Banner trang chủ

Nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường trong ngành thép Việt Nam

12/01/2017

   Sản xuất gang thép thuộc ngành công nghiệp nặng, tiềm ẩn và chứa đựng các yếu tố độc hại. Công nghệ sản xuất gang, phôi thép, cán các sản phẩm thép phải qua nhiều công đoạn và sử dụng các loại nguyên nhiên liệu với khối lượng lớn như tài nguyên khoáng sản (TNKS), hóa chất... Mỗi công đoạn đều phát sinh các chất thải (rắn, khí, bụi và nước thải) gây ô nhiễm môi trường nếu không qua xử lý. Do đó, mỗi doanh nghiệp (DN) trong ngành Thép Việt Nam cần hành động tích cực nhằm đảm bảo hài hòa giữa tăng trưởng và BVMT.

   Tác động môi trường do quá trình sản xuất gang thép

   Hiện cả nước có trên 300 DN nhỏ và vừa sản xuất gang thép (chiếm gần 30% tổng sản lượng gang thép sản xuất tại Việt Nam), góp phần tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm cho xã hội. Song do đầu tư nhỏ lẻ nên hầu hết các DN nghiệp gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là môi trường tại các làng nghề và các xí nghiệp nhỏ lẻ.

  Nguồn chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất gang thép gồm nước thải, khí và bụi thải, chất thải rắn. Trong đó, nước thải phát sinh từ 2 nguồn: Nước làm mát thiết bị và sản phẩm; Nước dùng để pha chế các loại hóa chất để tẩy, rửa kim loại, sơn mạ màu. Khi thải ra chúng có một số khoáng chất, dầu, mỡ dư thừa, cặn bụi, ô xít sắt và các kim loại nặng khác là tác nhân gây ô nhiễm...

   Theo tính toán, để sản xuất 1 tấn thép sẽ thải ra từ 0,5-1 tấn xỉ, 10.000 m3 khí thải, 100 kg bụi và các chất ô nhiễm như: axit, kiềm, các nguyên tố hợp kim... Trong các vùng luyện kim, khí quyển bị nhiễm bẩn chiếm tỷ lệ gần 60%. Ngoài ra, việc sản xuất thép còn sử dụng nhiều năng lượng như than, gas, điện, dầu và các chất phụ trợ như hợp kim, điện cực, khí trơ, vật liệu đầm lò. Đặc biệt, quá trình sản xuất gang thép đã tạo ra một lượng lớn các chất thải gây ô nhiễm môi trường với một lượng bụi lên tới hàng nghìn tấn/năm, thành phần chủ yếu là các oxit kim loại và những loại oxit khác (FeO, MnO, Al2O3, SiO2, CaO, MgO) và các loại khí thải chứa CO, CO2, SO2, NO2, gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người mà trực tiếp là những công nhân làm việc trong nhà máy. Ngoài ra, các vấn đề về ô nhiễm nhiệt, rung động, tiếng ồn cũng là những vấn đề ngành thép phải quan tâm.

Sản xuất 1 tấn thép sẽ thải ra từ 0,5-1 tấn xỉ, 10.000 m3 khí thải, 100 kg bụi

   Các giải pháp BVMT ngành Thép Việt Nam

   Để nâng cao hiệu quả BVMT, ngành Thép cần triển khai các giải pháp BVMT một cách đồng bộ như:

   Tiếp tục nâng cao nhận thức về BVMT: Cán bộ lãnh đạo (CBLĐ) các DN cần phải nhận thức đầy đủ về BVMT đối với sự phát triển của ngành Thép Việt Nam; Tổ chức tuyên truyền sâu rộng để người lao động hiểu và thực hiện pháp luật về BVMT; Phổ biến cho các doanh nghiệp hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ, quyền hạn và trách nhiệm về BVMT. Các DN của ngành Thép đều phải có trách nhiệm triển khai và thực hiện nghiêm túc các văn bản pháp luật liên quan về tài nguyên khoáng sản và BVMT; Không phê duyệt những Dự án đầu tư với công nghệ lạc hậu, không đảm bảo điều kiện môi trường; Trang bị đủ hệ thống thiết bị kiểm soát ô nhiễm môi trường tại các cơ sở sản xuất thép theo TCVN và tiêu chuẩn ISO 14000; Phối hợp với cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử phạt các vi phạm hoạt động khoáng sản (HĐKS) và BVMT ở các đơn vị trong ngành Thép.

   Đào tạo nguồn nhân lực cho HĐKS và BVMT: Củng cố và nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ quản lý HĐKS và BVMT. Chú trọng tổ chức đào tạo mới và đào tạo lại cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật có chuyên môn liên quan đến HĐKS và BVMT của các đơn vị. Hợp tác trong nước và ngoài nước về nghiên cứu khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực thuộc lĩnh vực chuyên môn về BVMT.

   Lựa chọn công nghệ, đầu tư chiều sâu và tăng cường nguồn tài chính cho nghiên cứu khoa học về HĐKS và BVMT: Lựa chọn và áp dụng công nghệ khai thác, chế biến và sản xuất thép tiên tiến và hiện đại. Chú trọng công nghệ "Sản xuất sạch hơn" tại một số đơn vị trọng điểm. Đầu tư chiều sâu, đổi mới thiết bị nhằm BVMT. Lấy việc phòng ngừa ô nhiễm, giảm thiểu chất thải, hạn chế phát sinh gây tác động tiêu cực bằng việc sử dụng công nghệ ít tiêu tốn vật tư, nguyên nhiên liệu. Kết hợp với biện pháp xử lý cuối nguồn để đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường. Huy động nguồn vốn xã hội để đầu tư một số dự án trọng điểm và có hiệu quả cao. Xây dựng danh mục các dự án để kêu gọi đầu tư.

TS. Nghiêm Gia

Hội Khoa học Kỹ thuật đúc luyện kim Việt Nam

KS. Bùi Huy Tuấn

Tổng Công ty thép Việt Nam

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 12/2016

Ý kiến của bạn