Banner trang chủ

Mô hình đồng quản lý khu nuôi ngao quảng canh bền vững tại Phân khu phục hồi sinh thái Cồn Lu thuộc Vườn quốc gia Xuân Thủy

28/05/2015

   Trong thời gian qua, Vườn quốc gia (VQG) Xuân Thủy đã xây dựng Báo cáo Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cho việc thực hiện Đề án thí điểm Đồng quản lý khu nuôi ngao quảng canh bền vững tại Phân khu phục hồi sinh thái Cồn Lu với diện tích khoảng 1.101,3 ha. Mục tiêu của Đề án là đảm bảo việc sử dụng vùng đất ngập nước nuôi ngao quảng canh, không làm ảnh hưởng tiêu cực tới mục tiêu bảo tồn thiên nhiên của VQG; đồng thời đảm bảo duy trì bền vững sinh cảnh sống tự nhiên của sinh vật hoang dã, đặc biệt là các loài chim nước và chim di cư tại khu vực.    

   1. CÁC TÁC ĐỘNG CỦA HOẠT ĐỘNG NUÔI NGAO
   Nuôi ngao có đặc thù riêng, không kể các công việc hành chính như Hợp đồng giao khoán đất để nuôi thả ngao, cắm mốc chỉ giới các vây nuôi… thì toàn bộ quy trình nuôi ngao có 2 giai đoạn: thi công san lấp mặt bãi, cải tạo bãi và quá trình nuôi thả ngao quảng canh. Mỗi một giai đoạn sẽ có những tác động khác nhau tới môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Trong thực tế nuôi ngao, giữa các giai đoạn thi công san lấp mặt bãi và giai đoạn nuôi cũng có các hoạt động trùng nhau như phun cát lên mặt bãi. Các thành phần chịu sự tác động của hoạt động nuôi ngao được nhận diện bao gồm: hệ sinh thái; cấu trúc thành phần loài và phân bố số lượng; môi trường nước, trầm tích; môi trường không khí; kinh tế - xã hội và cộng đồng cư dân địa phương.
   Đánh giá tác động khi chưa thực hiện dự án
   Việc nuôi ngao ở bãi triều tại Phân khu phục hồi sinh thái Cồn Lu của VQG Xuân Thủy đã và đang được thực hiện. Tuy nhiên, các vấn đề quản lý nuôi thả quảng canh còn đang có những bất cập giữa các cấp chính quyền địa phương, VQG Xuân Thủy và cộng đồng nuôi ngao. Bởi vậy, các đánh giá tác động của nuôi ngao khi chưa thực hiện dự án cho thấy, các hoạt động đào, san bãi, phun cát bởi các máy xúc và tàu thuyền máy có thể gây ô nhiễm dầu cho môi trường nước và trầm tích đáy từ các tàu/xà lan chở cát phục vụ phun cát lên bãi nuôi. Ngoài ra, việc đào xới bãi triều có thể xới tầng đất phèn ở lớp sâu của bãi triều đưa lên bề mặt bãi. Khí thải từ các máy xúc san bãi, tàu/sà lan chở cát với hàm lượng cao SOx và NOx gây ô nhiễm không khí cục bộ. Tác động của tiếng ồn từ máy xúc, máy bơm phun cát gây ô nhiễm tiếng ồn cục bộ tại chỗ.
   Mặt khác, bãi triều tự nhiên không có rừng ngập mặn là dạng bãi triều bằng phẳng, ngập nước thường xuyên vào những ngày nước cường, chỉ được phơi cạn vào lúc nước kém. Nền đáy là cát bột, bùn cát, bùn sét tùy theo điều kiện động lực mạnh hoặc yếu của quá trình tương tác sông và biển. Việc sử dụng máy xúc san bãi cũng như phun cát cải tạo bãi đã làm giảm các yếu tố cấu thành hệ sinh thái bãi triều tự nhiên, đặc biệt là nền đáy. Việc cắm cọc chăng lưới (vừa cao, vừa dày) xung quanh khu vực nuôi thành những vây vạng làm giảm khả năng trao đổi nước và chất dinh dưỡng theo chế độ triều ở khu vực.
   Do không có thực vật che phủ, trao đổi nước tốt, nên bãi triều không có rừng ngập mặn (RNM) có thể xem là môi trường phát triển cho nhiều loài động vật đáy, đặc biệt là các loài thân mềm như: hàu, ngao dầu, ngao vân và các loài giáp xác khác như còng đỏ, còng vuông, giun nhiều tơ... Đặc biệt ở VQG Xuân Thủy, bãi triều không có rừng ngập mặn trống trải là nơi dừng chân, kiếm mồi của rất nhiều loài chim nước di cư như: Cò mỏ thìa và rẽ mỏ thìa... Các hoạt động đào xúc san bãi và lập các ô lưới dày đặc làm các vây vạng sẽ có những tác động nhất định tới khu hệ động vật đáy vùng triều (ở mức độ trung bình). Đặc biệt, hoạt động của máy xúc và máy bơm phun cát với tiếng ồn lớn có thể khiến các loài chim nước di cư tới đây kiếm ăn bị hạn chế.
   Nhìn chung, giai đoạn thi công chuẩn bị bãi nuôi ngao như san bãi, cải tạo bãi sẽ có những tác động tới môi trường tự nhiên và môi trường xã hội nhưng chỉ ở mức thấp hoặc trung bình (các hoạt động đào, san bãi, phun cát bởi các máy xúc và tàu thuyền máy có thể gây ô nhiễm dầu cho môi trường nước và trầm tích đáy từ các tàu/xà lan chở cát để phun cát lên bãi nuôi, tác động tới hệ sinh thái bãi triều và khu hệ sinh vật vùng triều). Tuy nhiên, lưu ý tác động đáng chú ý là tiếng động từ hoạt động của máy xúc, máy bơm phun cát có thể gây nhiễu loạn, xua đuổi các đàn chim nước di cư trú chân và kiếm ăn thường thấy ở bãi triều. 
   Đánh giá tác động trong giai đoạn nuôi ngao 
   Giai đoạn nuôi ngao thịt bao gồm các hoạt động tuần tự như công đoạn thả giống, sau đó là chăm sóc và cuối cùng là thu hoạch. Trong cả chu kỳ nuôi, định kỳ từ 3-5 tháng có những hoạt động như phun cát để bổ sung thức ăn (chất hữu cơ) đồng thời làm sạch đất, trầm tích bãi nuôi, nguồn cát lấy từ vùng cửa sông Hồng. Số lần phun cát bổ sung vào vây nuôi tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của chủ vây, tình trạng chất lượng đất/trầm tích bãi (lượng thức ăn, chất thải từ bài tiết của ngao-hình thành lớp bùn màu hồng đỏ trên bề mặt bãi). 
   Trong quá trình nuôi ngao, chất thải hữu cơ từ quá trình bài tiết của ngao nuôi với mật độ lớn; Các hoạt động đào, san lấp bãi, phun cát bởi các máy xúc, máy bơm và tàu thuyền máy có thể gây ô nhiễm dầu cho môi trường nước/trầm tích. Theo kết quả quan trắc của Dự án CORIN Asia và Sở TN&MT Nam Định vào năm 2010, khu vực VQG Xuân Thủy đã bắt đầu có xuất hiện dầu mỡ khoáng, tập trung chủ yếu ở sông Vọp và cuối sông Hồng. Kết quả phân tích hàm lượng dầu mỡ khoáng tại khu vực nuôi ngao ở Cồn Lu có nơi lên đến 0,06 mg/l, thậm chí 0,09 mg/l. Nồng độ dầu mỡ khoáng tại khu vực VQG Xuân Thủy có xu hướng tăng theo thời gian (năm 2006 mới chỉ có 0,028 mg/l, năm 2007 0,034, năm 2008 đạt tới 0,038mg/l, năm 2010 trung bình tới 0,045mg/l). Đây là một yếu tố cảnh báo môi trường đối với khu vực nuôi ngao ở bãi triều thuộc VQG Xuân Thủy. 
   Mật độ thả ngao giống (ngao cúc) dao động 300-500 con/m2 có thể xem là cao, vượt quá ngưỡng chịu của hệ sinh thái bãi triều (thường thì mật độ tự nhiên của các loài ngao giống Meretrix và các loài nghêu giống Mactra ở bãi triều VQG Xuân Thủy dao động từ 0,2 - 40 con/m2), khối lượng chất thải từ quá trình bài tiết của hàng tỷ cá thể ngao hàng ngày ước tính hàng tấn dưới dạng bùn hữu cơ. Lượng bùn hữu cơ này một mặt gây ô nhiễm ngay tại bãi nuôi dẫn tới dịch bệnh cho ngao xảy ra thường xuyên hơn, mặt khác được dòng triều vận chuyển đi tới các vùng ven bờ sông nhánh, lạch triều và ven bờ ngoài Cồn Lu, tạo thành các lớp váng bùn hồng đỏ ở đây. Có thể thấy tình hình nuôi ngao ở khu vực Cồn Lu hiện nay là hoạt động sinh kế chưa bền vững, sử dụng tài nguyên quá ngưỡng tải, nên cần phải điều chỉnh sớm để hạn chế tối đa thiệt hại về kinh tế và xã hội.
   Trên thực tế, diện tích nuôi ngao ở VQG Xuân Thủy đang ngày càng được mở rộng hơn. Đa số các bãi triều không có RNM đã được tận dụng tối đa để nuôi ngao. Vấn đề này cần được kiểm soát chặt chẽ trong tương lai để bảo đảm sử dụng bền vững vùng đất ngập nước này.
   Đánh giá tác động khi thực hiện dự án
   Khi thực hiện Đề án đồng quản lý khu nuôi ngao quảng canh bền vững tại Phân khu phục hồi sinh thái Cồn Lu chắc chắn các tác động tiêu cực của nuôi ngao tới môi trường sẽ giảm đáng kể và những tác động tích cực của Đề án có điều kiện để phát huy. Từ mô hình đồng quản lý, cộng đồng nuôi ngao và chính quyền địa phương sẽ ý thức hơn về vai trò và trách nhiệm của họ đối với khai thác và sử dụng nguồn lợi bãi triều, BVMT và các hoạt động sản xuất khác. Đồng quản lý được thực hiện sẽ tăng cường tính dân chủ, đồng thuận cao và minh bạch trong lĩnh vực quản lý và trong quá trình sử dụng bãi triều nuôi ngao của tất cả các bên liên quan.
   Để thực hiện mô hình nuôi ngao quảng canh bền vững, phải thực hiện các tiêu chí cơ bản như: diện tích mỗi vây nuôi trung bình phải rộng hơn hiện nay để giảm bớt mật độ vây nuôi, qua đó tăng khả năng trao đổi nước của cả vùng bãi nuôi theo chế độ triều tự nhiên; Mật độ thả giống phải thưa hơn so với hiện nay để bảo đảm sức tải của hệ sinh thái bãi triều, bảo đảm khả năng tự làm sạch thông qua khả năng khoáng hóa của bãi triều. 
   2. BIỆN PHÁP GIẢM THIỂU TÁC ĐỘNG TIÊU CỰC
   Các chất thải phát sinh trong quá trình thực hiện dự án nuôi ngao quảng canh có thể xem là đặc thù và có tính chất cục bộ. Bởi vậy, trong khuôn khổ của Đề án, cần thực hiện các biện pháp giảm thiểu các tác động môi trường.

 

Hoạt động khai thác ngao giống của người dân địa phương


   Xây dựng thể chế đồng quản quản lý trong nghề nuôi ngao
   Đồng quản lý trong nghề nuôi ngao ở Phân khu phục hồi sinh thái của VQG Xuân Thủy được hiểu rằng là một cách tiếp cận mà ở đó, chính quyền địa phương bao gồm UBND huyện Giao Thủy, UBND các xã vùng đệm và Ban lãnh đạo VQG Xuân Thủy chia sẻ một số quyền hạn, trách nhiệm và chức năng quản lý nhất định trong nghề nuôi ngao với cộng đồng sử dụng bãi triều ở đây để nuôi ngao như là một đối tác. Từ mô hình đồng quản lý, cộng đồng nuôi ngao và các cấp chính quyền địa phương sẽ ý thức hơn về vai trò và trách nhiệm của họ đối với khai thác và sử dụng bền vững nguồn lợi bãi triều, BVMT và các hoạt động sản xuất khác.
   VQG Xuân Thủy phối hợp với UBND huyện, UBND các xã tham mưu rà soát, bổ sung, xây dựng mới chính sách và thể chế đồng quản lý để sử dụng khôn khéo tài nguyên đất ngập nước trong hoạt động nuôi ngao khu vực Vườn quốc gia bền vững. Đồng thời xây dựng thể chế nuôi ngao thịt và ương nuôi ngao giống, trong đó quy định vùng nuôi ngao thịt và ươm nuôi giống được phép cắm cọc, chăng lưới, dây để bảo vệ sản phẩm ương nuôi, song phải đảm bảo về độ dày, chiều cao, thời gian căng lưới trên vây phù hợp với mỗi loại hình sản xuất.
   Để giảm thiểu các tác động bất lợi về khía cạnh kỹ thuật là yêu cầu/khuyến khích các chủ hộ tham gia nuôi ngao thịt phải cam kết diện tích mỗi vây nuôi của mình tối thiểu đạt từ >1 ha trở lên để tránh tình trạng quá nhiều vây nuôi làm giảm khả năng trao đổi nước theo chế độ thủy triều, gây suy giảm môi trường nuôi. Người nuôi ngao phải tuân thủ các yếu tố kỹ thuật nuôi thả và BVMT: cỡ giống, mật độ thả (dưới 100 con giống/m2), kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ và thu hoạch như quy trình nuôi.
   Giảm thiểu các tác động trong giai đoạn chuẩn bị bãi nuôi: Quy định quy trình san lấp bãi triều và phun cát chuẩn bị bãi nuôi, đồng thời kiểm soát không để hiện tượng rò dầu từ các phương tiện cơ giới ra bãi; Quy định không được khai thác trái phép các cây gỗ rừng ngập mặn cũng như phi lao trong khu vực VQG Xuân Thủy để làm cọc giăng lưới và làm vật liệu xây dựng chòi canh ngao. Đồng thời thực hiện các biện pháp để tăng cường lưu thông nước ở bãi triều vùng nuôi tại Cồn Lu như đã đề ra trong “Quy hoạch khu nuôi ngao quảng canh tại phân khu phục hồi sinh thái VQG Xuân Thủy đến năm 2018” là cải tạo, đào các kênh/lạch lưu thông nước giữa sông Vọp và vùng nước ven bờ ngoài của Cồn Lu.
   Giảm thiểu các tác động trong quá trình nuôi ngao: Kiểm soát các hoạt động phun cát nhằm giảm mức độ thay đổi cấu trúc nền bãi triều cũng như sự rò rỉ dầu từ các phương tiện tàu thuyền chở cát; Kiểm soát, giảm mật độ nuôi nhằm bảo đảm môi trường thuận lợi cho sinh trưởng, phát triển của ngao, làm cho ngao chóng lớn, năng suất cao, giảm thời gian của vụ nuôi; Tỉnh Nam Định phối hợp với các cơ quan chức năng cần xây dựng và ban hành Quy định, cơ chế phí bảo vệ/bồi hoàn môi trường từ các hoạt động nuôi ngao và dịch vụ san lấp, chuyên chở và phun cát bãi nuôi; Tăng cường bảo vệ diện tích RNM hiện có, đặc biệt RNM ở vùng lõi và Bãi Trong là nơi khoáng hóa lượng bùn hữu cơ từ quá trình bài tiết từ bãi nuôi ngao. Mặt khác, RNM cũng là nơi cư trú và phát tán nguồn giống thuỷ sản; Tăng cường bảo vệ rừng phi lao phòng hộ ven bờ ngoài Cồn Lu để chống cát bay, giữ đường bờ.
   Việc xây dựng và tổ chức thực hiện ĐTM đối với Đề án đồng quản lý khu nuôi ngao quảng canh bền vững tại Phân khu phục hồi sinh thái Cồn Lu sẽ đem lại lợi ích nhiều mặt cho khu vực thực hiện Đề án thí điểm vì qua thực hiện ĐTM sẽ trực tiếp tạo nên sự ổn định và phát triển bền vững về kinh tế - xã hội của địa phương; đồng thời tạo ý thức trách nhiệm của cộng đồng đối với sự nghiệp bảo tồn và phát triển bền vững khu vực VQG.

 

NGUYỄN VIẾT CÁCH

Giám đốc Vườn Quốc gia Xuân Thủy

Phạm Thị Bích Thủy

Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam

(Nguồn: Tạp chí Môi trường số 4/2015)

 

 

Ý kiến của bạn