02/01/2019
Chế tạo ống hút bằng cỏ bàng, tái chế rác thải nhựa thành nguồn nguyên liệu cho máy in 3D, xe đạp lọc nước... là những dự án đang được các bạn trẻ nỗ lực nghiên cứu, cải tiến và đưa vào sử dụng. Các sáng chế đã nhận được sự ủng hộ của cộng đồng, từ đó, thúc đẩy tinh thần đổi mới, sáng tạo của giới trẻ Việt Nam trong việc tìm ra các sản phẩm tận dụng phế liệu, góp phần hạn chế rác thải, BVMT.
Đó là sáng chế của bạn Nguyễn Trà Mi cùng các cộng sự Trương Bội Linh, Karl Wallkum (Đức) và một số bạn sinh viên Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, TP. Hồ Chí Minh, nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa.
Nguyễn Trà Mi (thứ 4 từ phải sang) cùng các nhà sáng chế chạy thử máy biến rác thải nhựa thành sợi nhựa nguyên liệu cho máy in 3D
Hiện nay, nguồn nguyên liệu cho máy in 3D là các hạt nhựa mới, được mua với giá thành khá cao (hơn 500.000 đồng/kg). Trong khi đó, Việt Nam lại là một trong 4 nước có lượng rác thải nhựa thải ra biển lớn nhất thế giới, công tác thu gom, tái chế rác thải nhựa vẫn còn nhiều hạn chế và chưa thực sự hiệu quả. Không những thế, khi máy in hoạt động, chỉ cần sơ suất nhỏ là cuộn nhựa bị hỏng. Trước thực tế này, nhóm nghiên cứu đã nảy sinh ý tưởng chế tạo ra loại máy có thể tận dụng những cuộn nhựa bỏ đi cũng như các loại chất thải nhựa khác trên thị trường thành sợi filament để làm nguyên liệu cho máy in 3D. Biến ý tưởng thành hiện thực, nhóm bắt tay vào chế tạo 3 loại máy: Máy cắt (cắt chất thải nhựa thành những miếng nhỏ); máy nghiền nhựa (làm tan chảy các miếng nhựa) và máy đùn sợi (tạo thành sợi filament) để biến rác thải nhựa thành sợi nhựa nguyên liệu. Các máy này hoạt động đơn giản, mọi người đều có thể vận hành, vì vậy, nhóm dự kiến sẽ đặt ở nơi công cộng, trên mỗi con đường, khu phố để gia đình nào có rác thải nhựa sẽ mang rác đến, tự vận hành máy làm ra sợi nhựa.
Sản phẩm ống hút từ cỏ bàng tự nhiên của Trần Minh Tiến
Không chỉ tái chế thành sợi filament cho máy in 3D, tùy vào từng loại với đặc tính khác nhau, rác thải nhựa sẽ được để ứng dụng trong nhiều lĩnh vực. Ví dụ, vỏ chai nước có thể chế tạo ra những sợi mỏng như sợi tóc nên nhóm đang tiến hành nghiên cứu tái chế thành tóc giả. Ngoài ra, nhóm còn mong muốn thiết kế một loại máy có khả năng cuốn những sợi nhựa thành dạng khuôn hình tròn làm đồng hồ… Với sáng kiến này, nhóm đã nhận được sự đánh giá cao và hỗ trợ thực hiện của thành viên các Fablab (công xưởng nhỏ tập trung vào lĩnh vực chế tác số). Khi Dự án hoàn thành, nhóm sẽ viết đề cương sử dụng, lắp ráp máy rồi phổ biến trong các trường đại học và ra mắt đại trà.
Ống hút từ cỏ bàng tự nhiên
Cũng trăn trở về vấn đề rác thải nhựa, thói quen sử dụng túi ni lông, ống hút nhựa của người dân… gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tác hại cho môi trường, Trần Minh Tiến - Chủ cửa hàng 3T chuyên bán các sản phẩm từ tre, cỏ bàng ở huyện Đức Huệ, tỉnh Long An đã bỏ nghề giáo để bắt tay thực hiện Dự án sử dụng đồ tái chế từ thiên nhiên thay cho vật liệu nhựa. Trong đó, sản phẩm ống hút từ cỏ bàng tự nhiên, trưng bày tại Diễn đàn Khởi nghiệp nông nghiệp do Sở NN&PTNT TP.Hồ Chí Minh tổ chức đã để lại nhiều ấn tượng.
Quá trình tìm nguyên liệu để chế biến ống hút cho sản phẩm dừa tươi, Tiến đã thử nghiệm nhiều loại nguyên liệu làm ống hút khác nhau, từ cọng rau muống đến ống hút tre… nhưng cọng rau muống mềm, dễ hỏng, đôi khi còn nhiễm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; ống hút tre thì giá thành quá cao (khoảng 6.000 đồng/cái), trong khi đó, cây cỏ bàng là nguồn nguyên liệu tự nhiên, mọc phổ biến tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, rất phù hợp để làm ống hút. Vì vậy, Tiến và nhóm bạn bắt đầu thực hiện kế hoạch làm ống hút bằng cỏ bàng.
Về quy trình sản xuất, sau khi thu gom, ống cỏ được đục bỏ các ngăn bên trong, cắt đoạn theo kích thước phù hợp, đảm bảo không nứt vỡ, rồi làm sạch ruột bằng dụng cụ chuyên dụng. Ngoài ống hút cỏ tươi, Tiến còn tìm cách phơi khô ống hút cỏ bàng để kéo dài thời gian sử dụng. Mỗi ống hút thành phẩm có độ dài từ 18 - 20 cm, tùy theo nhu cầu sử dụng, đường kính trong từ 4,5 - 6,5 mm, dày khoảng 0,5 - 0,8 mm. Một đầu của ống hút được cắt thẳng và 1 đầu cắt nhọn để cắm vào bình hút. Sau khi sử dụng, ống hút cỏ có thể rửa sạch và bảo quản trong tủ lạnh đến 2 tuần. Hiện tại, giá bán lẻ sản phẩm ống hút cỏ bàng giao động từ 600 - 1.000 đồng/ống.
Tổ chức ECO Vietnam Group được sáng lập bởi 20 bạn trẻ, đa phần là sinh viên tại TP. Hồ Chí Minh, được biết đến với các dự án, hoạt động vì cộng đồng, trong đó, mô hình xe đạp lọc nước do Tổ chức phối hợp cùng nhóm sinh viên đến từ Singapo đã mang lại hiệu quả, vừa tạo ra nước lọc miễn phí cho người dân tỉnh Trà Vinh, vừa góp phần BVMT sống.
Các bạn trẻ thuộc Tổ chức ECO Vietnam Group đang nỗ lực để hoàn thiện mô hình xe đạp lọc nước
Xe đạp lọc nước hoạt động trên nguyên lý điện từ trường, trên xe lắp nhiều lõi đồng và nam châm ở bánh sau, khi đạp sẽ tạo ra điện dùng để lọc nước (máy lọc nước được gắn ở phần bánh sau của xe). Nguồn điện này còn được dùng cho nhiều mục đích khác như xạc điện thoại, chiếu sáng… Tuy nhiên, do các thành viên của nhóm đa số đều học ngành xã hội nên kiến thức chuyên sâu về công nghệ còn hạn chế. Hiện nhóm đang nhờ sự tư vấn, giúp đỡ của các chuyên gia để nghiên cứu tạo ra dòng điện bền vững, giúp máy lọc nước hoạt động ổn định.
Nguyễn Thị Hoa
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 12/2018)