26/08/2019
Phần lớn nhựa không phân hủy hoàn toàn mà chỉ vỡ thành những mẩu nhỏ hơn gọi là hạt vi nhựa, đường kính dưới 5 mm. Hạt vi nhựa xuất hiện ở khắp nơi, từ rãnh đại dương sâu nhất thế giới Mariana đến dãy núi Pyrenees, Pháp.
Theo thông tin đăng trên Tạp chí Matter hôm 31/7/2019, nhà khoa học Xiaoguang Duan cùng các đồng nghiệp đã tìm ra phương pháp mới để phân hủy rác thải nhựa.
Nhóm nghiên cứu chế tạo ống cuộn nano (công nghệ nano dùng để chỉ những thứ nhỏ hơn một phần tỷ mét, hay nửa chiều rộng của sợi tóc người) từ carbon với hình dạng gần giống lò xo, được phủ nitơ và mangan. Hai thành phần này tương tác với cuộn nano để tạo ra những phân tử oxy hoạt động hóa học mạnh, tấn công hạt vi nhựa. Quá trình này biến nhựa thành hỗn hợp muối, CO2 và nước.
Lò xo nano có thể biến nhựa thành hỗn hợp muối, CO2 và nước (Ảnh: Matter)
Thả lò xo nano vào các mẫu nước chứa hạt vi nhựa, Duan cùng đồng nghiệp nhận thấy lượng vi nhựa giảm 30 - 50% trong 8 tiếng. Nhóm nghiên cứu cũng dễ dàng lấy lò xo ra khỏi nước bằng nam châm để sử dụng cho những lần sau.
Công nghệ này đang trong giai đoạn sơ khai nhưng có thể là biện pháp khả thi để giải quyết một vấn đề toàn cầu, Duan nhận định. Họ cần thử nghiệm thêm trước khi ứng dụng trong các nhà máy lọc nước hay dưới biển. Đây cũng là mục tiêu dài hạn của nhóm nghiên cứu.
Số mảnh rác thải nhựa dưới biển nhiều hơn số ngôi sao trong dải Ngân Hà. Khoảng 14 triệu tấn nhựa được thải ra biển hàng năm, 40% trong đó là nhựa dùng một lần. Theo nghiên cứu năm 2015, có khoảng 15 - 51 nghìn tỷ hạt vi nhựa dưới biển, nặng 261.000 tấn. Nhiều loài cá và động vật có vỏ mà con người dùng làm thức ăn chứa vi nhựa. Các hạt vi nhựa cũng được tìm thấy trong chất thải của con người. Giới khoa học chưa rõ chính xác hậu quả của chúng đến sức khỏe.
Nam Việt