Banner trang chủ

Ninh Bình sử dụng lò đốt rác Losiho góp phần giải quyết bài toán xử lý rác thải nông thôn

25/02/2016

     

     Để hoàn thành tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, hiện nay phần lớn các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã triển khai hoạt động thu gom rác thải. Tuy nhiên, việc xử lý sau đó chưa triệt để, chủ yếu mới dừng lại ở việc chôn lấp kết hợp với đốt thủ công nên tốn nhiều diện tích, gây mùi, ô nhiễm nguồn nước, không khí… Điều này đặt ra vấn đề phải có một giải pháp tối ưu hơn cho việc xử lý rác thải nông thôn.

 

Đưa vào vận hành lò đốt rác Losiho tại xã Khánh Thiện (Yên Khánh)

 

     Hiện nay, trên địa bàn tỉnh lượng rác thải sinh hoạt ước tính lên đến 450 tấn/ngày, trong đó rác thải từ khu vực nông thôn chiếm trên 65%, tương đương với gần 300 tấn/ngày. Tuy nhiên, tỷ lệ thu gom rác thải trung bình tại các khu vực này hiện mới đạt 5 - 10%. Rác thải sau thu gom chủ yếu được vận chuyển đến nơi quy định và xử lý bằng phương pháp chôn lấp kết hợp với đốt thủ công. Tại một số địa phương, địa điểm chôn lấp, tập kết rác không bảo đảm các tiêu chí về khoảng cách, diện tích sử dụng; rác không được xử lý đúng quy trình, yêu cầu kỹ thuật, gây mùi hôi thối, đồng thời phát sinh một lượng lớn rỉ rác làm ô nhiễm nguồn nước mặt cũng như nước ngầm.

     Từ thực tế trên, mới đây, Trung tâm Thông tin và ứng dụng KHCN (Sở KH&CN) Ninh Bình đã triển khai đề tài: Xây dựng mô hình xử lý rác thải sinh hoạt bằng lò đốt rác Losiho 500 phục vụ mục tiêu xây dựng nông thôn mới tại 3 xã Khánh Thiện, Khánh Tiên, Khánh Lợi (huyện Yên Khánh). Sau một thời gian vận hành, hiệu quả xử lý rác của công trình này được các nhà chuyên môn, chính quyền và nhân dân đánh giá rất cao.

     Khánh Thiện là một trong những xã có dân cư đông với khoảng 6 nghìn dân, hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển mạnh, do vậy lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn rất lớn. Từ nhiều năm nay, xã đã thành lập tổ thu gom rác thải sinh hoạt với định mức 3 ngày/tuần, mỗi tháng thu được khoảng 50 tấn rác thải các loại. Xã đã xây dựng 1 khu tập kết rác tại thôn Phong An với diện tích 7.400 m2. Tại đây, rác thải được xử lý theo hình thức chôn lấp và đốt lộ thiên. Song, chưa đầy 4 năm, bãi rác gần như đã quá sức chứa, mùa mưa bão nước ngập, rác thải, nước thải tràn ra các cánh đồng gây ô nhiễm nghiêm trọng. Nay được Sở KH&CN quan tâm đầu tư xây dựng lò đốt Losiho, những bức xúc về vấn đề xử lý rác sau thu gom đã được giải quyết triệt để.

     Công nghệ lò đốt rác Losiho 500 dựa hoàn toàn vào phương pháp đốt trên cơ sở tự nhiệt phân và tự đốt sinh năng lượng. Việc kiểm soát và cung cấp ôxy trong quá trình cháy được điều khiển bằng việc đóng mở các cửa cấp gió bên dưới hoặc bên trên thân lò. Lượng nhiệt duy trì quá trình cháy trong lò do bản thân rác thải tạo ra trên cơ sở tận dụng tối đa lượng nhiệt bức xạ, lượng nhiệt trong quá trình phản ứng hóa học phân hủy rác mà không cần dùng đến bất kỳ nhiên liệu đốt bổ sung nào như dầu hay ga. Lò đốt cũng không yêu cầu nhiều về diện tích cũng như nhân lực, chỉ cần một sân bê tông để tập kết và hong khô rác, 1 mái tôn che mưa khoảng 200 m2, lò đốt diện tích 8 m2, việc vận hành chỉ cần 2 người/ca.

     Về môi trường, do việc đốt rác thực hiện liên tục nên rác không bị ứ đọng, hầu như không phát sinh nước rỉ rác; tro xỉ không có mùi khi chôn lấp, không ảnh hưởng đến môi trường. Đối với khí thải, theo kết quả lấy mẫu phân tích của Trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường (Tổng cục Môi trường), khí phát thải từ lò đốt ít độc hại do lò không sử dụng nhiên liệu đốt và được xử lý an toàn trước khi thải ra môi trường.

     Lựa chọn mô hình xử lý rác thải sinh hoạt phù hợp là một yêu cầu cấp bách trong công tác BVMT nông thôn, xây dựng nông thôn mới hiện nay. Với những ưu điểm nổi bật so với một số công nghệ khác, đặc biệt là kinh phí đầu tư, chi phí vận hành thấp, thiết nghĩ các địa phương khác hoàn toàn có thể học tập nhân rộng công trình xử lý rác thải sinh hoạt thân thiện môi trường Losiho 500.

 

Hồng Điển

 

 

 

Ý kiến của bạn