24/05/2019
Trong cuộc gặp gỡ chiều 11/4/2019 tại trụ sở Chính phủ với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đoàn chuyên gia Nhật Bản về môi trường đã đề xuất tài trợ miễn phí thiết bị công nghệ sinh học Nano - Bioreactor nhằm hỗ trợ tích cực cho việc xử lý ô nhiễm nguồn nước ở Việt Nam.
Đến ngày 16/5/2019, dự án tài trợ thí điểm đã chính thức triển khai tại một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây. Theo các chuyên gia Nhật Bản, dự án xử lý ô nhiễm tại sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano - Bioreactor sẽ không cần nạo vét cơ học, nhưng chỉ sau 3 ngày mùi hôi thối sẽ giảm và sau khoảng 2 tháng các chất thải và bùn dưới sông sẽ bị phân hủy.
Hiện nay, sông Tô Lịch đang tồn tại 3 vấn đề chính đó là: mùi hôi thối; lớp bùn dưới đáy sông và chất lượng nước trong lòng sông. Các chuyên gia Nhật Bản khẳng định với hệ thống Nano - Bioreactor được lắp đặt dưới lòng sông sẽ giải quyết triệt để được các vấn đề trên. Tiến sĩ Tadashi Yamamura cho biết, đây là công nghệ kết hợp giữa sinh học và công nghệ nano. Công nghệ nano sử dụng vật liệu thiên nhiên nên rất thân thiện với môi trường (điều mà các phương pháp hóa học và vật lý không có được). Cụ thể hơn, công nghệ nano là khoa học, kỹ thuật và thao tác liên quan tới các hệ thống có kích thước nano, ở cấu trúc cấp độ kích thước siêu nhỏ này thì hạt, tinh thể nano, lớp nano, ống nano sẽ có những tính chất và chức năng mới mà các nhà khoa học cần phải nghiên cứu. Còn công nghệ sinh học có nền tảng là công nghệ tái tổ hợp sẽ tập trung nghiên cứu các quá trình, cơ chế ở mức phân tử của các hệ thống sinh học. Có thể thấy, việc nghiên cứu cấu trúc, tính chất ở mức độ siêu nhỏ của vật chất chính là điểm chung của cả hai công nghệ trên. Việc kết hợp giữa những điểm chung này là một hệ quả tất yếu dẫn tới sự ra đời của công nghệ sinh học nano (bio-nanotechnology), ngành công nghệ tìm kiếm các mối liên kết giữa những vật có kích thước nano.
Các chuyên gia Nhật Bản lắp đặt thiết bị làm sạch nước sông Tô Lịch
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Công ty cổ phần Cải thiện môi trường Nhật Việt (JVE), công nghệ Nano - Bioreactor của Nhật Bản có 4 ưu điểm vượt trội so với các công nghệ hiện nay ở Việt Nam. Thứ nhất, công nghệ này tạo ra oxy từ nước, vật liệu thiên nhiên bio… giúp kích hoạt các vi sinh vật, cuối cùng là các vi sinh vật này tạo ra enzim điện ly lực phân tử nước, giải phóng oxy vô tận trong nước; thứ hai, công nghệ nano phun trực tiếp bọt khi nano vào trong không khí và điều này giúp nồng độ oxy hòa tan cao, cá sẽ không bị chết hàng loạt; thứ ba, công nghệ này không bị tái ô nhiễm bởi hai yếu tố: vật liệu thiên nhiên được làm từ đá núi lửa, không tan trong nước và tồn tại mãi ở khu vực xử lý; thứ tư, công nghệ này sẽ giúp tiết kiệm nhiều chi phí hơn so với các công nghệ xử lý nước thải khác.
Dự kiến, hệ thống bio - nano khi được đặt xuống lòng sông sẽ trở thành "nhà máy" xử lý nước thải đặt trong lòng sông Tô Lịch với công xuất xử lý lên tới 1.350.000 m3/ ngày đêm mà không cần phải xây dựng nhà máy. Trong khi đó, ước tính mỗi ngày sông Tô Lịch chịu 150.000 m3/ ngày đêm xả thải. Như vậy, các nhà máy xử lý đặt trong lòng sông Tô Lịch hoàn toàn có thể xử lý được lượng xả thải trong ngày và không còn ô nhiễm.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá rất cao công nghệ Nano - Bioreactor của Nhật Bản và cũng tin tưởng sự thành công của người Nhật ở lần thí điểm này tại Việt Nam.
Phương Anh