02/05/2018
Vũ Long
Đại học Lâm nghiệp
Thanh Hóa là tỉnh có diện tích rừng tự nhiên khá lớn,chủ yếu là rừng đặc dụng và rừng phòng hộ. Thời gian qua, tình trạng khai thác rừng trái phép đã làm diện tích và chất lượng rừng bị suy giảm rõ rệt. Do đó, việc quản lý bền vững tài nguyên, nhằm giảm phát thải và suy thoái rừng là yêu cầu cấp thiết và quan trọng.
Trong những năm gần đây, được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền địa phương các cấp, công tác phát triển rừng của tỉnh Thanh Hóa đã đạt được nhiều kết quả quả quan trọng. Trong giai đoạn 2011 - 2015, toàn tỉnh đã trồng mới54.538 ha rừng, diện tích rừng trồng sản xuấttăng lên khoảng 102.400 ha. Rừng trồng được chăm sóc theo đúng quy trình, đến nay, đã bắt đầu khép tán và phát huy tác dụng phòng hộ, BVMT sinh thái, chống xói mòn và lưu trữ các bon.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng vẫn còn nhiều bất cập. Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật, nhất là đối với rừng tự nhiên vẫn diễn ra phức tạp.Việc chuyển đổi rừng tự nhiên, rừng nghèo kiệt sang trồng cao su, sản xuất nông nghiệp chưa được kiểm soát chặt chẽ.Nhiều dự án phát triển kinh tế như thủy điện, khai thác khoáng sản, dịch vụ du lịch... chưa chú trọng đến bảo vệ, phát triển rừng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái, làm suy giảm chất lượng rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên.
Nhằm ngăn chặn việc mất và suy thoái rừng, tại Kế hoạch hành động “Giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mấtvà suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và tăng cường trữ lượng các bon rừng, giai đoạn 2016 - 2020”,UBND tỉnh Thanh Hóa đã đề ra mục tiêu giảm 30% lượng phát thải khí nhà kính từ mất rừng và suy thoái rừng (tương ứng2.000 ha rừng bị mất, 3.850 ha rừng bị suy thoái) và nâng cao trữ lượng các bon rừng hàng năm đạt 2.600.433 tấn CO2 trong giai đoạn 2016 - 2020, trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện mục tiêu trên, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai nhiều Dự án, điển hình là Dự án phục hồi và quản lý bền vững rừng phòng hộ (JICA2). Từ năm 2014, Dự án đã tiến hành giao khoán đất lâm nghiệp cho các hộ tại 11 xã thuộc 6 huyện (Thạch Thành, Hà Trung, Như Thanh, Như Xuân, Thường Xuân, Tĩnh Gia). Kết quả, đến tháng 11/2017, các hộ đã trồng mới được 1.003,25 ha rừng, nâng cấp 1.020 ha rừng, bảo vệ 6.000 ha, khoanh nuôi tái sinh không trồng bổ sung 650 ha rừng. Đồng thời, kết hợp xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng dân sinh như làm 6,5 km đường giao thông nông thôn và đường lâm nghiệp, 3 km kênh nội đồng, một số chòi canh, nhà trạm quản lý, bảo vệ rừng, bản niêm yết bảo vệ rừng. Việc triển khai Dự án JICA2 tại Thanh Hóa đã góp phần nâng cao ý thức của người dân trong vùng đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng, tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông, lâm nghiệp, cải thiện sinh kế cho người dân vùng Dự án. Để phục hồi rừng, dự kiến đến năm 2020,kế hoạch của tỉnh cũng đề rasẽ tổ chức khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng tự nhiên 5.000 ha/năm tại các huyện Mường Lát, Quan Sơn, Lang Chánh, Thường Xuân và Như Xuân. Triển khai trồng rừng gỗ lớn trên đất trống 10.000 ha, trồng rừng gỗ lớn sau khai thác trắng 5.000 ha, chuyển đổi rừng trồng gỗ nhỏ sang trồng gỗ lớn 3.500 ha.
Ngoài ra, để ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) và tăng cường sinh kế cho các hộ dân, năm 2017, kế hoạch hành động giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng (REDD+)được triển khai tại Thanh Hóa,(đây là nội dung nằm tronghợp phần thứ nhất của Dự án Hỗ trợ ứng phó BĐKH ở rừng và đồng bằng Việt Nam)do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ.Theo đó, Dự án đã triển khai các hoạt động như: Thí điểm giao đất giao rừng cho hộ gia đình và cộng đồng; Quản lý rừng cộng đồng; Phát triển nông nghiệp thông minh ứng phó BĐKH; Thúc đẩy các hoạt động về chi trả dịch vụ môi trường rừng và tập huấn nâng cao nhận thức về BĐKH cho lãnh đạo và cán bộ của các Sở ban ngành và UBND các huyện tại Thanh Hóa…
Từ những kết quả đạt được của Dự án, đến nay, đã thu hút được nhiều nhà tài trợ đầu tư nguồn vốn cho phát triển lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh như: Dự án công viên tre luồng Thanh Tam, tổng mức đầu tư 250 tỷ đồng, Nhà máy sản xuất tre ép khối Tam Thanh, công suất 100.000 m3 sản phẩm/ năm, tổng mức đầu tư khoảng 450 tỷ đồng; Dự án “Tối ưu hóa giá trị và hệ thống sản phẩm tre luồng tại Việt Nam” (tổng số vốn 1 triệu Euro) và Dự án “Phát triển chuỗi giá trị sò và tre” (4 triệu Euro) do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ…
Để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, trong thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa sẽ thực hiện rà soát, hoàn thiện các quy hoạch, kế hoạch có liên quan đến sử dụng đất lâm nghiệp; Điều chỉnh lại quy hoạch 3 loại rừng phòng hộ, đặc dụng và sản xuất trên địa bàn tỉnh theo hướng quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng bền vững có hiệu quả, giảm thiểu lượng phát thải các bon khi chuyển đổi rừng tự nhiên sang mục đích phát triển kinh tế - xã hội khác.
Xây dựng hệ thống tổ chức, quản lý, điều hành thực hiện giảm phát thải và tăng cường trữ lượng cacbon rừng. Nâng cao năng lực tiếp cận và triển khai các hoạt động của REDD+. Nâng cấp hệ thống theo dõi diễn biến rừng, xây dựng các biện pháp đảm bảo an toàn về môi trường và xã hội; xây dựng cơ chế quản lý tài chính và chia sẻ lợi ích từ REDD+.
Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển lâm nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp thuê đất phải cam kết và có trách nhiệm đào tạo nghề cho cộng đồng. Đồng thời, huy động nguồn lực tài chính từ các doanh nghiệp ngoài nhà nước để tổ chức trồng rừng, bảo vệ rừng, nâng cao chất lượng rừng.Khai thác nguồn tài chính chi trả từ chi trả dịch vụ môi trường rừng và chi trả dựa vào kết quả giảm phát thải các bon. Hỗ trợ cải thiện sinh kế cho người dân sống gần rừng để giảm các áp lực tiêu cực đến nguy cơ mất rừng và suy thoái rừng.
Các chuyên gia kiểm tra chất lượng cây giống phục vụ trồng rừng Dự án JICA2 tại Thanh Hóa