Banner trang chủ

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Xây dựng các mô hình điểm bảo vệ môi trường - Thực trạng và giải pháp

15/09/2015

     Với vai trò, trách nhiệm của một tổ chức liên minh chính trị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) đã, đang và sẽ cùng với Đảng, Nhà nước và các đoàn thể nhân dân triển khai nhiều giải pháp cụ thể, tích cực trong quá trình thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư". Cuộc vận động tuyên truyền các tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm và thay đổi hành vi, thái độ theo hướng tích cực trong việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên, BVMT, phòng ngừa và ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần đẩy mạnh công tác xã hội hóa, tăng cường sự đồng thuận của xã hội đối với sự nghiệp BVMT .      Thực hiện Nghị quyết số 41/NQ-TW, ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị; Chiến lược BVMT quốc gia; Luật BVMT năm 2005 và Nghị quyết liên tịch số 01/2004/NQLT-MTTQ-BTNMT, ngày 28/10/2004 giữa Ban Thường trực Uỷ ban MTTQVN và Bộ TN&MT về phối hợp thực hiện Chiến lược BVMT quốc gia, Ban Thường trực UB MTTQ Việt Nam đã chỉ đạo và triển khai xây dựng các “Mô hình điểm khu dân cư (KDC) tự quản BVMT” trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở KDC”.      Kết quả xây dựng các mô hình điểm      Từ năm 2007 năm 2013, từ 66 mô hình điểm KDC tự quản BVMT do Trung ương chỉ đạo triển khai ở 33 tỉnh, thành phố trên toàn quốc, UBMTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố đã nhân rộng đến hàng nghìn KDC trong cả nước. Tiêu biểu là: TP. Hải Phòng đã nhân rộng được 2.568 KDC (với kinh phí hỗ trợ trên 327 triệu đồng); TP. Hà Nội đã nhân rộng 29 KDC (với kinh phí hỗ trợ 1,160 triệu đồng); TP. Đà Nẵng đã nhân rộng 195 KDC (với kinh phí hỗ trợ 20,75 triệu đồng); Tỉnh Bắc Giang nhân rộng 392 KDC (với kinh phí hỗ trợ 1234,798 triệu đồng); Tỉnh Khánh Hòa nhân rộng 87 KDC (với kinh phí hỗ trợ 116, 250 triệu đồng).      Tại các KDC được Trung ương chọn xây dựng mô hình điểm cũng như các KDC do các tỉnh, thành phố nhân rộng đã tạo sự chuyển biến quan trọng về nhận thức BVMT và thay đổi hành vi theo hướng tích cực, tập trung giải quyết một số vấn đề cấp bách về vệ sinh môi trường. Nhiều KDC đã xóa những tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan, xây dựng và thực hiện tập quán mới; ăn chín, uống sôi, dùng nước sạch trong sinh hoạt, ốm đau đến trạm xá, bệnh viện, làm công trình vệ sinh, nhà tắm, giếng nước, thu gom rác thải đến nơi tập trung... Vào dịp kỷ niệm Ngày Môi trường thế giới (05/6) hằng năm, các xã, phường, thị trấn đều tổ chức mít tinh, ra quân dọn vệ sinh môi trường dọc các đường giao thông, nơi công cộng của các KDC, nêu gương các điển hình cho nhân dân noi theo trong công tác BVMT.      Những vấn đề bức xúc từ thực tế về môi trường của thôn, làng đã được người dân chủ động bàn bạc xử lý theo nội dung đã cam kết của các hộ gia đình. Người dân ở các KDC xây dựng mô hình điểm ngày càng nâng cao ý thức tự giác, chủ động BVMT từ trong mỗi gia đình ra ngoài ngõ, xóm.      Các Tổ tự quản BVMT đã xây dựng quy chế, kế hoạch hoạt động phù hợp với địa bàn dân cư; tổ chức thảo luận các quy định BVMT tại cộng đồng, đưa vào hương ước hoặc xây dựng quy chế về BVMT ở cộng đồng dân cư và tổ chức cho 100% các hộ gia đình ký cam kết thực hiện; thành lập các tổ thu gom rác thải có trang bị xe, quần áo bảo hộ lao động, quy định phụ cấp cho tổ thu gom rác thải bằng tiền đóng góp của nhân dân, nơi nào chưa tổ chức thu gom rác thì hướng dẫn cách xử lý chôn lấp, đốt tại vườn; xây hố ga xử lý nước thải trước khi thải ra ngoài; huy động nhân dân sửa hệ thống cống, rãnh thoát nước…      Đã có những chuyển biến rõ rệt trong nhận thức của người dân và thay đổi một số hành vi trong sinh hoạt như: Không còn tình trạng vứt rác thải, đặc biệt là bao, túi ni lông ra đường công cộng, kênh mương; tại đô thị đã đổ rác đúng nơi quy định, bắt đầu thực hiện phân loại rác thải theo hướng dẫn của các Tổ tự quản BVMT. Các chi hội, đoàn thể nhận trách nhiệm về quản lý vệ sinh từng đoạn đường, con phố, cụm dân cư, trong đó hội viên, đoàn viên làm nòng cốt thực hiện cũng như tổ chức việc tự giám sát lẫn nhau trong quá trình thực hiện các quy định về BVMT.      Bên cạnh những kết quả đạt được, các mô hình điểm KDC BVMT vẫn còn hạn chế do nhận thức về vai trò, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền chưa đồng đều, có nơi còn giao khoán công việc cho cán bộ. Năng lực, trình độ của các thành viên trong Ban vận động ở một số mô hình điểm còn yếu, lúng túng khi thực hiện nhiệm vụ được phân công. Một bộ phận không nhỏ người dân ở các KDC nhận thức chưa đúng về mục đích, yêu cầu của việc xây dựng mô hình điểm, còn tâm lý ỷ lại, trông chờ cấp trên đầu tư nhiều kinh phí hơn nữa cho các hoạt động, trong khi đó, kinh phí hỗ trợ từ nguồn sự nghiệp môi trường ở Trung ương đề đầu tư duy trì, nhân rộng các mô hình điểm cho các địa phương ngày càng khó khăn, năm sau giảm nhiều hơn so với năm trước.      Ở một số KDC, do thói quen, tập quán sinh hoạt còn lạc hậu nên vẫn còn tình trạng xả chất thải độc hại ra kênh mương… Trong khi hoạt động tự quản chủ yếu là đôn đốc nhắc nhở, chưa có hình thức, cơ chế xử phạt cụ thể. Tại những khu tập thể trong thành phố, thị xã có nhiều hộ kinh doanh về sắt thép, hàn, sửa chữa điện lạnh, sơn xì, kinh doanh đồng nát (thu gom vật liệu sách báo cũ), kèm theo phá dỡ…; tại các khu vực cận đô thị đang xuất hiện nhiều những hộ nông thôn chăn nuôi lớn, kinh doanh dịch vụ như thu mua giết mổ gia súc (trâu, bò, lợn, gà, vịt, chó) làm bún, đậu phụ để cung cấp cho đô thị … là nguồn gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường như khói bụi, tiếng ồn, mùi hôi thối, ruồi nhặng phát tán lây lan ra xung quanh và cộng đồng.   Nhiều KDC đã chủ động BVMT từ trong mỗi gia đình ra ngoài ngõ, xóm        Một số địa phương chưa bố trí khu đất tập trung làm bãi chứa rác thải, chưa có sự liên hoàn trong xử lý từ khâu tập trung đến vận chuyển và xử lý. Sự phối hợp giữa Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam một số tỉnh, thành phố với ngành TN&MT các cấp còn nhiều lúng túng, chưa chặt chẽ nên gặp khó khăn trong hướng dẫn, chỉ đạo kiểm tra, tổng kết, duy trì và nhân rộng các mô hình điểm.      Các giải pháp về công tác triển khai, nhân rộng mô hình điểm BVMT      Tiếp tục triển khai Chương trình phối hợp thực hiện các nhiệm vụ trên lĩnh vực tài nguyên, môi trường đã ký kết giữa Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam và Bộ TN&MT (ngày 1/6/2012). Căn cứ đặc điểm của các loại hình KDC ở nông thôn và các KDC đô thị để xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh.      Cứ vào tình hình, nhiệm vụ mới: BVMT gắn liền với ứng phó với biến đổi khí hậu, trong thời gian tới, Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam và Bộ TN&MT cần tiến hành xây dựng mô hình điểm KDC BVMT và ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng ở các địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp của biến đổi khí hậu, trước mắt là những địa phương ven biển, vùng đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long.      Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa UBMTTQ Việt Nam các cấp và các ban ngành TN&MT, các ngành, đoàn thể tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về BVMT. Phối hợp tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp về công tác BVMT. Hướng dẫn lồng ghép nội dung, tiêu chí thực hiện BVMT với cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở KDC, bình xét "KDC văn hóa", "Gia đình văn hóa"; đồng thời, xây dựng kế hoạch phối hợp triển khai các chương trình và hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật, tài liệu về hoạt động giám sát thực hiện pháp luật BVMT, tập hợp, đoàn kết các cộng đồng dân cư thực hiện nhiệm vụ BVMT.      Phát huy và nâng cao trách nhiệm của Mặt trận các cấp, các tổ chức thành viên, nhất là vai trò của Ban Công tác Mặt trận ở KDC phối hợp các đơn vị chức năng ở địa phương nhân rộng các mô hình điểm BVMT.   ThS. Lê Mậu Nhiệm Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 2/2014      
Ý kiến của bạn