23/12/2019
Trong giai đoạn 2019 - 2020, Quảng Ngãi đặt mục tiêu phấn đấu thu gom và tái sử dụng tối thiểu 50% tổng lượng chất thải túi ni lông khó phân hủy phát sinh trên địa bàn các huyện, thành phố và nâng tỷ lệ này đạt tối thiểu 80% ở giai đoạn 2021 - 2025. Để thực hiện mục tiêu trên, Quảng Ngãi đã triển khai nhiều mô hình "giảm thiểu rác thải nhựa" trong các khu dân cư, làng nghề ven biển và mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần làm sạch môi trường, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của nhân dân về BVMT.
Triển khai những mô hình thiết thực
Mô hình “giỏ nhựa đi chợ” do Hội liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Phổ Thuận, huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) triển khai từ giữa năm 2018 đã thu hút đông đảo hội viên tham gia. Mô hình nhằm vận động hội viên phụ nữ hạn chế sử dụng túi ni lông trong sinh hoạt hàng ngày. Đây là hoạt động thiết thực hưởng ứng Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động. Để động viên hội viên tham gia và triển khai mô hình hiệu quả, Hội LHPN xã đã trích kinh phí mua 20 giỏ nhựa đi chợ để tặng các chị em hội viên; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của hội viên phụ nữ bỏ dần thói quen sử dụng túi ni lông, vận động từng hộ gia đình cam kết việc giữ gìn môi trường từ trong mỗi gia đình, phát động làm vệ sinh khơi thông cống rãnh, xử lý rác thải tại hộ gia đình, tại chợ… Đến nay, toàn xã đã có 110 hội viên ở tất cả 7 thôn trong xã hưởng ứng mô hình. Thấy được ý nghĩa thiết thực của mô hình giỏ nhựa đi chợ trên địa bàn xã Phổ Thuận, từ đầu năm 2019 đến nay, Hội LHPN các xã Phổ An, Phổ Châu, Phổ Văn và Phổ Hòa cũng bước đầu triển khai mô hình. Đến nay, toàn huyện đã có 220 cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia mô hình giỏ nhựa đi chợ. Bênh cạnh việc dùng giỏ nhựa, nhiều hội viên phụ nữ còn dùng hộp nhựa để đựng thức ăn, dùng lá chuối để gói thực phẩm thay vì dùng túi ni lông. Sau gần 1 năm triển khai thực hiện mô hình, việc sử dụng giỏ nhựa đi chợ đã trở thành thói quen “mới” của hội viên phụ nữ ở một số địa phương trên địa bàn huyện. Từ khi sử dụng giỏ nhựa đi chợ, lượng túi ni lông xả ra môi trường giảm rõ rệt, không ít chị em bày tỏ niềm vui vì một hành động nhỏ của mình đã góp phần BVMT, giữ gìn cuộc sống “Xanh - Sạch - Đẹp” và Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn.
Cũng tại huyện Đức phổ, để đảm bảo môi trường biển đảo sạch đẹp, bền vững, tháng 10/ 2019, mô hình “Làng không rác” cũng được triển khai thí điểm tại làng Gò Cỏ (thuộc Khu dân cư số 1, thôn Long Thạnh 2, xã Phổ Thạnh). Đây là một ngôi làng nhỏ ven biển có nhiều di tích lịch sử mang đậm dấu ấn văn hóa Sa Huỳnh, Chămpa và văn hóa Việt. Để bảo tồn và phát triển bền vững ngôi làng, Tổ chức Môi trường Thái Bình Dương đã tài trợ Dự án “Quản lý rác thải làng Gò Cỏ” thực hiện trong năm 2019, với tổng trị giá 10.000 USD. Mục tiêu của Dự án nhằm giảm thiểu rác thải ra môi trường, giúp người dân thực hiện mô hình phân loại rác tại nguồn, làm phân vi sinh và sử dụng phân hữu cơ phục vụ trồng trọt tại địa phương; hướng người dân làng Gò Cỏ “nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần”; tạo mô hình để nhân rộng “Làng không rác” trên địa bàn tỉnh. Thực hiện Dự án, mô hình “Làng không rác” được triển khai với ba hợp phần chính, trong đó hợp phần thứ nhất là phân loại rác tại nguồn (69 hộ dân của làng sẽ được trang bị mỗi hộ một bộ ba thùng rác chứa rác vô cơ, hữu cơ và tái chế để phân loại rác tại nhà; được tập huấn, giám sát trong việc phân loại rác tại nguồn). Đối với hợp phần làm phân compost (phân hữu cơ), Dự án sẽ trang bị thiết bị và giúp người dân biết cách ủ rác hữu cơ thải ra hàng ngày để thành phân hữu cơ dùng cải tạo đất, hoặc bón cho cây trồng. Hợp phần kiểm toán rác thải là một quá trình có phương pháp thu thập và phân tích rác thải để xác định số lượng, loại rác thải do cộng đồng dân cư thải ra môi trường; kiểm toán thương hiệu để biết được loại rác nào được sử dụng nhiều ở địa phương. Qua đó, thống kê về lượng rác thải phát sinh từ cộng đồng, đưa ra khuyến nghị về cách cải thiện hệ thống quản lý chất thải, dựa trên dữ liệu kiểm toán chất thải.
Ký cam kết thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” trong ngành TN&MT Quảng Ngãi
Còn tại phường Quảng Phú, TP. Quảng Ngãi, mô hình điểm “Tổ phụ nữ sử dụng túi ni lông thông minh” đã được triển khai từ năm 2015, đến nay đã được nhân rộng ra các phường khác như Lê Hồng Phong, Nguyễn Nghiêm, Trần Hưng Đạo... Thực hiện mô hình, hàng ngày chị em sau khi đi chợ về đều gom những túi ni lông đựng rau, quả, đồ dùng đem tặng lại cho những chị bán rau, quả ở các chợ. Việc làm nhỏ nhưng đã góp phần giữ gìn môi trường ở khu dân cư, giúp cho những người buôn bán tiết kiệm được chi phí… Theo tính toán, nếu 1 ngày, mỗi gia đình thải ra 5 túi, một tổ có 120 gia đình thì số túi thải ra 1 ngày là 600; 1 tháng là 18.000 và 1 năm là 216.000… Nếu sử dụng 1 làn nhựa thay 5 túi trong 1 ngày, 1 năm sẽ hạn chế thải ra môi trường 84.600 túi ni lông. Từ việc thực hiện mô hình này, chị em phụ nữ trong phường đã giảm thiểu được khoảng 50% số túi ni lông sử dụng trong gia đình thải ra môi trường.
Là một trong những huyện đi đầu trong phong trào hạn chế rác thải nhựa của tỉnh, đảo Lý Sơn đã phát động phong trào làm sạch môi trường bằng việc nói không với túi ni lông và được triển khai từ năm 2017. Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Chỉ thị về việc tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, nhân dân, khách du lịch giảm thiểu sử dụng túi ni lông nhằm góp phần BVMT. Đến năm 2018, Hội LHPN huyện đã phát động phong trào hạn chế sử dụng túi ni lông, từng bước đi đến chấm dứt tình trạng sử dụng túi ni lông tại xã An Bình và nhân rộng ra toàn huyện. Trong thời gian tới, các đoàn thể chính trị, xã hội của huyện sẽ tiếp tục duy trì việc bán túi thân thiện môi trường; hướng dẫn các cơ sở kinh doanh, dịch vụ du lịch, chủ phương tiện chở khách ở đầu cảng Lý Sơn và cảng An Bình phối hợp với các cơ quan quản lý cam kết sử dụng các loại túi thân thiện môi trường thay thế cho túi ni lông.
Không chỉ Lý Sơn mà nhiều huyện trên địa bàn tỉnh cũng tổ chức ra mắt mô hình sử dụng giỏ nhựa đi chợ. Đầu tháng 6/2019, Hội LHPN xã Bình Thạnh (Bình Sơn) đã tổ chức ra mắt mô hình thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” và Chi hội “5 không, 3 sạch” tại thôn Phước Thành thu hút sự tham gia của 100 hội viên. Tại các buổi truyền thông, hội viên phụ nữ và người dân đã được cung cấp thông tin về thực trạng vấn đề rác thải nhựa hiện nay tại địa phương và các giải pháp phòng, chống rác thải nhựa từ gia đình, hội viên phụ nữ, nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm do rác thải nhựa dùng một lần, túi ni lông gây ra. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ, người dân hạn chế sử dụng túi ni lông và các sản phẩm nhựa dùng một lần để giữ vệ sinh môi trường. Cùng với đó, các cấp hội phụ nữ vận động chị em các hộ tiểu thương, hộ kinh doanh hạn chế sử dụng túi ni lông khó phân hủy, thay thế bằng túi vải, túi nhựa sinh học, sử dụng lá chuối khi bán hàng.
Ban hành kế hoạch giảm thiểu rác thải nhựa
Trong nỗ lực chung tay giải quyết vấn đề rác thải nhựa, năm 2019, tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành Kế hoạch thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2025. Theo Kế hoạch, UBND tỉnh yêu cầu lãnh đạo các cơ quan tăng cường phổ biến trong nội bộ cơ quan, đơn vị về việc hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần khó phân hủy. Kể từ ngày 1/1/2020, xem xét việc không thanh toán các khoản chi cho các loại nước uống đóng chai có thể tích từ 500 ml trở xuống sử dụng trong cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp. Các cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp phát động phong trào và xây dựng mô hình điểm không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần khó phân hủy như ống hút, chai nước khoáng, hộp xốp, hộp nhựa đựng cơm, thức ăn, chén, đĩa nhựa… trong các hoạt động của cơ quan, đơn vị. Thay vào đó, sử dụng các bình nước có thể tích lớn hoặc nước tự đun nấu; các loại cốc thủy tinh, cốc sứ, phích hoặc bình đựng nước dùng nhiều lần khi hội họp, tiếp khách hoặc dùng trong phòng làm việc. Hạn chế đến mức tối đa và tích cực tái sử dụng các loại bì nhựa, hộp nhựa đựng tài liệu.
Để thực hiện Kế hoạch “Chống rác thải nhựa”, tỉnh đã đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp thực hiện như: Tập trung vào việc rà soát, thống kê khối lượng, đánh giá tình hình sản xuất, sử dụng, đặc biệt là tình hình phát sinh chất thải nhựa và túi ni lông khó phân hủy phát sinh trên địa bàn tỉnh; tình hình sản xuất, thu gom và tái sử dụng lượng chất thải túi ni lông khó phân hủy phát sinh trên địa bàn các huyện, thành phố; tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại rác thải nhựa, túi ni lông khó phân hủy đối với môi trường và sức khỏe người dân; tổ chức các đợt ra quân làm vệ sinh môi trường, thu gom phân loại rác thải nhựa; thực hiện các hoạt động cụ thể tại cơ quan, đơn vị để giảm thiểu rác thải nhựa; ứng dụng khoa học công nghệ trong giảm thiểu rác thải nhựa…
Lê Thị Mai - Nguyễn Nhật Minh
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 11/2019)