06/08/2020
Trước những tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), Việt Nam đang tích cực thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó có nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính (KNK) như cam kết trong Thỏa thuận Paris về BĐKH tại COP 21. Thực hiện yêu cầu của Thỏa thuận Paris về thiết lập hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định (MRV) cho các hoạt động giảm nhẹ phát thải KNK ở cấp quốc gia, cấp ngành trong một số lĩnh vực, Bộ TN&MT đã triển khai Dự án Lồng ghép giảm nhẹ phát thải KNK trong hạ tầng quốc gia, lĩnh vực năng lượng, giao thông trong khuôn khổ Quỹ Công nghệ sạch (CTF) do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB)
tài trợ và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Quá trình phát triển kinh tế mạnh mẽ đã khiến Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có tốc độ tăng phát thải KNK nhanh nhất, từ mức hơn 21 triệu tấn khí thải CO2tđ năm 1990 lên 150 triệu tấn CO2tđ năm 2000; dự tính lượng khí thải CO2 tăng lên 500 triệu tấn vào năm 2020. Theo Báo cáo kỹ thuật kiểm kê quốc gia KNK của Việt Nam năm 2014 (Bộ TN&MT năm 2018), trong các lĩnh vực có phát thải KNK, tỷ lệ phát thải KNK lĩnh vực năng lượng (bao gồm hoạt động giao thông vận tải) lớn nhất chiếm 53,8%; lĩnh vực nông nghiệp chiếm 27,92%; sản xuất công nghiệp và tiêu thụ sản phẩm chiếm 12,1% và 6,69% từ chất thải.
Chung tay cùng thế giới giảm phát thải KNK, ứng phó với BĐKH, năm 2016, Việt Nam phê duyệt Thỏa thuận Paris và ban hành Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH, bao gồm 68 nhiệm vụ để các Bộ, ngành, địa phương triển khai trong giai đoạn 2016 - 2030. Theo Kế hoạch này, Việt Nam đã đề ra mục tiêu giảm nhẹ phát thải KNK đến năm 2030 là sẽ giảm 8% tổng lượng phát thải KNK (bằng nguồn lực trong nước) so với kịch bản phát triển thông thường (BAU) quốc gia và có thể tăng lên thành 25% khi nhận được sự hỗ trợ của quốc tế. Theo yêu cầu của Thỏa thuận Paris, tất cả các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam phải thực hiện các hành động về ứng phó với BĐKH, chuyển từ ứng phó với BĐKH tự nguyện sang ràng buộc, có sự kiểm tra giám sát của cộng đồng quốc tế. Điều 13 Thỏa thuận Paris về minh bạch trong ứng phó với BĐKH nêu rõ, các quốc gia phải thiết lập hệ thống MRV cho các hoạt động giảm nhẹ phát thải KNK ở cấp quốc gia và cấp ngành, từ đó có căn cứ minh bạch về hiệu quả của các hoạt động đó. Nói một cách khác, hệ thống MRV chính là công cụ để đánh giá chính xác hiệu quả của các dự án, hoạt động giảm phát thải KNK, ứng phó với BĐKH, tiến tới phát triển lĩnh vực năng lượng và giao thông theo hướng bền vững.
Hội thảo về hướng dẫn đo đạc, báo cáo và thẩm tra (MRV) cho các dự án tương tự Dự án CTF tài trợ trong lĩnh vực giao thông và năng lượng tại Việt Nam ngày 15/8/2019
Năm 2009, Việt Nam phối hợp với Quỹ CTF, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Cơ quan Tài chính quốc tế (IFC), Ngân hàng Thế giới xây dựng Kế hoạch Đầu tư quốc gia sử dụng Quỹ CTF. Kế hoạch đã xác định, lĩnh vực năng lượng và giao thông là những ngành ưu tiên để thúc đẩy đầu tư công nghệ phát thải các-bon thấp tại Việt Nam. Từ năm 2013 đến nay, Quỹ CTF đã ủy thác qua ADB tài trợ nguồn vốn vay ưu đãi cho một số dự án cơ sở hạ tầng phát thải các-bon thấp tại Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng và giao thông vận tải. Quỹ cũng yêu cầu chủ đầu tư các dự án phải có báo cáo hàng năm dựa trên hướng dẫn và các chỉ số cốt lõi như: cường độ các-bon, lượng phát thải KNK giảm được, huy động tài chính cho phát triển các-bon thấp và năng lượng tái tạo... Từ đó, đo lường tiến độ, hiệu quả của các hành động giảm nhẹ phát thải khí NKK.
Tại Việt Nam, Bộ TN&MT được giao là cơ quan đầu mối thực hiện các chương trình, dự án trong khuôn khổ Kế hoạch Đầu tư quốc gia sử dụng Quỹ CTF và có trách nhiệm báo cáo tiến độ, cũng như hiệu quả đầu tư các giải pháp giảm nhẹ phát thải KNK cho Ủy ban Quỹ CTF để đưa ra các biện pháp cải thiện hoạt động của các dự án sử dụng vốn từ Quỹ. Để làm được việc này, các cơ quan thực hiện dự án phải thiết lập đường phát thải cơ sở và triển khai hệ thống MRV. Tuy vậy, hầu hết các cơ quan tại Việt Nam chưa thiết lập được hệ thống MRV cần thiết và một số dự án CTF đang triển khai lại chưa có đủ thông tin theo các chỉ số trong khung giám sát. Do đó, từ năm 2015, Bộ TN&MT cùng các Bộ, ngành liên quan và Ngân hàng ADB đã xây dựng Dự án Lồng ghép giảm nhẹ phát thải KNK trong hạ tầng quốc gia, lĩnh vực năng lượng, giao thông, nhằm hỗ trợ cơ quan đầu mối tại Việt Nam thực hiện hiệu quả các giải pháp giảm nhẹ phát thải KNK trong hai lĩnh vực. Cụ thể, Dự án giúp thiết lập, triển khai hệ thống MRV trong lĩnh vực năng lượng, giao thông vận tải; xây dựng các hướng dẫn giảm nhẹ KNK trong 2 lĩnh vực này; tăng cường năng lực về thể chế và kỹ thuật cho cơ quan điều phối các dự án để thực hiện MRV, từ đó đề xuất các giải pháp giảm nhẹ phát thải KNK.
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất trong việc xây dựng hệ thống MRV tại Việt Nam đó là Chính phủ vẫn chưa có quy định cụ thể về vấn đề MRV và khung hệ thống MRV quốc gia theo yêu cầu của Thỏa thuận Paris về BĐKH chưa được hoàn thiện. Trong khi, việc thực hiện MRV hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện, nên rất khó phân định trách nhiệm báo cáo các số liệu do cơ quan, đơn vị nào thực hiện. Bên cạnh đó, nguồn lực và năng lực của các Bộ, ngành còn hạn chế. Bộ TN&MT đã giao Cục BĐKH chủ trì xây dựng Dự thảo Quyết định trình Thủ tướng Chính phủ về hệ thống MRV các hoạt động giảm nhẹ phát thải KNK cấp quốc gia.
Nhằm đạt được các mục tiêu đề ra, thời gian qua, Dự án đã triển khai các hoạt động và đạt được một số kết quả nổi bật như xây dựng được hệ thống MRV cho các dự án do CTF tài trợ và khung thể chế MRV cho các dự án đó; hướng dẫn việc thực hiện MRV cho lĩnh vực giao thông và năng lượng; tổ chức đào tạo cho các cơ quan điều phối dự án, cũng như các bên liên quan về MRV; xây dựng các sản phẩm truyền thông của Dự án; nâng cao năng lực cho các cơ quan liên quan về đánh giá các hành động giảm nhẹ phát thải KNK và giảm thiểu BĐKH… Các kết quả của Dự án là tiền đề để tăng cường hơn nữa việc thực hiện MRV trong các dự án do CTF tài trợ, cũng như ở phạm vi rộng hơn trong các ngành, lĩnh vực khác, thậm chí là xây dựng hệ thống MRV các hoạt động giảm nhẹ phát thải KNK cấp quốc gia.
Để tiếp tục phát huy kết quả của Dự án cho công tác ứng phó với BĐKH, giảm phát thải KNK tại Việt Nam, thực hiện các yêu cầu quốc tế và tham gia thị trường các-bon của thế giới, các cơ quan liên quan cần thúc đẩy nhanh việc xây dựng hệ thống MRV theo hướng đồng bộ, minh bạch; hiện đại hóa công tác thu thập và quản lý cơ sở dữ liệu; làm rõ trách nhiệm liên quan đến MRV ngay từ khi bắt đầu xây dựng các dự án do CTF tài trợ cho phù hợp với hướng dẫn của CTF. Hệ thống báo cáo cũng cần đơn giản hóa để đảm bảo tính khả thi khi triển khai thực tiễn. Đặc biệt là cần xây dựng một tài liệu quy phạm pháp luật về MRV cấp quốc gia để làm căn cứ thiết lập và vận hành MRV ở các cấp dự án, cấp tiểu ngành. Đồng thời, chuẩn hóa các phương pháp tính toán giảm phát thải KNK ở cấp dự án, để các cơ quan liên quan có thể sử dụng kết quả của MRV theo dõi tiến trình Báo cáo đóng góp do quốc gia tự quyết định và các nghĩa vụ báo cáo cho Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH.
TS. Chu Thị Thanh Hương
Ths. Trần Đỗ Bảo Trung
Cục Biến đổi khí hậu
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 7/2020)