15/05/2019
Trước tình trạng ô nhiễm môi trường do thuốc bảo vệ thực vật và mất vệ sinh an toàn thực phẩm, người tiêu dùng đang có xu hướng lựa chọn các thực phẩm sạch, nhất là các loại rau, củ. Nhằm phục vụ nhu cầu thị trường, nhiều nông dân, tổ chức, doanh nghiệp (DN) đã đầu tư trồng rau sạch, an toàn. Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, mô hình trồng rau công nghệ cao theo phương pháp thủy canh đang được xem là một giải pháp hiệu quả, sản xuất thực phẩm với ít tài nguyên, không phụ thuộc vào đất canh tác, điều kiện khí hậu…
Thủy canh là phương pháp canh tác không cần đất, được áp dụng tại nhiều địa phương trong cả nước. Cây được trồng trong các giá thể đặt trên máng có chứa dung dịch pha từ nước và chất dinh dưỡng theo tỷ lệ riêng cho từng loại cây và nước khác nhau. Với phương pháp thủy canh, người trồng rau không cần điều chỉnh độ PH do có chất đệm giữ được sự ổn định của axit, cũng không cần đầu tư bộ sục khí vì nước được thông lưu liên tục. Tuy nhiên, vẫn giữ được đủ dinh dưỡng thiết yếu để cây phát triển, lại phù hợp trồng nhiều loại rau khác nhau như xà lách, cải, rau muống…
Cán bộ kỹ thuật của Công ty Rau củ quả sạch công nghệ cao Vương Huy (Bà Rịa - Vũng Tàu)
giải thích quy trình sản xuất rau theo phương pháp thủy canh cho nông dân
Xuất phát từ nhu cầu sử dụng rau sạch của người tiêu dùng, nhiều nông dân, DN trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tìm tòi và học hỏi phương pháp trồng rau thủy canh. Việc canh tác ở đây được thực hiện hoàn toàn trong nhà kính. Các giá đỡ trồng cây được sản xuất đảm bảo chất lượng với phương pháp thủy canh hồi lưu, được đặt cách mặt đất 120 cm, có thể trồng nhiều loại rau có giá trị dinh dưỡng như xà lách mỡ, xà lách tím, xà lách roman… Đặc biệt, trồng rau thủy canh phải chú trọng từ khâu chọn giống, nên người trồng rau cần đặt mua các loại hạt giống F1 có nguồn gốc ngoại nhập với tỷ lệ nảy mầm cao (hơn 95%), thích nghi tốt với môi trường. Xung quanh vườn thủy canh được bao bọc bằng lưới ngăn nên hạn chế sâu bệnh, côn trùng gây hại và sản xuất rau chỉ sử dụng chế phẩm sinh học. Khi tra hạt cần đổ một ít nước vào mút xốp để giữ ẩm, khoảng 1 tuần cây nảy mầm. Cây được nửa tháng sẽ tách ra, cho vào những rọ bằng nhựa và đưa lên giàn trồng. Đặc điểm nổi bật của phương pháp trồng rau thủy canh là sử dụng bơm tuần hoàn hai chiều nên có thể điều khiển tự động để bơm dinh dưỡng cho cây. Phần dinh dưỡng dư sẽ được đưa trở lại thùng chứa, giúp tiết kiệm nước và năng lượng điện sử dụng, giảm chi phí lao động, tạo ra sản phẩm rau an toàn đối với người sử dụng. Bên cạnh đó, với phương pháp này, người nông dân có thể trồng được rau trái vụ. Đặc biệt, trồng rau thủy canh không phải sử dụng thuốc trừ sâu và chất hóa học gây hại cho môi trường nên sản phẩm sạch, an toàn, giàu dinh dưỡng và tươi ngon. Hiện nay, bằng cách trồng xen kẽ, trung bình, hàng ngày, một vườn rau thủy canh đã cung cấp cho thị trường khoảng 200 kg rau, củ, quả. Trước đây, khi trồng rau thổ canh, các DN cần 20 lao động/ngày, nhưng nay giảm chỉ còn 10 lao động/ngày, do đó, tiết kiệm được chi phí. Hiện mỗi m2 sản xuất rau theo phương pháp thủy canh cho thu nhập cao gấp 2 - 3 lần so với phương pháp sản xuất rau truyền thống. Tuy nhiên, nếu trong quá trình sản xuất không theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết khí hậu để điều chỉnh kịp thời tất cả các thông số kỹ thuật dinh dưỡng cho cây thì rau dễ bị nhiễm bệnh. Nhưng nếu như so với mô hình trồng rau bên ngoài (tỷ lệ hao hụt lên tới 80%), thì với vườn rau công nghệ cao trong nhà kính có tỷ lệ hao hụt thấp (khoảng vài phần trăm).
Khách hàng và nông dân tham quan mô hình sản xuất rau theo phương pháp thủy canh
Nhờ sự đầu tư và tính toán bài bản, sản phẩm rau trồng theo phương pháp thủy canh đã làm hài lòng hầu hết những “khách hàng khó tính” trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và nhiều tỉnh thành phía Nam. Với những ưu điểm kể trên, mô hình trồng rau thủy canh đang được nhiều nông dân, DN áp dụng và mang lại hiệu quả kinh tế cao, trở thành một hướng đi mới cho việc phát triển nền nông nghiệp sạch và bền vững tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Để phát triển mô hình này, chính quyền địa phương cần có những chính sách hỗ trợ, tạo động lực cho nông dân và DN. Tuy nhiên, cũng rất cần sự chung tay của toàn xã hội, đặc biệt từ phía các DN. Với đặc thù của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nếu lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm thì việc phối hợp thực hiện các dự án đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn sẽ phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy nông nghiệp nông thôn phát triển nhanh và bền vững.
Nguyễn Văn Quý
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 4/2019)