04/09/2018
Những năm gần đây, sự phát triển ồ ạt, thiếu quy hoạch của ngành tôm đã đã tàn phá nhiều diện tích rừng ngập mặn (RNM) của Việt Nam.Trong bối cảnh đó, việc phát triển mô hình nuôi tôm chứng chỉ sinh thái kết hợp bảo tồn RNM tại Cà Mau là giải pháp thích hợp, mang lại hiệu quả cao. Tạp chí Môi trường có cuộc phỏng vấn ông Đinh Xuân Lập - Phó Giám đốc Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác Thủy sản Bền vững (ICAFIS) về kết quả cũng như giải pháp phát triển mô hình này.
Ông Đinh Xuân Lập - Phó Giám đốc (ICAFIS)
PV: Xin ông cho biết về kết quả mô hình nuôi tôm chứng chỉ sinh thái (CCST) kết hợp bảo tồn RNM ở Cà Mau?
Ông Đinh Xuân Lập: Thống kê cho thấy, hiện có tới 50% diện tích RNM ở Việt Nam bị suy giảm, do bị phá bỏ để nuôi tôm nước lợ. Nếu như năm 1943, Việt Nam có khoảng 408.500 ha RNM thì đến năm 2006, chỉ còn khoảng 200.000 ha, trong đó vùng bị suy giảm nhiều nhất là đồng bằng sông Cửu Long. Để bảo vệ và phát triển bền vững hệ sinh thái (HST) RNM, ổn định sinh kế cho người dân, từ năm 2000, Tổ chức Phát triển Hà Lan và Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) đã triển khai Dự án Khôi phục RNM thông qua mô hình nuôi tôm CCST và giảm phát thải (MAM), thí điểm tại Cà Mau. Dự án MAM đã hướng dẫn các trang trại nuôi tôm trong môi trường tự nhiên của RNM để giảm thiểu tác động của ô nhiễm môi trường và dịch bệnh cho tôm. Tôm được thả nuôi với mật độ thấp và phải đáp ứng yêu cầu tối thiểu 50% diện tích là RNM. Hình thức nuôi tôm quảng canh này có chi phí thấp hơn nhiều so với nuôi thâm canh; các sản phẩm tôm nuôi tại các trang trại sẽ được Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Đức cấp chứng chỉ tôm sinh thái Naturland. Để đạt được Chứng chỉ này, yêu cầu các trang trại nuôi tôm trong RNM không được sử dụng hóa chất. Chứng chỉ Naturland được đánh giá là một cơ chế quản trị môi trường dựa vào thị trường hiệu quả, trong đó các mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường đều được đảm bảo. Một mặt, giúp tạo ra sản phẩm tôm an toàn cho người sử dụng, mặt khác, bảo vệ RNM ở khu vực nuôi tôm rừng kết hợp. Đến nay, toàn tỉnh Cà Mau có 21.627 ha diện tích tôm được cấp chứng chỉ Naturland; 80 ha RNM bị phá hủy để nuôi tôm đã được trồng lại. Như vậy, hiệu quả mà Dự án MAM mang lại là rất rõ rệt, thể hiện qua giá trị kinh tế và BVMT. Mô hình nuôi tôm sinh thái ngày càng thu hút nhiều hộ dân tham gia, giúp nông dân Cà Mau thoát nghèo bền vững.
PV: Ông có thể cho biết những thuận lợi và khó khăn khi Việt Nam áp dụng rộng rãi, mô hình nuôi tôm CCST kết hợp bảo tồn RNM?
Ông Đinh Xuân Lập: Việc áp dụng mô hình nuôi tôm sinh thái kết hợp với bảo vệ RNM đã mang lại những lợi ích về mặt kinh tế, cũng như môi trường. Là nước có đường bờ biển dài trên 3000 km, nên Việt Nam rất thuận lợi để phát triển mô hình này. Đây là hướng đi mới cho người dân các địa phương có RNM. RNM là môi trường cư trú, sinh sản tự nhiên của tôm và các loài thủy sinh khác, cung cấp nguồn thứ ăn từ các chất thải hữu cơ, bóng mát che nắng, gốc, rễ cây là nhà cho tôm.
Nuôi tôm trong vùng RNM ở Cà Mau
Ngoài ra, với tiêu chí phát triển kinh tế phải kèm theo đảm bảo vấn đề môi trường, nhiều tổ chức kinh tế thế giới đã đặt ra các tiêu chí khắt khe hơn cho nhà sản xuất, chế biến và xuất khẩu tôm. Do đó, các sản phẩm tôm nuôi phải đáp ứng các yêu cầu truy xuất nguồn gốc, quy trình xử lý nước thải… mới xuất khẩu được sang các nước khác. Với ưu điểm là an toàn về môi trường, chi phí thấp, lợi nhuận cao, mô hình nuôi tôm sinh thái kết hợp bảo vệ RNM đã được nhiều địa phương lựa chọn. Thông qua cơ chế đảm bảo sản phẩm đầu ra, các chi phí liên quan đến quá trình áp dụng hệ thống chứng nhận sản phẩm tôm đạt CCST sẽ được công ty chế biến thủy sản chi trả. Đồng thời, người nuôi cũng được nhận thêm kinh phí hỗ trợ từ công ty chế biến thủy sản cho việc bảo vệ và phát triển RNM.
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được vẫn còn một số khó khăn như năng lực áp dụng các hệ thống chứng nhận quốc tế của hộ nuôi tôm quy mô nhỏ còn hạn chế; lượng tôm bố mẹ từ tự nhiên suy giảm, nên việc sản xuất giống phục vụ cho các khu vực nuôi theo chứng nhận sinh thái, hữu cơ bị thiếu. Một số khu vực RNM chưa phục hồi nên khó đạt các tiêu chí về môi trường trong quá trình áp dụng chứng nhận; liên kết sản xuất theo chuỗi chưa thực sự chặt chẽ…
PV: Trong thời gian tới, ICAFIS sẽ triển khai những giải pháp gì để đẩy mạnh phát triển mô hình này tại Việt Nam?
Ông Đinh Xuân Lập: Hiện tại ICAFIS đang phối hợp cùng Tổ chức phi chính phủ (OXFAM) tại Việt Nam và các đối tác địa phương triển khai Dự án Phát triển chuỗi giá trị sản xuất tôm bền vững - công bằng tại Việt Nam (SusV), do Liên Minh Châu Âu tài trợ. Thông qua Dự án, ICAFIS sẽ thúc đẩy các mô hình sản xuất bền vững gắn với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, trong đó có RNM; nâng cao năng lực cho người nuôi và tổ chức cộng đồng trong sản xuất gắn với thị trường; thúc đẩy hình thành các liên kết chuỗi tôm, qua đó, chia sẻ lợi ích, trách nhiệm của các bên trong sản xuất và bảo vệ tài nguyên, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Trong thời gian tới, ICAFIS sẽ tiếp tục phối hợp với Tổng cục thủy sản (Bộ NN&PTNT), các trường đại học, viện nghiên cứu tổ chức tập huấn cho các địa phương trên cả nước nâng cao chất lượng và sản lượng tôm sinh thái; mở rộng diện tích nuôi tôm sinh thái RNM gắn với chứng nhận quốc tế; xây dựng thương hiệu tôm Việt gắn với sản phẩm sinh thái, hữu cơ; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cho sản phẩm tôm RNM; tạo cơ chế bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong việc xây dựng chứng nhận quốc tế; tăng cường liên kết, công khai, minh bạch trong việc chia sẻ trách nhiệm và quyền lợi giữa các bên trong chuỗi giá trị tôm và bảo vệ rừng; hoàn thiện hành lang pháp lý khuyến khích doanh nghiệp và tổ chức tham gia mô hình nuôi tôm sinh thái có chứng nhận quốc tế.
Xin cảm ơn ông!
Châu Loan (Thực hiện)
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 8/2018)