Banner trang chủ

Ngôi nhà Xanh Liên hợp quốc tại Việt Nam: Thiết kế sinh thái thông minh

05/11/2018

     Nằm trên con đường Kim Mã của Hà Nội, Ngôi nhà Xanh Liên hợp quốc (GOUNH) đã được nhận giải thưởng Lãnh đạo trong Thiết kế và Vận hành Bền vững, do Hội đồng Công trình Xanh Thế giới (WorldGBC) trao tặng tại Lễ trao Giải thưởng Công trình Xanh khu vực châu Á - Thái Bình Dương, diễn ra ở Singapo, ngày 6/9/2018.

      GOUNH khởi công xây dựng từ năm 2013 và được cựu Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Ban Ki-moon, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cắt băng khánh thành vào tháng 5/2015. Đây là công trình được cải tạo lại, tái sử dụng từ một tòa nhà cũ, với thiết kế sinh thái thông minh và hệ thống quản lý vận hành xanh. Việc 16 cơ quan LHQ cùng làm việc chung trong GOUNH được xem là bước tiến quan trọng trong sáng kiến “Thống nhất hành động” của LHQ tại Việt Nam. Qua đó, góp phần cung cấp các tiện ích cũng như nâng cao hiệu quả toàn hệ thống LHQ ở cấp quốc gia, đồng thời làm giảm chi phí hoạt động.

 

GOUNH được cựu Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cắt băng khánh thành vào tháng 5/2015

 

     Tòa nhà 6 tầng có quy mô 7.500 m2, được thiết kế nhằm phát huy tối đa hiệu quả của hệ thống điều hòa sưởi ấm, làm mát. Bên trong tòa nhà có nhiều giếng trời để lấy ánh sáng tự nhiên và giảm thiểu việc sử dụng đèn điện. Điều này giúp GOUNH tiết kiệm được 25 - 36% lượng điện tiêu thụ cho việc chiếu sáng so với các mô hình xây dựng truyền thống hiện nay.

     Nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, BVMT, GOUNH được xây dựng bằng các vật liệu thân thiện với môi trường như sơn không chì và đồ gỗ có hàm lượng các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi thấp. Hiệu suất của hệ thống sưởi ấm, làm mát và năng lượng được tối đa hóa thông qua các tấm pin quang điện khai thác năng lượng mặt trời và tạo ra ít nhất 10% điện năng tiêu thụ hàng năm của tòa nhà. Cùng với đó, hệ thống chắn tia tử ngoại được thiết kế gần cửa sổ, mặt trước và mặt sau ngôi nhà, góp phần hạn chế bức xạ mặt trời chiếu trực tiếp vào ngôi nhà, giúp điều hòa không khí tốt hơn. Hệ thống thu hồi nhiệt của tòa nhà sẽ làm nhiệm vụ thu hồi lượng khí lạnh đã sử dụng thải ra, sau đó tiếp tục làm lạnh và cấp khí lạnh tươi trở lại. Dòng điện 1 chiều từ hệ thống điện năng lượng mặt trời được những bộ chuyển đổi này đưa sang dòng điện xoay chiều phục vụ cho tòa nhà. Đặc biệt, hệ thống đèn gần cửa sổ có thể tự điều chỉnh tăng hoặc giảm cường độ, phù hợp với ánh sáng tự nhiên bên ngoài. Bên cạnh đó, tòa nhà sử dụng 408 tấm pin năng lượng mặt trời, tạo ra ít nhất 110.000 kWh/năm, cung cấp khoảng 10% năng lượng tiêu thụ hàng năm. Đây là tòa nhà đầu tiên tại Việt Nam đưa lượng điện dư thừa vào lưới điện quốc gia, góp một phần thay thế cho nguồn điện hiện vẫn được sản xuất bởi những nguồn ít thân thiện hơn với môi trường.

 

GOUNH được xây dựng trên cơ sở cải tạo một tòa nhà cũ theo tiêu chuẩn xanh

 

     Về vận hành, tòa nhà sử dụng một hệ thống phần mềm thông minh và tập trung để kiểm soát các thiết bị cơ điện, nhiệt và thiết bị cơ khí. Tại phòng điều khiển năng lượng trung tâm, cán bộ quản lý có thể xác định mức độ tiêu thụ năng lượng tại từng vị trí, từ đó kịp thời điều chỉnh để sử dụng năng lượng một cách hiệu quả nhất.

     Những số liệu từ quá trình vận hành GOUNH cho thấy, tòa nhà giảm 28,8% năng lượng sử dụng so với thông thường; giảm 42% sử dụng nước thông qua các thiết bị; khoảng 94% cấu trúc của tòa nhà là vật liệu có thể tái sử dụng; khoảng 35% mái nhà là xanh; 77% diện tích mái và vỉa hè được thiết kế hạn chế hiệu ứng nhiệt hòn đảo… Nhờ vậy, năm 2014, mặc dù đang trong giai đoạn hoàn thiện, GOUNH đã trở thành dự án xây dựng đầu tiên tại Việt Nam đạt được nhận Chúng chỉ Lotus hạng Vàng, hạng Bạch Kim (năm 2017) của Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam (VGBC) và mới đây là giải thưởng Lãnh đạo trong Thiết kế và Vận hành Bền vững, hạng mục dành cho trụ sở của tổ chức, do WorldGBC trao tặng.

 

GOUNH sử dụng 408 tấm pin năng lượng mặt trời

 

     Có thể nói, GOUNH không chỉ đáp ứng đầy đủ tiêu chí về công trình xây dựng xanh, mà còn chia sẻ những kinh nghiệm quý báu về việc xây dựng các công trình xanh tại Việt Nam. Với cam kết hỗ trợ Việt Nam trong việc thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển bền vững, GOUNH đã, đang và sẽ tiếp tục thực hiện Mục tiêu thứ 7 của các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs), thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang năng lượng phù hợp, đáng tin cậy, bền vững và hiện đại.

 

Nguyễn Việt Cường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 10/2018)

 

 

 

 

Ý kiến của bạn