Banner trang chủ

Mô hình sản xuất sợi sen thành các sản phẩm dệt may thân thiện với môi trường

03/05/2019

     Hiện nay, ngành công nghiệp dệt may đóng vai trò quan trọng trong đời sống của con người. Tuy nhiên, sản phẩm dệt may càng bắt mắt và đa dạng thì chất thải từ ngành công nghiệp này càng nguy hại và tác động tới môi trường. Để giảm hệ lụy tới môi trường, Viện Kinh tế sinh thái (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam - VUSTA) phối hợp với Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức thực hiện Đề tài: “Nghiên cứu thử nghiệm mô hình sản xuất sợi từ cuống lá sen”. Đề tài được triển khai sản xuất từ năm 2016 tại Thôn Hạ, xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội. Đến nay, sau ba năm thực hiện mô hình sản xuất sợi từ cuống lá sen đã giúp phát triển làng nghề dệt ở thôn Hạ, vừa góp phần BVMT và tăng thu nhập cho người dân ở nông thôn.

     Giá trị và nguồn gốc của nghề dệt tơ sen

     Ở Việt Nam có nhiều giống sen, ngoài sen hồng còn có sen trắng, vàng, mọc ở Đồng Tháp Mười, thuộc hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp. Cây sen cũng là cây trồng quen thuộc ở các tỉnh đồng bằng từ Bắc đến Nam. Trong các vùng đầm lầy, ao hồ, sen còn được trồng như một loài cây cảnh. Các bộ phận của cây sen có nhiều công dụng như tâm sen dùng chữa các chứng bệnh tim, mất ngủ; nhị sen ướp trà, ngó và hạt sen làm thực phẩm, mứt… Đặc biệt, sen còn được coi là quốc hoa của Việt Nam.

     Nhận thấy, cọng lá và hoa sen ở Việt Nam chưa được khai thác, bị thải bỏ gây lãng phí, các chuyên gia của Viện Kinh tế sinh thái đã sang Myanmar là nước đầu tiên có nghề dệt vải lụa từ tơ cọng lá và hoa sen để tìm hiểu nguồn gốc của nghề dệt tơ sen. Nghề dệt tơ sen thành vải lụa thủ công của Myanmar ra đời khoảng năm 1910. Ban đầu được hình thành một cách tự phát, khởi nguồn từ ngôi làng KyaingKan (Chaing Kham) - phía Nam của hồ Inlay với sản phẩm ban đầu là tấm áo cà sa dâng lên các nhà sư trụ trì trong vùng. Qua nhiều năm, các sản phẩm tơ sen của Myanmar được quốc tế biết đến và có chỗ đứng trên thị trường thời trang cao cấp thế giới. Sản phẩm vải lụa từ tơ sen Myanmar đã và đang được xuất khẩu đi các nước Nhật, Ý, Đức, Áo, Mỹ… Hiện đã có thêm làng nghề dệt InPaw Khon có sự hợp tác với các doanh nghiệp thời trang quốc tế. Sản phẩm chủ yếu hiện nay là khăn quàng, ví, mũ, áo choàng, áo cà sa…

     Cần nhân rộng nghề dệt tơ sen ở Việt Nam

     Sau khi học tập kinh nghiệm của Myanmar, các chuyên gia Viện Kinh tế sinh thái đã hướng dẫn nghệ nhân Phan Thị Thuận - Giám đốc Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức chọn giống sen hồng đơn để trồng thử nghiệm ở thôn Hạ. Đây là giống sen cho cọng và lá to, dễ chăm sóc, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây. Chiều cao của cây khoảng 12,3 cm, kích cỡ phiến lá 4,6 cm, với dáng lá sen gần tròn.

 

Nghệ nhân Phan Thị Thuận tại xưởng sản xuất tơ sen

 

     Theo quy luật của tự nhiên, tháng 6, cây sen sẽ phát triển và ra hoa, lúc đó tiến hành chọn các cuống lá già và non để rút tơ. Sau nhiều lần thử nghiệm, kết quả cho thấy, cuống sen vừa tầm lá bánh tẻ sẽ cho ra sợi dai và đẹp nhất, còn cuống lá già sẽ gây khó khăn cho việc cắt cuống và rút sợi. Cuống sen phải rửa thật kỹ bằng nước sạch thì sợi chỉ sen kéo ra mới trắng. Một sợi chỉ sen có kích thước nhỏ hơn sợi tóc đến 10 lần. Để rút được sợi, tay trái người thợ cầm chắc ba đến bốn cuống sen, tay phải cầm dao cắt nhẹ vòng quanh với độ dài khoảng 5 cm, sao cho cuống sen vừa đủ đứt, mà lại không ảnh hưởng đến sợi tơ bên trong. Nắm chắc cuống sen, từ từ bẻ đứt, tay phải xoay nhẹ một vòng để các sợi tơ được kéo ra chụm lại với nhau rồi đặt lên mặt bàn đã lau ướt, bỏ phần cuống đã đứt. Khi lượng tơ được lấy hết sẽ miết qua mặt bàn dấp dính nước, bện từng sợi tơ lại với nhau cho đến khi chúng đủ dày. Cọng sen sẽ được cắt ngắn thành những đoạn dài 3 - 4 cm, sau đó dùng tay kéo tơ ra. Tất cả các cọng sen phải được xử lý trong vòng khoảng một ngày sau khi thu hái nếu không cọng sẽ bị khô lại, tơ sẽ bị biến chất hoàn toàn. Theo tính toán cứ 4970 cọng sen sẽ rút được 350g sợi. Một lao động một ngày trung bình có thể cắt và kéo sợi từ 300 cuống lá được một sợi tơ dài khoảng 300 m. Tùy theo độ dày mỏng mà một chiếc khăn dệt bằng sợi tơ sen phải mất ít nhất 1.500 cuống lá.

     Sản phẩm khăn lụa từ sợi sen có độ mảnh, nhẹ và bông, mùi thơm tự nhiên, hình thức đẹp hơn so với sản phẩm của Myanmar. Khăn lụa sen có mầu trắng ngà, nâu nhạt nguyên thủy, khi choàng khăn cảm giác mát rượi, hương thơm dịu lan tỏa. Giá một chiếc khăn chiều dài 1,7 m, ngang 20 cm khoảng 5 triệu đồng. Năm 2017, xưởng sản xuất của bà Thuận đã sản xuất được tổng cộng 10 chiếc khăn, bán giá 150 USD (tương đương khoảng 3,5 triệu đồng). Không chỉ dừng lại ở khăn choàng, hiện nay, sản phẩm của bà mỗi ngày càng đa dạng hơn và được may thành các sản phẩm quà tặng lưu niệm nho nhỏ như túi xách...

    Để có được những sản phẩm từ tơ sen, bao người thợ phải làm việc tỉ mẩn, cặm cụi nhiều giờ. Khác với tơ tằm có thể phơi ngoài ánh nắng mặt trời, tơ sen chỉ phơi trong nơi râm mát, thoáng gió để không bay mất mùi hương đặc trưng, tơ không bị khô khi dệt thành tấm lụa.

     Ở Việt Nam có rất nhiều địa phương trồng sen, nếu mô hình sản xuất sợi tơ sen được nhân rộng sẽ tạo việc làm cho rất nhiều lao động. Từ lụa sen, có thể sản xuất các mặt hàng lưu niệm, làm quà tặng các đoàn khách quốc tế khi đến thăm Việt Nam. Đây là món quà rất ý nghĩa thuần Việt. Tuy nhiên, hiện nay, việc dệt lụa sen hoàn toàn làm thủ công, sản lượng rất ít vì tốn nhiều công sức, hy vọng trong tương lai sẽ áp dụng công nghệ để nghề dệt tơ sen phát triển.

 

Thanh Hương

Viện Kinh tế sinh thái

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 4/2019)

 

 

 

Ý kiến của bạn