14/04/2020
Hiện nay, thế giới đang phải đối mặt với khoảng hơn 9,1 tỷ tấn rác thải nhựa tích tụ trên Trái đất. Chất thải nhựa ngay cả khi được thu gom và chôn lấp lẫn vào đất vẫn tồn tại hàng trăm năm, làm thay đổi tính chất vật lý của đất, gây xói mòn đất, làm cho đất không giữ được nước, dinh dưỡng, ngăn cản ôxy đi qua đất làm ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây trồng… Bên cạnh đó, 13 triệu tấn chất thải nhựa đã đổ ra đại dương, gây tổn thương hệ san hô, đe dọa môi trường sống của các loài động, thực vật biển khiến 1,5 triệu động vật trên đại dương chết vì ngộ độc chất thải nhựa mỗi năm.
Rác thải nhựa
Do đó, một nhóm nghiên cứu do Giáo sư Alain Marty từ Đại học de Toulouse của Pháp dẫn đầu, đã sàng lọc 100.000 vi sinh vật trước khi chọn ra loài vi khuẩn (được phát hiện lần đầu vào năm 2012 trong một đống phân ủ) để phát triển enzyme mới có thể phá vỡ cấu trúc nhựa trong vài giờ, đây là chìa khóa để giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa hiện nay.
Marty cùng các cộng sự đã phân tích enzyme LLC tìm thấy trong vi khuẩn và tạo ra các đột biến cho phép phá vỡ nhựa PET thành các khối xây dựng hóa học riêng rẽ chỉ trong vài giờ. Enzyme này có thể hoạt động ổn định ở nhiệt độ cao lên tới 72°C, gần "nhiệt độ lý tưởng" để nhựa xuống cấp nhanh. Vật liệu sau đó được sử dụng để tạo ra các chai nhựa đựng nước mới.
Để sản xuất enzyme ở quy mô công nghiệp, nhóm nghiên cứu đã hợp tác với Novozymes, một công ty công nghệ sinh học toàn cầu có trụ sở tại Bagværd, Đan Mạch.
An Bình