02/10/2018
Những năm qua, ngành công nghiệp sản xuất giấy tăng trưởng nhanh đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, ngành giấy lại là một trong những ngành phát sinh nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt đối với nguồn nước. Vì vậy, giải pháp để ngành giấy nâng cao năng lực sản xuất, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, thay đổi các mô hình sản xuất theo hướng bền vững và thân thiện môi trường là cần thiết.
Thống kê cho thấy, cả nước có khoảng 1.000 doanh nghiệp (DN) sản xuất giấy, trong đó có 80% là các DN có quy mô sản xuất nhỏ, công suất dưới 10.000 tấn/năm, dẫn đến chất lượng sản phẩm thấp chủ yếu đáp ứng nhu cầu trong nước. Để sản xuất ra 1 tấn giấy thành phẩm, các nhà máy Việt Nam phải sử dụng khoảng 2 tấn gỗ và 100 - 350 m3 nước, trong khi các nhà máy giấy hiện đại của thế giới chỉ sử dụng 7 - 15 m3 nước. Sự lạc hậu này không chỉ gây lãng phí nguồn nước, mà còn làm cho doanh nghiệp tăng chi phí xử lý môi trường, nhất là công đoạn tẩy trắng - công đoạn gây ô nhiễm lớn nhất (chiếm 50 - 70% tổng lượng nước thải và chiếm 80 - 95% tổng lượng dòng thải gây ô nhiễm) và phát sinh từ 45 - 48 kg chất thải rắn/tấn sản phẩm.
Ngoài ra, theo nghiên cứu năm 2016 của Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô (Tổng công ty Giấy Việt Nam) cho thấy, trong các cơ sở công nghiệp sản xuất giấy và bột giấy, nước thải thường có độ pH trung bình 9 - 11, chỉ số nhu cầu ôxy sinh hóa (BOD), nhu cầu oxy hóa học (COD) cao, có thể lên đến 700mg/l và 2.500mg/l. Hàm lượng chất rắn lơ lửng cao gấp nhiều lần giới hạn cho phép. Đặc biệt, nước thải có chứa cả kim loại nặng, lignin (dịch đen), phẩm màu, xút, các chất đa vòng thơm Clo hóa là những hợp chất có độc tính sinh thái cao và có nguy cơ gây ung thư, rất khó phân hủy trong môi trường. Có những nhà máy giấy, lượng nước thải lên tới 4.000 - 5.000m3/ngày, các chỉ tiêu BOD, COD gấp 10 - 18 lần tiêu chuẩn cho phép; lượng nước thải này nếu không được xử lý mà đổ trực tiếp vào sông, hồ sẽ gây ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng.
Ứng dụng công nghệ mới thân thiện với môi trường sẽ hạn chế được nguy cơ gây ô nhiễm của ngành giấy
Bên cạnh đó, tại một số địa phương, tình trạng phát sinh cơ sở tái chế giấy gây ô nhiễm môi trường đang ngày càng gia tăng. Giấy phế liệu thường chứa nhiều hóa chất độc hại, như mực in, keo gián và các chất đánh bóng. Đây là các hóa chất độc hại cần phải loại bỏ khi tái chế giấy. Nếu tái chế phế liệu giấy thành giấy trắng thì còn phải tẩy trắng giấy phế liệu bằng hydrogen peroxide, hay chlorine dioxide…Vì thế, nước thải phát sinh từ tái chế phế liệu giấy sẽ chứa nhiều hóa chất độc hại hơn nước thải từ sản xuất giấy bằng nguyên liệu bột giấy. Đơn cử như ở Thừa Thiên - Huế, Công ty TNHH Sản xuất các loại giấy Như Ý nằm trong Cụm Công nghiệp Thủy Phương (Hương Thủy) chuyên tái chế giấy phế liệu thành giấy các loại. Hiện bình quân mỗi ngày, cơ sở Như Ý thu mua khoảng 30 tấn giấy để sản xuất ra sản phẩm giấy thô, giấy lau cho các quán ăn, giấy làm vàng mã… phục vụ trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Theo phản ánh của người dân, từ nhiều năm nay, vì lợi nhuận nên cơ sở trên hoạt động liên tục cả ngày và đêm. Đặc biệt, cơ sở này đã nhập các loại vải vụn phế liệu về để làm chất đốt trong lò hơi nhằm tiết kiệm chi phí, khí thải từ các lò hơi này bốc mùi khét nồng nặc và thải trực tiếp ra môi trường, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân… Trước tình trạng ô nhiễm môi trường kéo dài, mới đây, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ký văn bản yêu cầu Sở TN&MT tỉnh tăng cường công tác giám sát đặc biệt về việc chấp hành quy định BVMT đối với cơ sở này. Đoàn kiểm tra của Sở TN&MT đã tiến hành lấy mẫu phân tích để đánh giá hiện trạng môi trường tại cơ sở Như Ý. Kết quả phân tích mẫu về khí thải tại 2 ống khói lò hơi 6 tấn/giờ và 2 tấn/giờ của cơ sở Như Ý cho thấy, hầu hết các thông số đều đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp đối với chất vô cơ. Riêng 2 thông số cacbon oxit (CO) và bụi tổng của mẫu lấy tại ống khói lò hơi 2 tấn/giờ vượt lần lượt 1,3 lần và 1,32 lần so với quy chuẩn. Các thông số về mẫu đất như Cadimi (Cd) vượt 7,69 lần, Chì (Pb) vượt 1,62 lần, Đồng (Cu) vượt 1,73 lần, Kẽm (Zn) vượt 3,78 lần theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về giới hạn cho phép của một số kim loại nặng trong đất (đối với đất công nghiệp). Sở TN&MT tỉnh đã yêu cầu cơ sở Như Ý khắc phục các lỗi vi phạm trong vòng 1 tháng kể từ ngày ra thông báo (6/2/2018), nếu các cơ sở này không khắc phục, Sở sẽ tạm dừng hoạt động sản xuất trong thời gian từ 1 - 3 tháng để khắc phục. Sau thời gian tạm dừng, nếu các cơ sở không khắc phục được thì phải có phương án thay đổi công nghệ hoặc di dời cơ sở.
Trước thực trạng trên, để hạn chế nguy cơ về ô nhiễm môi trường, ngành công nghiệp sản xuất giấy cần phải đổi mới công nghệ theo hướng thân thiện với môi trường, trong đó ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất giấy như công nghệ sinh học, nhiên liệu sinh học (biomass) và nano…. Đồng thời, triển khai ứng dụng và đưa vào sản xuất các loại giấy kỹ thuật cao dùng trong công nghiệp và dân dụng, nhằm chiếm lĩnh thị trường trong nước, hạn chế nhập khẩu; Tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu, năng lượng, nâng cao hiệu quả tái chế giấy.
Về xử lý nước thải (XLNT) cần triển khai những phương pháp mới. Hiện nay, việc XLNT trong ngành công nghiệp sản xuất giấy có chứa lignin (dịch đen) được áp dụng theo 3 phương pháp như thu hồi kiềm theo công nghệ hiện đại , tuy nhiên hiệu quả không cao vì vốn đầu tư quá lớn, hoặc có thể xử lý sinh hóa bằng hệ thống xử lý nước thải, đòi hỏi kỹ thuật cao và sự chính xác tuyệt đối, cuối cùng là thay đổi tính chất của lignin trong dịch đen. Đây là một công nghệ xử lý mang tính khả thi, giảm vốn đầu tư, giúp ngành giấy giảm thiểu ô nhiễm hiệu quả.
Đối với những cơ sở sản xuất giấy gây ô nhiễm nặng, lại nằm trong khu vực thượng lưu đầu nguồn nước, chính quyền địa phương phải có các biện pháp và chế tài cần thiết yêu cầu các đơn vị ngừng sản xuất nếu không đảm bảo XLNT đạt tiêu chuẩn quy định. Bên cạnh đó, những cơ sở sản xuất giấy nhỏ không có khả năng đầu tư hệ thống XLNT thì cần di dời ra các khu công nghiệp tập trung và thực hiện XLNT liên hoàn.
Để giải quyết được bài toán hiệu quả kinh tế và BVMT, đáp ứng yêu cầu về sản xuất xanh trên thị trường quốc tế, các DN ngành giấy cần phải thực hiện các giải pháp sản xuất sạch hơn (SXSH). Đồng thời, khi áp dụng giải pháp SXSH DN có cơ hội tiếp cận các nguồn tài chính hỗ trợ đầu tư thay đổi công nghệ máy móc như: Quỹ BVMT Việt Nam, Quỹ Ủy thác Tín dụng xanh, Chương trình Hỗ trợ đầu tư xanh…
Nhà nước cần có chính sách ưu đãi đối với các dự án nhà máy ứng dụng công nghệ tiên tiến, sản xuất sạch; Khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng và hoàn thiện các hệ thống thu gom, tái chế, tái sử dụng chất thải trong ngành giấy.
Nguyễn Thùy Trang
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 9/2018)