18/07/2017
Sau hai tháng triển khai Dự án làm sạch nước hồ Hạnh phúc bằng công nghệ Bakture do Tập đoàn Seibu Steel Nhật Bản và Công ty Cổ phần Cải thiện môi trường Nhật Việt (JVE) tài trợ và thực hiện, ngày 17/7/2017, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Hải Phòng phối hợp với Sở Xây dựng và UBND quận Kiến An tổ chức Họp báo công bố kết quả xử lý ô nhiễm môi trường nước hồ Hạnh phúc.
TSKH.Nghiêm Vũ Khải, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) phát biểu tại buổi họp báo
Theo kết quả quan trắc do Viện Tài nguyên và Môi trường Biển công bố cho thấy, sau gần 2 tháng kể từ lúc bắt đầu xử lý nước hồ Hạnh Phúc, các thông số môi trường đã hầu như đạt yêu cầu theo cột B2 và đang tiến tới cột B1 của QCVN. Các thông số như TSS (34,7 mg/l) đã gần đạt đến cột A2 (nước dành cho sinh hoạt <30 mg/l); Nitơ tổng và phosphat cũng đã gần đạt yêu cầu cho nước sinh hoạt; Mức độ ô nhiễm giảm đi rõ rệt; Độ trong suốt đạt đến 60 - 67 cm. Nước hầu như không bốc mùi hôi và khó chịu. Nhìn chung, quá trình xử lý của bột Bakture đạt yêu cầu về tiến độ và chất lượng. Như vậy, chỉ sau gần 2 tháng sử dụng Bakture, các chỉ số môi trường trước khi xử lý từ gấp 3 lần so với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước mặt (QCVN 08-MT:2015/BTNMT) thì nay gần như đã nằm trong giới hạn cho phép và mùi (amoniac) đã hoàn toàn không còn. Điều này chứng minh công nghệ của Nhật Bản có tính chính xác và hiệu quả rất cao, đặc biệt nguyên liệu hoàn toàn thiên nhiên, rất thân thiện với môi trường. Theo tính toán của các chuyên gia Nhật Bản, dự kiến đến tháng thứ 3 (17/8/2017), các thông số môi trường có thể đáp ứng hoàn toàn cột B2 và thậm chí là cả cột B1 của Quy chuẩn môi trường Việt Nam.
Mẫu nước sau khi xử lý, ngày 10/7/2017
Bột Bakture được sản xuất từ các nguyên liệu thiên nhiên, bằng công nghệ riêng biệt với nguyên liệu chủ yếu là đá núi lửa dạng tổ ong, xốp. Giúp thúc đẩy quá trình tự làm sạch của môi trường thông qua phát huy tối đa năng lực phân giải các chất bẩn, độc hại… bởi các vi sinh vật có lợi sẵn có trong môi trường. Sản phẩm đã được cấp bằng sáng chế tại Nhật Bản và được tổ chức UNIDO công nhận về công dụng làm sạch môi trường. Bakture là viết tắt của cụm từ tiếng Anh "back to the nature" - trở về với tự nhiên. Công nghệ này đã xử lý thành công tại 300 điểm ô nhiễm trên khắp nước Nhật bao gồm khu vực nước thải công nghiệp, cơ sở chăn nuôi, nước hồ, ao ô nhiễm do tù đọng và được giới thiệu và thử nghiệm tại một số nước châu Á như Ấn Độ, Lào, Inđônêxia, Thái Lan.
Sự khác biệt lớn nhất giữa Bakture với các chất xử lý môi trường ở dạng kết tủa, hấp phụ chính là kích hoạt, phát triển khả năng tự phân giải của các vi sinh vật có lợi trong môi trường. Thực tế cho thấy, kết tủa và hấp phụ thực chất là phương pháp làm lắng đọng và thu gom các chất có hại, chất bẩn. Khi quan sát bằng mắt thường thì nước có thể sạch, tuy nhiên, do các chất bẩn và chất có hại chỉ được xử lý dưới dạng kết tủa, lắng đọng, hấp phụ nên những chất bẩn vẫn còn lưu lại. Vì vậy, 2 phương pháp này chưa xử lý được tận gốc vấn đề ô nhiễm nước. Hơn nữa, các chất có hại và chất bẩn sau khi được lắng đọng và hấp phụ nếu không được xử lý thì lại chính là một trong những nguyên nhân gây phát sinh chất có hại và chất bẩn khác sau này. Bakture là phương pháp xử lý phân giải làm biến chất có hại và chất bẩn thành chất không có hại. Nó có khả năng tự làm sạch, giúp giảm công sức lao động vả chi phí để loại bỏ các cặn bã sau khi được cho lắng đọng và hấp phụ.
Hồ Hạnh phúc đã trong xanh trở lại sau hai tháng được xử lý
Ông Nguyễn Tuấn Anh - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Cải thiện môi trường Nhật Việt (JVE) đơn vị tài trợ cho biết, bên cạnh việc xử lý hiệu quả đối với nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp, nước ao đầm, sông ngòi bị ô nhiễm, xử lý mùi ở cơ sở chăn nuôi… Bakture còn ứng dựng xử lý hiệu quả tại khu vực đất bị nhiễm chất độc màu da cam dioxin, cải thiện môi trường dinh dưỡng trong đất… Dự kiến trong thời gian tới Công ty sẽ tài trợ xin thí điểm xử lý một số điểm ô nhiễm nghiêm trọng hiện nay ở Việt Nam như hồ Hoàn Kiếm, sông Tô lịch (Hà Nội), cũng như các hộ nuôi trồng thủy sản bị ô nhiễm do Formosa ở 4 tỉnh miền Trung để chứng minh công nghệ thiên nhiên này của Nhật Bản.
Lãnh đạo Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Hải Phòng trao Giấy khen
cho chuyên gia Nhật Bản và Việt Nam tham gia xử lý môi trường hồ Hạnh Phúc
Nhân dịp này, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Hải Phòng trao Giấy khen cho các chuyên gia Nhật Bản và Việt Nam vì đã đóng góp cho công tác xử lý môi trường hồ Hạnh Phúc.
Phạm Tuyên