10/04/2018
Vấn đề ô nhiễm môi trường (ÔNMT) do thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) tồn lưu là thách thức lớn cho nhiều địa phương, trong đó có tỉnh Bắc Cạn. Để xử lý ô nhiễm tại những điểm tồn lưu thuốc BVTV đòi hỏi kinh phí lớn, yêu cầu kỹ thuật xử lý phức tạp, trong khi ngân sách địa phương hạn hẹp, năng lực còn hạn chế. Đây là một bài toán nan giải đối với một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn như tỉnh Bắc Cạn.
Theo Quyết định số 1269/QĐ-UBND ngày 4/8/2014 của UBND tỉnh Bắc Cạn phê duyệt Danh mục các điểm ÔNMT đặc biệt nghiêm trọng do tồn lưu thuốc BVTV trên địa bàn tỉnh, toàn tỉnh có 3 điểm ÔNMT gồm: Kho thuốc BVTV tại khu 2, xã Vân Tùng (huyện Ngân Sơn); Chi nhánh Vật tư nông nghiệp Chợ Mới (huyện Chợ Mới) và tại Bản Vén, xã Đôn Phong (huyện Bạch Thông). Trong đó, điểm ô nhiễm tại Bản Vén ở mức đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân trong khu vực.
Bản Vén cách TP. Bắc Cạn khoảng 10 km, có gần 40 hộ dân với hơn 150 nhân khẩu. Điểm ô nhiễm tồn lưu ở Bản Vén thuộc khu vực nền nhà của gia đình ông Hà Văn Quyền. Theo ông Quyền, vào những năm 1960, bà Nông Thị Thơ (mẹ vợ ông Quyền), là Đội trưởng Đội sản xuất của Hợp tác xã (HTX) Đôn Phong, thường đem thuốc trừ sâu về nhà, cất trữ trước khi phát cho các xã viên đưa đi phục vụ sản xuất. Thuốc trừ sâu để lâu ngày dưới sàn nhà, dùng không hết nên Bà đào hố chôn dưới sàn nhà, số khác do bao bì bị hở, rò rỉ ngấm xuống đất.
Khu vực đất bị ô nhiễm tồn lưu thuốc BVTV tại Bản Vén, xã Đôn Phong (huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Cạn)
Qua nhiều năm sinh sống tại khu vực này, gia đình ông Quyền đã có đến 5 người bị mắc bệnh ung thư, giếng nước sinh hoạt dù đào đến lần thứ 3 tại những vị trí khác nhau trong khuôn viên nhà vẫn thấy có mùi khó chịu. Lúc đầu, ông Quyền không biết có thuốc BVTV tồn lưu ở nền nhà cũ, đến năm 1997, khi cuốc đất trồng cây, cuốc sâu khoảng 30 cm thì phát hiện có một lớp bột trắng nặng mùi thuốc sâu. Do thiếu đất canh tác, nên ông Quyền đã trồng ngô lên vị trí đất trên, tuy nhiên, khi ra hoa thì ngô lại lụi dần rồi chết, không thể thu hoạch. Vịt nuôi thả ở ao gần đó cũng bị chết. Không chỉ gia đình ông Quyền, nhiều hộ dân trong thôn đào giếng khoan để sử dụng nhưng phần lớn nước có mùi khó chịu, đun lên có cặn, váng không dùng được. Theo kết quả phân tích của Công ty CP Kỹ thuật và Phân tích môi trường (Hà Nội), mẫu đất tại nhà ông Quyền có hàm lượng DDT là 2,6 mg/kg đất khô; Lindane 2,3 mg/kg đất khô; Vofatox 1,9 mg/kg đất khô, cao hơn nhiều lần so với tiêu chuẩn cho phép. Tuy nhiên, đối với mẫu nước giếng khoan tại thôn thì vẫn chưa được đưa đi xét nghiệm.
Trước tình trạng ÔNMT do thuốc BVTV tồn lưu tại Bản Vén đang ở mức báo động, UBND tỉnh Bắc Cạn đã giao Sở TN&MT triển khai thực hiện Dự án khắc phục ÔNMT do tồn lưu thuốc BVTV tại Bản Vén, với nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường do Trung ương hỗ trợ. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 34 tỷ đồng, trong đó, chi phí xây dựng 26 tỷ đồng. Dự án sẽ tiến hành xử lý đất bị ô nhiễm bằng phương pháp đốt và phương pháp hóa học. Khu vực này có 289 m² bị ô nhiễm nặng; 564 m² bị ô nhiễm trung bình; 676 m² ô nhiễm nhẹ và vùng đệm 1.721 m². Toàn bộ phần diện tích xử lý được đào lên sâu hơn 2 m, chỗ sâu nhất là 2,7 m để làm tơi đất, sau đó, trộn với bột sắt, ô xy già, vôi, phân vi sinh, ủ từ 3 - 5 ngày rồi trả về vị trí cũ. Vị trí đất đào được lót bạt HDPE chống thấm. Phần đất bị ô nhiễm nặng nhất khoảng 20 m³ được vận chuyển về đốt tại Nhà máy xử lý của Công ty CP tập đoàn Thành Công ở Kinh Môn (Hải Dương). Dự án bắt đầu thi công từ tháng 9/2017 và sẽ hoàn thành trong thời gian tới. Hiện nay, nhân dân thôn Bản Vén mong muốn cơ quan chức năng lấy mẫu đất ở vị trí xa hơn so với điểm đang xử lý và lấy nước giếng của một số hộ dân đưa đi xét nghiệm để xác định mức độ ô nhiễm, từ đó có cơ sở xử lý những bước tiếp theo.
Còn lại 2 điểm tồn lưu thuốc BVTV ở các huyện Chợ Mới và Ngân Sơn, Sở TN&MT sẽ tham mưu báo cáo UBND tỉnh xem xét để bố trí kinh phí, xây dựng kế hoạch xử lý. Tuy nhiên, kinh phí để xử lý ÔNMT những điểm tồn lưu thuốc BVTV tương đối lớn, trong khi Bắc Cạn là một tỉnh còn nhiều khó khăn, thu nhập và đời sống người dân còn hạn chế nên việc xử lý 2 điểm ô nhiễm trên vẫn là vấn đề nan giải. Vì thế, bên cạnh việc kiến nghị với Chính phủ, Bộ TN&MT để tiếp tục hỗ trợ kinh phí giúp xử lý 2 điểm tồn lưu thuốc BVTV còn lại trên địa bàn tỉnh, địa phương cần chủ động bố trí kinh phí, huy động nguồn lực xã hội hóa để cùng giải quyết vấn đề này. Song song với đó, tỉnh cần tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân về BVMT, tác hại của thuốc BVTV, góp phần bảo vệ sức khỏe con người.
Vương Anh Dũng
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 3/2018