09/06/2020
Trong những năm gần đây, tình trạng gia tăng rác thải nhựa (RTN) đang trở thành áp lực đối với môi trường tỉnh Long An. Việc sử dụng túi ni lông, đồ dùng nhựa một lần đã trở nên phổ biến trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân nơi đây. Đáng lo ngại là người dân vẫn chưa có thói quen phân loại rác sinh hoạt hàng ngày, việc xả rác thải ra môi trường, không phân loại RTN, gây khó khăn trong công tác xử lý RTN. Để khắc phục tình trạng trên, Long An đã phát động nhiều phông trào, mô hình "giảm thiểu RTN" mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần làm sạch môi trường, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của nhân dân về BVMT.
Những mô hình sáng tạo giảm thiểu RTN
Mô hình “Cá tre ăn RTN” được các đoàn viên, thanh niên Trường THPT Cần Giuộc (ấp Hòa Thuận 1, xã Trường Bình, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) thực hiện trong năm qua đã góp phần phân loại rác tại nguồn, BVMT. Với ý tưởng sáng tạo làm một chú Cá tre khổng lồ có chiều dài 5 m, cao 2 m, có khả năng “ăn” hơn 500 vỏ chai nhựa. Chú cá khổng lồ này do hơn 20 học sinh của trường làm trong vòng 2 tuần. Ngoài nguyên liệu chủ yếu là tre, lưới nhựa, các bạn trẻ còn tận dụng những vật liệu không còn sử dụng như nắp chai, băng rôn cũ thiết kế thành con cá trông rất ngộ nghĩnh. Cá được đặt trong khuôn viên nhà trường, rất thuận tiện để học sinh “cho ăn”. Hơn 3 tuần triển khai, mô hình Cá tre ăn RTN làm thay đổi nhận thức của học sinh về tác hại RTN, các em đã hạn chế sử dụng đồ nhựa một lần, thu gom được lượng lớn các chai nhựa, lon nhựa dư thừa, rơi vãi. Mô hình “Cá tre ăn RTN” đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, nâng cao nhận thức, hành vi sử dụng RTN của giới trẻ.
Còn tại TP.Tân An, tỉnh Long An, nhận thức được tác hại của RTN, các em học sinh Trường THCS Thống Nhất đã thực hiện mô hình xây "Ngôi nhà kế hoạch nhỏ" bằng việc thu gom chai nhựa. Vào năm học mới, các em học sinh được cô Tổng phụ trách Đội Trường THCS Thống Nhất - Trần Thị Ngọc Điệp tuyên truyền về tác hại của RTN, giữ gìn môi trường xung quanh bằng cách phân loại rác trước khi đem bỏ những vật dụng tái chế vào "Ngôi nhà kế hoạch nhỏ". Từ đó, mỗi giờ lên lớp hoặc ra chơi, các bạn sau khi ăn quà vặt đều bỏ những chai nhựa vào đây, vừa tiết kiệm được phần tiền nhỏ, vừa BVMT". Trước đây, học sinh thường xả rác mặc dù được các thầy cô nhắc nhở nhiều lần. Để giáo dục học sinh hiểu được tác hại của RTN, liên đội đã xây dựng mô hình này từ năm học 2018-2019, đồng thời phối hợp Ban Giám hiệu trường tuyên truyền để học sinh hiểu được ý nghĩa mô hình thông qua những buổi sinh hoạt lớp. Liên đội dành một phần đất nhỏ nằm ở góc sân trường để đặt "Ngôi nhà kế hoạch nhỏ", đựng rác tái sử dụng như giấy, chai, lọ nhựa, vỏ ly lông... Từ khi phát động đến nay, các em hiểu hơn về tác hại của rác thải nói chung, RTN nói riêng đối với môi trường sống.
Với vai trò xung kích, chủ động, sáng tạo, mỗi đoàn viên, thanh niên xã Thanh Phú, huyện Bến Lức, tỉnh Long An là hạt nhân, nòng cốt, gương mẫu đi đầu trong phong trào không sử dụng RTN. Đoàn Thanh niên xã thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền đến các đoàn viên, đội viên và người dân về tác hại của RTN, túi ni lông đối với môi trường sống và sức khỏe con người; vận động mọi người bỏ rác đúng nơi, hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa. Cùng với đó, Đoàn Thanh niên xã thực hiện Chương trình “Đổi vỏ chai nhựa - nhận chai thủy tinh”, cứ 30 chai nhựa đã qua sử dụng sẽ đổi lấy 1 chai đựng nước bằng thủy tinh có in logo của Đoàn và thông điệp “Nói không với RTN”. Số vỏ chai nhựa thu gom được sẽ tái chế thành các vật dụng trang trí tại cơ quan hoặc làm dụng cụ học tập (hộp đựng bút) để tặng học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Đến nay, mô hình đã được nhân rộng ra các xã khác trên địa bàn. Các em đã tự giác phân loại rác thải tại nhà, giữ gìn vệ sinh chung. Hành động tưởng chừng rất nhỏ nhưng đã và đang góp phần tích cực trong việc xây dựng và hình thành ý thức tự giác BVMT của các đoàn viên, thanh niên trên địa bàn tỉnh.
Chị em phụ nữ xách giỏ nhựa đi chợ, hạn chế RTN
Tiếp tục thực hiện kế hoạch “Nói không với RTN”
Theo số liệu thống kê, năm 2019, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh Long An được thu gom khoảng 570 - 590 tấn/ngày, trong đó sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông chiếm tỷ trọng khá lớn. Dự báo đến năm 2025, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trung bình trên địa bàn khoảng 1.132,89 tấn/ngày. Để giảm thiểu RTN, UBND tỉnh Long An đã ban hành Văn bản số 4187/UBND-KTTC gửi các Sở, ban, ngành và đoàn thể chính trị - xã hội, UBND các huyện, thị xã và thành phố tiếp tục triển khai có hiệu quả các hoạt động nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần. Đến nay, các cơ quan hành chính Nhà nước thuộc thẩm quyền quản lý của UBND tỉnh không sử dụng chai nhựa dùng một lần; việc tuyên truyền, tổ chức hội thi liên quan về BVMT cho học sinh các cấp trên địa bàn tỉnh của Sở Giáo dục và Đào tạo, tổ chức tập huấn cho cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ của 14 xã, phường trên địa bàn thành phố Tân An… Trong thời gian tới, để phong trào "Chống RTN" lan tỏa trong cộng đồng, tỉnh sẽ triển khai thực hiện một số giải pháp như:
Thứ nhất, tăng cường công tác thu gom, vận chuyển, xử lý RTN nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu chất thải nhựa đối với môi trường tự nhiên; tăng cường kiểm soát việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải, rác thải; tập trung các nguồn lực để giải quyết triệt để các vấn đề ô nhiễm môi trường từ chất thải, rác thải đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sinh kế của người dân; xử lý nghiêm đối với các đơn vị có hành vi vi phạm các quy định về quản lý chất thải và phế liệu, quản lý chất thải nguy hại.
Thứ hai, huy động sự tham gia của toàn thể cán bộ, công chức, người lao động trong các cơ quan, đoàn thể thu gom, phân loại các sản phẩm đã sử dụng làm từ nhựa, bao bì, túi ni lông; treo băng zôn với nội dung phòng, chống rác thải nhựa tại các khu vực cơ quan; tổ chức các hoạt động có sự tham gia trực tiếp của cộng đồng như: Chiến dịch “Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần”, chiến dịch ra quân làm vệ sinh môi trường, thu gom xử lý chất thải, rác thải, khơi thông dòng chảy, nạo vét kênh, mương, ao, hồ, hệ thống thoát nước. Tổ chức các lớp học giáo dục môi trường, thực hiện các hoạt động thu gom và tái chế RTN, túi ni lông tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các khu dân cư tập trung… nhằm khuyến khích người tiêu dùng giảm việc sử dụng các sản phẩm nhựa và túi ni lông, thay đổi thói quen vứt rác bừa bãi, nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng.
Thứ ba, từng bước xây dựng quy trình phân loại và thu gom phế thải nhựa có thể tái chế và triển khai hình thức dán nhãn mác rõ ràng lên tất cả các vật liệu để xác định khả năng tái chế của sản phẩm; khuyến khích người dân hướng đến sử dụng các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường; tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, trung tâm thương mại và siêu thị cắt giảm sử dụng nhựa, giảm thiểu đóng gói bao bì sản phẩm bằng nhựa và ni lông; sử dụng các sản phẩm từ vật liệu thân thiện với môi trường thay thế túi ni lông; vận động các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia xã hội hóa công tác BVMT, thực hiện trách nhiệm xã hội, trong đó có trách nhiệm BVMT.
Lê Mai - Châu Loan
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 5/2020)