Banner trang chủ

Nam Định: Tăng cường các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu

12/03/2018

    Tỉnh Nam Định có địa hình tương đối bằng phẳng, phía Đông Bắc tiếp giáp sông Hồng, phía Tây Nam là sông Đáy và có đường bờ biển gần 80 km nên rất thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản (NTTS) cũng như phát triển rừng ngập mặn (RNM). Do tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) đã làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, NTTS, làm suy giảm hệ sinh thái rừng, chủ yếu ở các tỉnh Xuân Trường, Giao Thủy, Hải Hậu và Nghĩa Hưng. Để giảm những thiệt hại do BĐKH gây ra, ngành Nông nghiệp Nam Định đã chủ động đưa ra những giải pháp ứng phó với BĐKH, nhằm tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, bảo vệ hệ sinh thái rừng.

      Tác động của BĐKH đến sản xuất nông nghiệp, thủy sản và RNM         

     Nam Định có diện tích đất nông nghiệp khoảng 115 nghìn ha, trong đó diện tích đất trồng lúa gần 80 nghìn ha, hơn 15 nghìn ha NTTS. Các hiện tượng thời tiết cực đoan như rét hại kéo dài, nắng nóng bất thường, hạn hán, mưa bão lớn, úng lụt… làm cho hàng chục nghìn ha cây trồng bị ảnh hưởng mỗi năm, thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Điển hình như cơn bão số 1 năm 2016 làm hơn 74 nghìn ha lúa mùa bị ngập úng, 8.500 ha rau màu dập nát; gần 1.200 con lợn, 44 nghìn con gia cầm bị chết; 7.500 ha diện tích NTTS bị thiệt hại… Cùng với đó, các loài sâu bệnh hại cây trồng như: sâu cuốn lá nhỏ, rầy, bệnh khô vằn, bệnh bạc lá ngày càng phát triển với mật độ cao, gây thiệt hại mùa màng. Mỗi vụ đều có hàng chục nghìn ha lúa bị nhiễm sâu, rầy. Chi phí sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) hàng năm lên tới trên 200 tỷ đồng, trong khi năng suất cây trồng vẫn bị suy giảm và ô nhiễm môi trường gia tăng…

     Đối với NTTS, do tình trạng nước mặn lấn sâu vào nội địa làm mất nơi sinh sống của một số loài thủy sản nước ngọt (đầm lầy, ruộng, ao, hồ). Đặc biệt, những các xã ven biển của 3 huyện Nghĩa Hưng, Giao Thủy và Hải Hậu, tình trạng xâm nhập mặn tăng, độ muối 1‰ vào sâu trong đất liền gần 25 km. Nhiệt độ biến động cũng gây ra hiện tượng phân tầng nhiệt rõ rệt trong thủy vực nước đứng, ảnh hưởng đến quá trình sinh sống của sinh vật. Nhiều bãi ngao vào mùa nắng nóng nhiệt độ quá cao khiến ngao chết. Nhiều diện tích NTTS bị thiệt hại vào các đợt rét đậm, rét hại kéo dài. Tính đến tháng 9/2017,  toàn tỉnh có 4.458 ha nuôi thủy sản bị thiệt hại. Trong đó có 775,8 ha nuôi cá truyền thống, 1.659ha nuôi quảng canh tôm sú và cá biển; 157,5 ha nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng; 1.885,7 ha nuôi ngao. 

 

Nam Định phát triển NTTS theo hướng tập trung, áp dụng công nghệ cao và bền vững

 

     Ngoài ra, tác động của BĐKH cũng làm ảnh hưởng đến đa dạng sinh học, làm thay đổi môi trường sống của nhiều loài động vật, thực vật của 2 khu vực đất ngập nước của tỉnh Nam Định là Vườn quốc gia (VQG) Xuân Thủy (huyện Giao Thủy) và khu vực bãi bồi ven biển huyện Nghĩa Hưng nằm trong vùng lõi của Khu Dự trữ sinh quyển Đồng bằng sông Hồng được UNESCO chính thức công nhận vào năm 2004. Nhiều diện tích bãi triều vùng Cồn Mờ (huyện Nghĩa Hưng) bị xói lở  làm diện tích RNM giảm. Sự biến đổi dòng chảy và sự dâng lên của mực nước biển đã làm nhiều loài đặc hữu ở VQG Xuân Thủy bị suy giảm nghiêm trọng như cá chuối sộp, cua giận, cò thìa...

     Tăng cường các giải pháp thích ứng với BĐKH

     BĐKH đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ hơn và là thách thức lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nam Định.Vì vậy, công tác ứng phó với BĐKH là nhiệm vụ ưu tiên của tỉnh. Trước hết, để thích ứng với những tác động của BĐKH, Nam Định tiếp tục đầu tư nâng cấp đê kè biển, cũng như các công trình phòng chống thiên tai; xây dựng hệ thống công trình thủy lợi phục vụ SXNN. Toàn tỉnh đã nâng cấp, kiên cố hóa 56,8/76,6 km đê biển, xây mới 8 cống và 53 mỏ kè giữ bãi bảo vệ đê. Trong trồng trọt, Nam Định đã thực hiện chuyển dịch theo hướng sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai, chuyển đổi từ diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây rau màu ngắn ngày, cây dược liệu và các mô hình canh tác kết hợp có hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời, nghiên cứu sử dụng những giống cây có khả năng chống chịu cao với ngập úng, hạn, mặn; diện tích trồng lúa thường xuyên bị hạn nên chuyển sang trồng cây rau màu; ở vùng thấp trũng, xây dựng mô hình trồng lúa kết hợp với nuôi cá, nuôi tôm; khu vực bị nhiễm mặn chuyển đổi sang NTTS…

     Các hoạt động chăn nuôi được chuyển đổi theo hướng giảm chăn nuôi nhỏ lẻ trong nông hộ sang chăn nuôi theo mô hình trang trại, gia trại quy mô vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, các địa phương còn quan tâm lựa chọn giống vật nuôi có sức đề kháng cao, thích nghi với điều kiện thay đổi của thời tiết. Cùng với đó, tỉnh đã rà soát quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội, quy hoạch dân cư, hệ thống xử lý chất thải; nâng cấp, hoàn thiện hệ thống quan trắc môi trường để kịp thời phát hiện, cảnh báo ô nhiễm môi trường.

     Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác ứng phó với BĐKH, tỉnh Nam Định đã đề ra một số giải pháp: Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, đội ngũ cán bộ làm công tác BVMT, thường xuyên tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức về ứng phó BĐKH. Hiện đại hóa, tự động hóa các trang thiết bị kỹ thuật quan trắc TN&MT để nâng cao hiệu quả dự báo, cảnh báo, điều tra, đánh giá, ứng phó với BĐKH; Tăng cường xây dựng cống điều tiết, đập tràn để giữ nước ngọt trước sự xâm nhập mặn, áp dụng công nghệ và phương thức sản xuất tiết kiệm nước; nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tại những vùng có nguy cơ cao, trong đó, tập trung chuyển đổi các vùng ao đầm sâu trũng đang sản xuất hai vụ lúa kém hiệu quả sang NTTS, hoặc chuyển đổi mùa vụ, cơ cấu giống cho phù hợp, tránh điều kiện bất lợi của thiên tai; Thu hút các dự án đầu tư có công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng, sử dụng có hiệu quả tài nguyên, ít chất thải; nghiên cứu phát triển và tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến cho ứng phó BĐKH. Khuyến khích sử dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng, nhằm giảm phát thải CO2 và sử dụng các nguồn nhiên liệu mới như xăng sinh học, các nguồn nguyên liệu thay thế phục vụ cho sản xuất và sinh học; Đẩy mạnh trồng rừng phủ xanh các vùng đất trống, đặc biệt là trồng cây chắn sóng bảo vệ các công trình thủy lợi, rừng ngập mặn. Bảo vệ và sử dụng bền vững diện tích rừng hiện có bằng cách tăng cường củng cố hệ thống rừng đặc dụng, hạn chế việc chuyển đổi đất rừng sang mục đích khác, khuyến khích người dân địa phương tham gia quản lý, bảo vệ và phát triển rừng nhằm hạn chế các tác động tiêu cực của BĐKH gây ra. Xây dựng và triển khai một số mô hình kinh tế sinh thái ven biển nhằm thích ứng với BĐKH, nước biển dâng…

 

Vũ Văn Doanh

Đại học TN&MT Hà Nội

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 2/2018

 

 

 

Ý kiến của bạn