23/02/2016
Hiện nay, lượng chất thải điện tử và điện dân dụng thải ra từ các đô thị như ti vi, tủ lạnh, quạt điện, máy tính, đồ dân dụng…ngày càng tăng do áp lực từ quá trình phát triển đất nước. Theo ước tính của Công ty Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO), đến năm 2020 cả nước sẽ có 4,8 triệu tivi, 1,4 triệu máy tính, 2,3 triệu tủ lạnh, 873 nghìn điều hòa nhiệt độ và 2,6 triệu máy giặt… thải bỏ; Các doanh nghiệp công nghiệp điện tử sẽ thải ra mỗi năm khoảng 1.600 tấn chất thải rắn.
Trong khi đó, phần lớn lượng chất thải phát sinh được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, song các bãi chôn lấp lại không đảm bảo yêu cầu hợp vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường. Công nghệ thiêu đốt hợp vệ sinh mới chỉ được triển khai ở một số thành phố nhưng quy mô nhỏ và hiệu quả chưa rõ ràng.
Kim loại đồng từ phế liệu được thu hồi bằng phương pháp luyện và tinh chế
Mặt khác, hoạt động tái chế chất thải điện tử ở Việt Nam cũng mới phát triển ở quy mô nhỏ, chủ yếu là các cửa hàng, dịch vụ sửa chữa, mua bán thiết bị qua sử dụng; Các doanh nghiệp tái chế…Hoạt động này chỉ tập trung vào xử lý chất thải điện tử, hầu hết là tháo dỡ phân loại thủ công, sử dụng phương pháp đốt lộ thiên hoặc những kỹ thuật thủy luyện đơn giản để thu hồi kim loại nên hiệu quả không cao. Do đó, trung bình hàng năm một khối lượng không nhỏ chất thải hay nguyên liệu thứ cấp đã bị lãng phí. Vấn đề cấp bách hiện nay là tìm ra giải pháp xử lý chất thải để chúng không trở thành những thứ bỏ đi mà ngược lại có thể tận thu được rất nhiều các nguyên vật liệu có giá trị từ chất thải.
Trước thực tế đó, PGS.TS Hoàng Trung Hải cùng các cộng sự tại Viện Khoa học Công nghệ & Môi trường (Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội) đã nghiên cứu và phát triển công nghệ thu hồi một số nguyên, vật liệu có giá trị từ chất thải điện tử như đồng, vàng, bạc… với độ tinh khiết đáp ứng được thị trường thông qua Dự án “Nâng cao năng lực nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ tái chế chất thải ở Việt Nam”.
PGS.TS Hoàng Trung Hải cho biết, công nghệ tái chế chất thải có thể góp phần ngăn ngừa ô nhiễm môi trường trong quá trình phát triển bền vững ở Việt Nam. Đặc biệt, nhóm nghiên cứu đã phát triển được công nghệ thu hồi đồng từ phế liệu của bản mạch điện tử bằng phương pháp luyện và tinh chế; Các kim loại quý như vàng, bạc có độ tinh khiết đáp ứng được thị trường, giúp ngăn ngừa sự suy giảm tài nguyên thiên nhiên, tăng hiệu suất thu hồi nguyên vật liệu có giá trị trong chất thải điện tử. Hiện tại, dây chuyền tháo dỡ chất thải điện tử để đưa đi tái chế, xay nghiền bản mạch đã hoàn thiện và có thể chuyển giao. Trong đó, loại bỏ các thành phần nguy hại, các bộ phận như pin, bóng đèn huỳnh quang đều được tháo bỏ ngay tại công đoạn phân loại. Thời gian tới, nhóm sẽ tiếp tục nghiên cứu và phát triển công nghệ thu hồi nguyên tố đất hiếm.
Phạm Văn Ngọc