ không khí cũng như lượng khói bụi trên quảng trường.

Chỉ tiêu diện tích cây xanh công cộng ở đô thị Việt Nam và trên thế giới

TT

Đô thị trong nước

Chỉ tiêu cây xanh
(m2/người)

TT

Đô thị ngoài nước

Chỉ tiêu cây xanh
(
m2/người)

Thực tế

QCXD

01:2008

1

TP. Hà Nội

2

≥ 7

1

Paris (Pháp)

10

2

TP. HCM

3,3

≥ 7

2

Moskva ( Nga)

26

3

Huế

3,5

≥ 6

3

Washington (Mỹ)

40

4

Đà Nẵng

0,9

≥ 6

4

New York (Mỹ)

29,3

5

Hải Phòng

2,0

≥ 6

5

Nam Kinh (TQ)

22

6

Nam Định

1,5

≥ 6

6

Quế Lâm (TQ)

11

7

Hạ Long

3,1

≥ 6

7

Hàng Châu (TQ)

7,3

8

Vĩnh Yên

3,2

≥ 5

8

Luân Đôn (Anh)

26,9

9

Hải Dương

3,7

≥ 5

9

Berlin ( Đức)

27,4

10

Bắc Ninh

2,7

≥ 5

 

 

 

11

Hưng Yên

3,2

≥ 5

 

 

 

Nguồn: Phạm Ngọc Đăng,2013

   3. Định hướng xây dựng chính sách quy hoạch cây xanhtheo hướng phát triển đô thị xanh bền vững

   Thứ nhất, Nhà nước cần ban hành chính sách, quy định cụ thể về việc tổ chức quản lý cây xanh trên đường đảm bảo phải hài hòa với cảnh quan và hệ thống giao thông; Quy định cách thức và tiêu chuẩn trồng, kỹ thuật, chăm sóc cây xanh giao thông và khu đô thị. Coi mảng xanh đô thị không chỉ là phần diện tích đất được phủ xanh mà còn chú trọng đến yếu tố thẩm mỹ, tạo hình cho để mảng xanh hài hòa với cảnh quan kiến trúc, tự nhiên và đồng thời là một phần tạo nên tính độc đáo, điểm nhấn cho công trình.

   Thứ hai, tăng cường sự giám sát của xã hội đối với bảo vệ và chăm sóc cây xanh; Đào tạo nhân lực có kiến thức khoa học và kinh nghiệm trong lĩnh vực quy hoạch và phát triển cây xanh khu đô thị, xác định cụ thể đất dành cho cây xanh; Xây dựng công trình gắn với bảo vệ cây xanh hiện hữu; Quản lý chặt chẽ đất dành cho cây xanh; Xây dựng và cụ thể hóa các tiêu chí “xanh” trong đánh giá, xếp loại đô thị; Quy định rõ loại cây nào khuyến khích trồng và loại cây cấm trồng ở đô thị.

 

Phát triển cây xanh tại các tuyến đường giao thông và khu đô thị sẽ giúp môi trường trong sạch hơn

   Thứ ba, Nhà nước nên chủ động kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư các dự án phát triển cây xanh đô thị để BVMT, các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu.Có cơ chế hỗ trợ tài chính cho bảo vệ và phát triển cây xanh như giá cả nguyên vật liệu,cây trồng...; Chính sách hỗ trợ phát triển, xây dựng cơ sở hạ tầng trên cơ sở bảo vệ cây xanh.Bên cạnh đó, khuyến khích và huy động nguồn lực toàn xã hội tham gia vào phát triển, bảo vệ hệ thống cây xanh.

   Thứ tư, tuyên truyền cho mọi tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức về bảo vệ và phát triển cây xanh theodọc tuyến đường; Đưa vào phổ cập giáo dục cho các em học sinh hiểu và bảo vệ cây xanh.

   Thứ năm, tuân thủ các quy tắc của quy hoạch cây xanh: Đảm bảo an toàn giao thông, đảm bảo vệ sinh môi trường, được sự chấp nhận của người dân.

   Thứ sáu, loài cây được lựa chọn phải phù hợp với điều kiện sinh thái, thổ nhưỡng và môi trường đặc thù của đường bộ và khu đô thị; Có cơ chế khuyến khích các cá nhân, tập thể tích cực tham gia trồng, chăm sóc và bảo vệ cây đường phố.

   Tài liệu tham khảo

GTVT Báo cáo tổng hợp Chiến lược GTVT Việt Nam, 2013;

Trương Mai Hồng, Bài giảng cảnh quan đô thị, 2010;

Phạm Hoàng Hộ, Cây cỏ Việt Nam Quyển I, II;III.NXB Trẻ, 1999;2003;2000

Chế Đình Lý, Cây xanh phát triển và quản lý trong môi trường đô thị, NXB Nông nghiệp TP. Hồ Chí Minh, 1997;

Trần Viết Mỹ, Nghiên cứu cơ sở quy hoạch cây xanh và chọn loài cây trồng phù hợp phục vụ quá trình đô thị hóa TP. Hồ Chí Minh, LATS nông nghiệp, 2001;

Hàn Tất Ngạn, Kiến trúc cảnh quan, NXB Xây dựng Hà Nội, 1999;

     Nguyễn Thị Thanh Thủy, Tổ chức và và quản lý môi trường cảnh quan đô thị, NXB Xây dựng, 1997.

Lê Xuân Thái

Đại học Công nghệ Giao thông vận tải

Lê Văn Khoa

Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 9 -2015)

Ý kiến của bạn