Banner trang chủ

Phân bón thế hệ mới - Tiết kiệm, hiệu quả, thân thiện môi trường

25/05/2017

     Hiện nay, các nước đang phát triển có xu hướng sử dụng ngày càng tăng lượng phân bón hóa học và Việt Nam cũng nằm trong xu thế này. Tuy nhiên, việc dùng quá nhiều phân đạm (N) tới mức lạm dụng đã làm tăng dần sự mất cân đối các dưỡng chất trong đất ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng nông sản. Đồng thời dùng lượng N quá cao sẽ gây khó khăn trong việc bảo quản nông sản cũng như tích lũy NO3- trong rau và các loại cây thực phẩm sẽ là nguy cơ đe dọa sức khỏe con người và vật nuôi. Ngoài ra, theo các nhà khoa học thì khí N2O gây hiệu ứng nhà kính lớn hơn khí CO2 gấp 300 lần. Trong sản xuất nông nghiệp, một lượng đáng kể N bị thất thoát vào không khí khi bón đạm Ure hoặc Sulphate Amon (SA), gây lãng phí và gia tăng hiệu ứng nhà kính. Chỉ tính riêng trong lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam thì mỗi năm lượng N thất thoát xấp xỉ 1,0 triệu tấn (tính chung cho cả 2 quá trình trực di xuống nước ngầm và bốc hơi vào khí quyển). Một khối lượng N tự do rất đáng lo ngại cho An toàn thực phẩm, sức khỏe cộng đồng và môi trường nông thôn Việt Nam? Hàng năm, một khối lượng lớn phân bón vào đất nhưng không được cây trồng sử dụng, gây lãng phí,  trong đó, một phần bị rửa trôi hoặc thấm sâu gây ô nhiễm nguồn nước. Theo số liệu quan trắc của Tổng cục Môi trường (2009) ở một số khu vực sông cho thấy hàm lượng NH4+, NO3- và PO43- vượt 1,5 - 2 lần so với tiêu chuẩn cho phép. Trong 30 - 50% mẫu nước ngầm lấy ở Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định… hàm lượng các chất này cũng vượt ngưỡng. Việc dư thừa đạm và lân trong nước uống hoặc thức ăn đều có tác hại đối với sức khoẻ con người. Thừa đạm gây  giảm hemoglobin trong máu (hội chứng da xanh ở trẻ em) và nguy cơ gây ung thư; trong khi đó thừa phospho sẽ làm giảm khả năng hấp thu can xi, gây nguy cơ loãng xương. Vì vậy, việc sử dụng tiết kiệm phân bón nhưng vẫn đảm bảo năng suất và chất lượng nông sản, đảm bảo hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường thông qua việc tăng hiệu quả sử dụng phân bón là việc làm cần thiết.

 

Phân đạm hạt vàng Đầu Trâu 46A+ - giảm lượng bón 20 - 30% so với ure thông thường

 

     Như vậy cho thấy, trong sản xuất nông nghiệp rất cần phải có một cuộc cách mạng về sản xuất và sử dụng những loại phân bón thế hệ mới có tính năng, tác dụng và hiệu quả nhằm hạn chế những tác hại kể trên. Nắm rõ được những tác hại và hậu họa của việc sử dụng phân bón không hợp lý và của những loại phân bón sản xuất bởi một số doanh nghiệp với công nghệ máy móc thô sơ và chỉ chạy theo lợi nhuận, Công ty cổ phần phân bón Bình Điền từ lâu đã luôn sáng tạo, cập nhật và đổi mới trang thiết bị, quy trình công nghệ và những loại phân bón mới và hiệu quả rất rõ so với những loại phân cùng chủng loại trên thị trường. Mặt khác, Bình Điền còn có cả Hội đồng khoa học kỹ thuật bao gồm các nhà khoa học và chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực trồng trọt, sinh học, khoa học đất, phân bón và dinh dưỡng cây trồng. Vì vậy, các sản phẩm phân bón với thương hiệu Bình Điền và logo Đầu Trâu đã có mặt hầu hết các tỉnh thành của Việt Nam và các quốc gia lân cận như: Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanma.

     Không thỏa mãn với những thành quả của mình, Bình Điền hiện đang đổi mới trang thiết bị, áp dụng những qui trình công nghệ cao để xắp tới cho ra đời phục vụ cho sản xuất những loại phân bón mới. Xin giới thiệu để chúng ta hiểu và biết thêm những chủng loại phân mới:

     Thuật ngữ “phân bón thế hệ mới” (new generation fertilizer hay next generation fertilizer) đang ngày càng được nhiều nhà nghiên cứu và sản xuất sử dụng phổ biến. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có một khái niệm đầy đủ về phân bón thế hệ mới mà chỉ nêu một tiêu chí chung cho phân bón dạng này: Phân bón thế hệ mới sẽ làm tăng hiệu quả và năng suất của sản xuất nông nghiệp, đồng thời bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường (nguồn www.ifdc.org). Hiện nay, một số quốc gia có nền nông nghiệp tiên tiến như Mỹ, Ý, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Ấn Độ, Đài Loan… đã nghiên cứu và sản xuất một số loại phân bón thế hệ mới được xếp theo nhóm như sau: Nhóm phân bón được sản xuất theo công nghệ nano; Nhóm phân bón được sản xuất theo công nghệ vi sinh & enzym; Nhóm phân bón vô cơ được sản xuất theo công nghệ mới; Nhóm phân bón được khai thác và chế biến từ nguyên liệu hữu cơ thiên nhiên; Nhóm phân bón sinh học chức năng có hoạt lực cao. Chính nhờ các nhóm, loại phân bón thế hệ mới với các tính năng và hiệu lực hữu ích đã góp phần giảm lượng sử dụng các loại phân hóa học, tăng chất lượng nông sản, bảo tồn độ phì đất và hạn chế ô nhiễm đất nông nghiệp, ô nhiễm nguồn nước ngầm và hệ thống sông ngòi. Để nâng cao hiệu lực của phân đạm (N), tiết kiệm vật tư đầu vào trong sản xuất, đồng thời hạn chế tác hại của ”Hiệu ứng nhà kính” do bón phân đạm gây ra thì các nhà khoa học đã thành công và đưa ra một số công nghệ trong sản xuất phân đạm như: Ure (SA) +Agrotain; +NEB-26; + Oil Neem; + Microelement (TE); +AH + VSV chức năng (loại vi sinh đối kháng).

     Công ty CP phân bón Bình Điền đã ứng dụng công nghệ mới để sản xuất phân đạm hạt vàng 46 A+ bằng chế phẩm N-(n-Butyl) Thiophosphoric triamide (NBTP). Chính hoạt chất có tên thương mại Agrotain sẽ ức chế men Urease phân hủy đạm bằng chất N-(n-Butyl) Thiophosphoric triamide. Trong tương lai gần, Bình Điền sẽ có thêm phân Ure đen (Ure + axit hữu cơ + TE).

     Một số nhà khoa học Nhật Bản, Autralia, Thái Lan và Việt Nam đã nghiên cứu phối chế phân đạm (Ure, SA) với một số loại bột quặng tự nhiên như Silicon, Zeolite để sản xuất phân đạm chậm tan. Các sản phẩm này dựa trên cơ chế liên kết lý-hóa học mà nhờ đó làm giảm tốc độ tan của phân đạm, giảm sự mất đạm do trực di và do chuyển hóa để thành NH3 hoặc N2 bay hơi vào khí quyển. Công nghệ này cũng góp phần tiết kiệm lượng đạm bón vào từ 20-30 %. Một trong những công nghệ khá mới là sản xuất phân hữu cơ sinh học có hoạt lực cao từ than sinh học (Biochar). 

 

 

Bộ sản phẩm NPK một hạt công nghệ ure hóa lỏng hàm lượng dinh dưỡng cao, tan nhanh, phù hợp với tất cả các loại cây trồng

 

     Gần đây người ta sử dụng than sinh học (Biochar) bón vào đất để cải thiện dinh dưỡng dễ tiêu cho cây trồng, tăng khả năng giữ dinh dưỡng, giữ nước và cải tạo cấu trúc đất, tăng khả năng cố định carbon trong môi trường (Đã có dự án áp dụng rất hiệu quả tại một số quốc gia của Châu Phi. Theo Tryon (1948) thì khi bón than sinh học độ no bazơ tăng đến 10 lần, CEC tăng  3 lần nhờ được bổ sung thêm các nguyên tố kiềm K, Ca, Mg vào dung dịch đất, tăng pH đất và tăng dinh dưỡng dễ tiêu cho cây trồng trong đất. Nhiều nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng kể cả lượng than sinh học nhỏ bón vào đất thì cũng tăng một cách đáng kể lượng cation kiềm trong đất, kể cả đạm tổng số và lân dễ tiêu cũng tăng hơn so với đối chứng. Than sinh học không những cải thiện hàm lượng dinh dưỡng dễ tiêu mà còn tăng  khả năng giữ dinh dưỡng và nước trong đất do các yếu tố này được hấp thụ vào trong các khe hở của than sinh học,  có lợi cho quá trình phát triển của cây trồng.

     Như vậy, để ứng dụng những loại phân bón vào qui trình kỹ thuật công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam, Công ty cổ phần phân bón Bình Điền đã và đang chú trọng sản xuất những loại phân bón thế hệ mới như: Phân NPK + TE có hàm lượng cao (dạng phức hợp 1 hạt); Các loại phân bón chuyên dùng (phù hợp với tính chất đất, chủng loại cây trồng, phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng của từng thời kỳ); Các loại phân bón chức năng (Dinh dưỡng, điều hòa sinh trưởng, bảo vệ thực vật, tăng chất lượng nông sản, tạo thực phẩm chức năng); Các loại phân hữu cơ sinh học, hữu cơ vi sinh, hữu cơ khoáng cao cấp; Các loại phân vi lượng hỗn hợp; Các loại phân bón thế hệ mới có tính năng, hiệu quả cao và BVMT.

 

TS. Nguyễn Đăng Nghĩa - Chuyên gia Nông nghiệp

Ý kiến của bạn